Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu không có các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết như trên tại hội thảo “Phát triển công nghệ thông qua hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và cơ điện tử” diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Phát triển công nghệ nội sinh
Sức ép gia tăng nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc triển khai một số chương trình mang tầm quốc gia nhằm thúc đẩy tốc độ và hiệu quả đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp, các ngành kinh tế là hết sức cần thiết và cấp bách.
Đối với Việt Nam hiện nay, phát triển công nghệ nội sinh là vấn đề quan trọng để có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về khoa học và công nghệ (KH&CN), góp phần đưa đất nước cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Một trong những giải pháp có hiệu quả là nhập khẩu các công nghệ tiên tiến và công nghệ cao từ các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU, v.v…từng bước tiến hành làm chủ, nội địa hóa công nghệ cũng như tận dụng tối đa các chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ để chuyển giao tri thức công nghệ và xây dựng nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.
Ông Tạ Việt Dũng cho biết, trên thực tế, các hoạt động nhập khẩu công nghệ và thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam đang diễn ra với số lượng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn thiên về nhập khẩu thiết bị máy móc hơn là đi sâu vào phần công nghệ (bí quyết và quy trình) để nghiên cứu, thích hợp và tiến tới làm chủ, sáng tạo công nghệ. Ngay cả đối với công nghệ kèm thiết bị, máy móc, các hoạt động làm chủ công nghệ vẫn chưa được diễn ra rộng rãi thông qua các hoạt động R&D trong doanh nghiệp. Công nghệ được mua bán chủ yếu trên thị trường là thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ. Công nghệ nhập khẩu còn lạc hậu trong khi năng lực hấp thu công nghệ còn thấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nhiều kinh phí cho hoạt động nhập khẩu, mua bán thiết bị thay vì tập trung kinh phí cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu &triển khai (R&D) hay làm chủ công nghệ.
Chú trọng hoạt động “giải mã công nghệ”
Các chuyên gia nhận định rằng, trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, KH&CN đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư cho KH&CN được nâng lên, là cơ sở quan trọng để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế; đồng thời nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.
Mặc dù có những đóng góp trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhưng trình độ công nghệ nước ta còn thấp, hoạt động đổi mới công nghệ chưa tích cực và hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp thấp so với các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, một số yêu cầu về công nghệ của khối doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN trong nước chưa đáp ứng được trong thời gian trước mắt. Như vậy, việc tìm kiếm, nhập khẩu giải mã công nghệ là cần thiết trong giai đoạn này để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ.
Cần chính sách khuyến khích các hoạt động giải mã công nghệ.
Ông Tạ Việt Dũng cho biết, kinh nghiệm từ các nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc cho thấy, để có thể nhanh chóng bắt kịp được các nước phát triển khác trong khu vực và trên thế giới, hoạt động giải mã công nghệ là nền móng cơ bản nhất cần được chú trọng phát triển để một quốc gia chuyển nhanh từ giai đoạn mua công nghệ và làm chủ công nghệ sang giai đoạn cải tiến công nghệ và tiếp cận ở mức cao nhất là sáng tạo ra công nghệ mới. Ví dụ điển hình là Hàn Quốc, nếu như năm 1995, số lượng sáng chế nhập khẩu tương đương số lượng patent trong nước thì đến năm 2013, số lượng patent nhập khẩu chỉ còn khoảng 3% so với số lượng sáng chế trong nước.
Về phương diện chính sách, một số đặc thù về chính sách khuyến khích các hoạt động giải mã công nghệ từ các quốc gia đã thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan trong giai đoạn mới phát triển cho thấy, hoạt động giải mã công nghệ được coi là một phần không tách rời của các hoạt động R&D và được hưởng toàn bộ các ưu đãi của nhà nước như thuế, phí và các chương trình hỗ trợ trực tiếp khác.
Việc miễn, giảm thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ R&D nói chung và thiết bị giải mã công nghệ nói riêng cùng với các chính sách ưu đãi miễn giảm thuế đối với hoạt động giải mã công nghệ và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân với các chuyên gia tham gia các hoạt động này là một hệ thống các chính sách hỗ trợ liên tục được các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc áp dụng trong thời gian dài...
Tại Việt Nam, vấn đề giải mã công nghệ đã được nhắc đến trong Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị TW6 khóa XI và cụ thể hóa trong Quyết định 1069/QĐ-TTg ngày 4/7/2014 về việc phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020. Tuy nhiên, các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Việt Nam hiện nay chưa đề cập cụ thể đến các hoạt động giải mã công nghệ. Đây là một vấn đề quan trọng, việc cần xác định rõ các hoạt động mang tính đặc thù riêng của giải mã công nghệ,nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính hỗ trợ, để xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ giải mã công nghệ và đặt hàng giải mã công nghệ là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
“Để thúc đẩy các hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ ở Việt Nam cần có sự đầu tư và phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng và nguồn nhân lực chất lượng cao gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi. Cần xây dựng chiến lược về giải mã công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực như: cơ khí chế tạo, cơ điện tử; tự động hóa công nghiệp; công nghệ thông tin; quốc phòng và an ninh; các thiết bị dân dụng và các phương tiện giao thông... để nghiên cứu, cải tiến, tạo ra những sản phẩm công nghệ trong điều kiện Việt Nam, giúp giảm giá thành đầu tư cho công nghệ mới và làm chủ được các công nghệ hiện đại”, ông Dũng cho hay.
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, một trung tâm hỗ trợ đổi mới công nghệ cơ khí chính xác để hỗ trợ các hoạt độnghoàn thiện, giải mã và làm chủ công nghệ một cách rất hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vửa trong lĩnh vực cơ khí chế tạo của Singapore với khoảng hơn 200 doanh nghiệp hưởng lợi hàng năm.
Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cần học tập kinh nghiệm thành công của các quốc gia để nhanh chóng tiếp cận được với trình độ KH&CN của thế giới. Một trong những giải pháp là dựa vào việc nhập khẩu, giải mã, làm chủ công nghệ để tạo nên những bước phát triển đột phá cho các ngành kinh tế - kỹ thuật.
Nội dung này đã được xác định, ưu tiên thực hiện trong các chương trình KH&CN như: Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình quốc gia Phát triển Công nghệ cao và Đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, cùng một số các chính sách của các bộ, ngành khác.
Để thực hiện hiệu quả quá trình nghiên cứu giải mã và làm chủ công nghệ, các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu công nghệ cần chủ động, phối hợp xác định nhu cầu công nghệ trong nước, tìm kiếm công nghệ, giải mã công nghệ đi đôi với làm chủ.
Bài, ảnh: Bảo Chi