Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN); CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt Nam; CGCN từ viện, trường tới doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ 2006;… Đó là những nội dung chính được bàn luận tại Hội thảo “Tình hình thực thi Luật chuyển giao công nghệ 2006 trong các doanh nghiệp: Thực trạng và đề xuất sửa đổi” diễn ra chiều 27/9, tại Hà Nội.
Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKH,CN&MT) của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức. Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ nhiệm UBKH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Phó Chủ nhiệm UBKH,CN&MT của Quốc hội Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đồng chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN báo cáo tóm tắt về sự cần thiết và những nội dung sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.
Theo đó, sau gần 10 năm thực thi, với mục tiêu đề ra, Luật CGCN đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát việc thực thi Luật, Bộ KH&CN thấy hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong thời gian qua còn một số hạn chế. Theo khảo sát của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Công Thương, chỉ có khoảng 5% DNNVV chủ động trong việc ứng dụng, đổi mới công nghệ. Điều này làm cho khoảng cách của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới ngày càng lớn, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, cần phải có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, cần có hệ thống quản lý, giám sát bảo đảm sự minh bạch, nhằm hạn chế CGCN lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời ngăn chặn tình trạng chuyển giá qua hoạt động CGCN.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, Bộ KH&CN đã đề xuất sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006. Ban soạn thảo đã tổng kết tình hình thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ trong giai đoạn 2007 – 2015, đánh giá đầy đủ về mặt tích cực và những vấn đề còn tồn tại của Luật CGCN 2006. Dự thảo Luật CGCN sửa đổi đã được gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan có liên quan, nhà khoa học, các chuyên gia pháp luật trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp,…
Theo ông Đỗ Hoài Nam, Ban soạn thảo và Tổ Biên tập đã rà soát toàn bộ các điều khoản của Luật Chuyển giao công nghệ và đã nghiên cứu sửa đổi 28 Điều, bổ sung 02 Điều trên tổng số 60 Điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, trong đó tập trung vào các vấn đề phát triển thị trường KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu; quản lý nhà nước và một số nội dung liên quan khác.
Tại Hội thảo, đã có hơn 20 lượt ý kiến phát biểu từ đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Các đại biểu đều đồng tình, đánh giá cao tinh thần đổi mới của dự thảo Luật và đưa ra nhiều ý kiến góp ý cụ thể từng điều, khoản, khái niệm trong dự thảo Luật. Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật cần xây dựng những quy định chặt để có bộ lọc tốt ngăn công nghệ lạc hậu, không chấp nhận đánh đổi ô nhiễm để lấy tăng trưởng; cần có cơ chế chính sách thông thoáng tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp;…
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời cho rằng bản dự thảo Luật là kết quả của trí tuệ tập thể của Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã đồng hành, chia sẻ cùng cơ quan soạn thảo để tháo gỡ, điều chỉnh những điểm hạn chế từ luật cũ cũng như đưa ra những góp ý xây dựng Luật sửa đổi hướng tới quản lý tối ưu việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, khuyến khích thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Chủ nhiệm UBKH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội đã tổ chức thẩm tra Dự án Luật và nhận thấy, Ban soạn thảo đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị Dự án Luật, tiếp thu nhiều nội dung được đề xuất, đề nghị sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật; đã thực hiện đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật đã có đủ điều kiện để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016).
Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, những ý kiến góp ý, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp,… sẽ là cơ sở quan trọng để giúp Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội xem xét, thẩm tra Dự án Luật, để chúng ta có một Luật tốt nhất góp phần tích cực thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN ở nước ta; ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất; từng bước góp phần cải thiện trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nước; kiểm soát CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào nước ta; tiếp thu và làm chủ công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến nhất, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên - Phương Hoàn