Hoạt động KH&CN Thứ năm, 18/04/2024 , 11:34 pm
Cập nhật : 11/04/2014 , 09:04(GMT +7)
Thúc đẩy DN ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào nông nghiệp
Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sẽ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học (KH&CN) được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại hiệu quả quả đáng kể, góp phần làm tăng năng suất chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp...

Nhiều thành tựu...

Trong hơn 25 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển khả quan, trong đó nông nghiệp đã đem lại nhiều kết quả nổi bật. Nếu năm 2007 sản lượng lương thực đạt con số kỉ lục là 39 triệu tấn, xuất khẩu đạt 4,5 triệu tấn thì đến năm 2013 mặt hàng này đã xuất khẩu đạt gần 7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,7 tỷ USD.

Trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, đến nay chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính và siêu đực, cá tra, cá ba sa và chủ động sản xuất 12 tỷ cá bột/năm; đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống tôm với năng lực sản xuất 25 tỷ con/năm. Đối với loại thủy sản nước mặn đã sản xuất được giống cá giò, cá vược, cá song, cá hồng, cua biển, ốc hương, bào ngư….chỉ tính riêng sự thành công trong nghiên cứu làm chủ các công nghệ sản xuất 4 loại giống: cua biển, ốc hương, cá song và bào ngư đã mở ra các nghề nuôi trồng thủy sản mới, tạo cơ sở cho việc hình thành chương trình xuất khẩu các loại thủy sản này trong vài năm tới  với triển vọng đạt tổng giá trị khoảng 7.500 tỷ đồng/năm và tiết kiệm khoảng 100 triệu USD tiền nhập con giống/năm.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục ứng dụng KH&CN (Bộ KH&CN) thì"sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Trước tiên đó là sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng, năng suất chất lượng của nhiều sản phẩm rất thấp so với nhiều nước. Nông sản trong nước vẫn chủ yếu ở dạng sơ chế, tỷ lệ qua chế biến còn thấp như rau quả chỉ chiếm 15%. Bên cạnh đó, công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu khiến cho chất lượng nông sản không cao, hao hụt nhiều"...

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Để khắc phục những  khó khăn trên, chúng ta cần có những chính sách "dài hơi" để thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp. Hiện nay, cả nước có trên 33.000 doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc ứng dụng KH&CN ở các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng hội thư kí NN&PTNT Việt Nam cho biết: doanh nghiệp hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nguyên nhân chính là đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, hiệu quả thấp. Vì vậy hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu chỉ tham gia đầu tư vào nông nghiệp ở các khâu thu gom, sơ chế, tiêu thụ chưa quan tâm đến toàn bộ chuỗi giá trị.

Để khắc phục những khó khăn trên thì "Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, đẩy mạnh việc áp dụng KH&CN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp nông thôn có quy định khuyến kích áp dụng KH&NC vào sản xuất như hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới cho doanh nghiệp, hỗ trợ 30% tổng kinh phí cho dự án sản xuất thử nghiệm", bà Trần Thị Hồng Lan cho biết.

Cũng  theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Bộ NN&PTNT thì chính phủ và Bộ NN&PT nông thôn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chuyển giao và ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ và KH&CN phục vụ phát triển nông thôn và miền núi đến năm 2020; Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn giai đoạn mới 2011- 2015...Tuy nhiên, "để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, phải làm được ba việc chính: tạo quỹ đất lớn và tập trung cho doanh nghiệp; dẹp bỏ được tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi; xóa bỏ lối canh tác “ăn xổi”, ông Tuấn nói.

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia mạnh hơn nữa, ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp lại cho rằng, chính phủ cần hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để giảm rủi ro thấp nhất. Hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, tiêu chuẩn chất lượng cần được cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa Thương vụ và Doanh nghiệp trong nước. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực.... để doanh nghiệp quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà chỉ tính theo mùa vụ sản xuất.

"Nếu thực hiện tốt những chính sách trên, sẽ là bước chuyển biến tích cực, là cơ sở để kì vọng việc thu hút doanh nghiệp sẽ đạt kết quả tốt khả quan hơn, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy công nghệ sản xuất chế biến nông sản, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn. Ngoài ra, những chính sách này được kì vọng sẽ đưa các doanh nghiệp về nông thôn đặc biệt là những vùng khó khăn để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn", ông Bộ khẳng định.

Bài, ảnh: Ánh Tuyết


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner