Lắng nghe và chia sẻ, cùng tìm giải pháp tháo gỡ là cảm nhận chung tại cuộc Giao lưu trực tuyến “Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào?” do báo Tiền phong phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển truyền thông KH&CN tổ chức chiều 25/8 tại Hà Nội.
Tiền lương và môi trường làm việc
Vướng về cơ chế chính sách, đãi ngộ, chế độ tiền lương… là những trăn trở của các nhà khoa học trẻ trên con đường nghiên cứu khoa học. Chia sẻ về điều này, Th.S Lê Văn Huyên cho biết: “Hiện tại thì mình kỳ vọng nhất là vào cơ chế lương. Cơm áo gạo tiền vẫn rất quan trọng, vẫn là vấn đề nổi cộm”.
Điều này cũng được GS.TS Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ: dù là một cơ quan có điều kiện ở loại tốt nhất cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (trang thiết bị, môi trường làm việc,...), thì như một cơ quan thuộc chính phủ, Viện Hàn lâm vẫn có những khó khăn trong việc thu hút các nhà khoa học trẻ mà khó khăn rõ nét nhất là hiện nay, lương của sinh viên mới tốt nghiệp quá thấp, thiếu những kí túc xá,...
Các nhà khoa học, quản lý tham gia buổi GLTT (Ảnh: Thu Hoài)
Tuy nhiên, Th.S Huyên nhấn mạnh, để các nghiên cứu đi vào cuộc sống, điều quan trọng vẫn là có môi trường để ứng dụng. “Cá nhân tôi làm việc trong doanh nghiệp, cho đến thời điểm này, công việc chính vẫn chưa là nghiên cứu. Những ý tưởng của tôi hầu hết đều nhỏ, việc hoàn thiện ý tưởng không tốn quá nhiều thời gian, nhưng bù vào đó là quá trình đưa ý tưởng vào thực tế. Nhờ có sự phối hợp của các anh chị em đồng nghiệp, sự hỗ trợ của lãnh đạo doanh nghiệp, các ý tưởng của tôi mới có thể trở thành hiện thực”- Th.S Huyên cho biết.
Không làm việc trong môi trường doanh nghiệp như Th.S Lê Văn Huyên, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp và TS Vũ Thị Thu làm việc trong môi trường khoa học chuyên sâu cũng chia sẻ, nếu để chuyện kinh tế chi phối thì khó có thể tập trung cho công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, cả hai nhà khoa học trẻ đều khẳng định, hiện nay với việc thay đổi cơ chế phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu - ứng dụng bằng cơ chế Quỹ mà cụ thể là Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) đã giúp các nhà khoa học tiếp cận với các đề tài, dự án khi có ý tưởng chứ không phải lập kế hoạch như trước kia.
Chia sẻ về những thành công của mình, các nhà khoa học cho rằng, ngoài nỗ lực của bản thân thì việc may mắn được làm việc trong một môi trường nghiên cứu khoa học tốt có nhiều người giỏi giúp mình luôn cố gắng phấn đấu trong công việc là điều rất quan trọng. Chính vì thế, yếu tố điều kiện môi trường học thuật chuyên nghiệp, thân ái, trao đổi giúp đỡ là điều mà nhiều nhà khoa học trẻ mong muốn có được.
Ghi nhận và từng bước gỡ nút thắt
Những tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học tại cuộc giao lưu trực tuyến đã được các nhà quản lý KH&CN ghi nhận và chia sẻ.
“Bản thân tôi có rất nhiều người bạn đang làm giáo viên ở các trường đại học, đang làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu và chúng tôi thường xuyên gặp gỡ nhau. Do vậy, tôi cũng có thể hiểu được những tâm tư nguyện vọng, những khó khăn của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ hiện nay”- Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ trong buổi Giao lưu trực tuyến khi nhận được câu hỏi: “Đã bao giờ ông “vi hành không kèn trống- thăm quan không báo trước hoặc không gửi công văn thông báo trước” xuống các phòng nghiên cứu, phòng thực nghiệm, ứng dụng tiến bộ KHCN để trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học, đặc biệt là các bạn trẻ về các chính sách, đãi ngộ và những khó khăn cần được giúp đỡ trong công việc thường ngày?”.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, thời gian qua Chính phủ và Bộ KH&CN đã dành nhiều sự quan tâm đối với các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực, Bộ KH&CN đã ban hành Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định về sử dụng, trọng dụng các cá nhân hoạt động khoa học công nghệ, trong đó dành riêng một mục quy định những chính sách đãi ngộ với các nhà khoa học trẻ tài năng. Nghị định 95/2014/NĐ-CP Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước đã tạo môi trường thông thoáng cho nghiên cứu. Đồng thời Bộ KH&CN đang triển khai các phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu - ứng dụng bằng cơ chế Quỹ: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), các Chương trình phát triển KH&CN và đang tiếp tục hoàn thiện Quỹ Phát triển KH&CN của các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương, các nguồn lực khác.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang xây dựng Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ. Đề án theo mô hình này là để giúp các em học sinh - sinh viên và các nhà khoa học trẻ có ý tưởng về công nghệ, bước đầu tư vấn về mặt pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức giới thiệu về ý tưởng, đào tạo huấn luyện, mời chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá, chọn ra những ý tưởng khả thi để kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vốn,... nhằm đưa ý tưởng thành sản phẩm hàng hóa để đưa ra thị trường.
Năm 2014, Bộ Khoa học và công nghệ, cụ thể là Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã chọn được 10 nhóm và kêu gọi đầu tư khoảng 10.000 USD cho mỗi nhóm. Đến nay đã bước đầu thu được thành công.
Và dự kiến vào tháng 9 tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức buổi gặp gỡ của Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ. Việc này cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của đất nước, đối với các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ tuổi.
Ngoài những nỗ lực của Bộ KH&CN, có thể ghi nhận sự tích cực tham gia của chính các đơn vị nghiên cứu trong việc tạo môi trường, điều kiện làm việc thông thoáng cho các nhà khoa học trẻ. GS.TS Dương Ngọc Hải cho biết, Viện đặc biệt đãi ngộ trong công tác tuyển dụng đối với những nhà khoa học trẻ có kết quả học tập, nghiên cứu tốt. Các nhà nghiên cứu có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ có thể được xét đặc cách. Một điều kiện đãi ngộ nữa là điều kiện thuận lợi trong hợp tác nghiên cứu học tập với các đối tác nước ngoài. Đối với các nhà nghiên cứu trẻ có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ được tạo điều kiện có đề tài nghiên cứu.
Có thể nói thế hệ trẻ hiện nay có 2 thuận lợi cơ bản so với thế hệ chúng tôi, đó là khả năng về cơ sở vật chất tốt hơn, cơ hội học tập ở nước ngoài, hội nhập quốc tế nhiều hơn, rộng mở hơn.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng ở thế hệ chúng tôi, chúng tôi có một thuận lợi rất lớn về mặt tinh thần đó là sự đánh giá cao đến mức tuyệt đối về khoa học công nghệ, cho nên khi đi học, chúng tôi hầu như 100% tập trung vào học tập và không phân tán tư tưởng về những suy nghĩ khác, những tác động xã hội. Tôi cũng không rõ giữa thuận lợi và những thách thức này, thì nhìn chung thế hệ trẻ sẽ có thuận lợi hơn chúng tôi hay không. Qua đó, tôi chỉ muốn nói rằng: mỗi thế hệ đều có những thuận lợi và thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua. Điều kiện học tập ở nước ngoài, hội nhập quốc tế rộng mở chắc chắn vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức rất lớn.
(GS.TS Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
|
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên