“Hiện nay, số lượng dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao vẫn chưa nhiều. Đặc biệt trong ngành công nghiệp công nghệ cao chưa đem lại hiệu quả như mong muốn…”
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Văn Lạng nhận định tại hội thảo về “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” do Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây
Dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao còn ít…
Những năm qua các mô hình chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và một số doanh nghiệp, tổ chức trong nước đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương. Tiêu biểu như các dự án: Sam sung (Hàn Quốc), Intel và HP (Hoa Kỳ), Foxconn (Đài Loan), Canon (Nhật Bản),…
Bên cạnh đó việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những thành công nhất định như: Lĩnh vực công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con có năng suất cao, công nghệ sản xuất sau thu hoạch, chế biến nông lâm hải sản, quản lí tài nguyên nước, tưới cây công nghiệp lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả trên các vùng đất khác nhau …
Tuy nhiên, thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng cho biết, mặc dù được những thành tựu cụ thể, nhưng hoạt động đầu tư, xúc tiến hoạt động FDI tại Việt Nam trên thực tế có nhiều dự án đầu tư cho sản xuất sản phẩm công nghệ cao nhưng thực chất chỉ mang tính chất manh mún với việc gia công, lắp ráp thông thường, sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và mang hàm lượng trí tuệ cao. Về bản chất những dự án đó không thuộc lĩnh vực công nghệ cao dẫn đến việc không đánh giá được trình độ công nghệ cũng như tỷ lệ R&D (nghiên cứu và phát triển) trong dự án đầu tư FDI.
Bên cạnh đó, việc thu hút và tiếp nhận các dự án chuyển giao công nghệ trong khi công tác đánh giá, kiểm tra còn nhiều hạn chế đã tác động không nhỏ tới nhu cầu và cơ hội đầu tư từ các đối tác có năng lực.
Thêm nữa, các doanh nghiệp FDI thường không mặn mà đối với các kế hoạch đầu tư tập trung do ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thực sự không có ý nghĩa (trên 50% đầu tư không mang lại lợi nhuận). Tiêu chí quy định Doanh nghiệp công nghệ cao yêu cầu phải đầu tư cho R&D trong khi các doanh nghiệp FDI lại cho rằng họ đã có nền tảng công nghệ cao, không nhất thiết phải đầu tư thêm nhiều chi phí và nhân lực cho R&D. Chính những rào cản trên khiến cho việc thu hút và triển khai các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao gặp nhiều khó khăn.
Thêm một nguyên nhân khác, theo ông Vũ Đại Thắng – Vụ trưởng Vụ Quản lí các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) thì hàm lượng công nghệ, tính phù hợp về mặt ngành nghề trong cơ cấu đầu tư chưa cao do các địa phương và chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư theo kiểu lấp đầy khu công nghiệp, chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, yếu tố môi trường của các dự án.
Đặc biệt là tốc độ thu hút FDI và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế những năm gần đây có xu hướng giảm sút bởi các các dự án và vốn FDI đầu tư vào những Khu này vẫn duy trì tỷ lệ cao so với FDI cả nước, nhưng tốc độ gia tăng hàng năm lại không cao…
Tập trung vào dự án có công nghệ hiện đại
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ KH&ĐT khẳng định, trong thời gian tới, hoạt động thu hút FDI cần tập trung vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực, các ngành và lĩnh vực tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghiệp sinh học, công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới,…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, GS. TSKH Nguyễn Mại cũng chỉ ra rằng, để có thể thu hút hơn nữa FDI, cần phải giải quyết một số vấn đề như, Công nghệ, môi trường, mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, phân cấp quản lí cho UBND tỉnh và thành phố. Bởi theo ông Mại, FDI đã tạo ra bộ mặt mới trong lĩnh vực dịch vụ và đóng góp vào ngân sách ngày càng tăng. Chiếm 20 – 25 % tổng vốn đầu tư xã hội và tạo ra khoảng 45 % giá trị sản xuất công nghiệp.
Còn theo thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng thì một trong những giải pháp cấp thiết hàng đầu đó là hoàn thiện chính sách ưu đãi đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp FDI, trong đó có sự phân biệt rõ về chính sách ưu đãi đối với từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI.
Thêm vào đó, cần kiện toàn hạ tầng kỹ thuật, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh. Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, đưa luật và các văn bản hướng dẫn thực thi vào thực tế hoạt động. Đặc biệc quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực lao động, nhất là lao động có kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp có vốn FDI, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, thứ trưởng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1617/CT ( 19/9/2011) trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ KH&CN phối hợp với Bộ KH&ĐT tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Các Bộ, ngành TW, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện một cách mạnh mẽ ở tất cả các khâu. Qua đó đưa hoạt động FDI tại Việt Nam cũng như lĩnh vực chuyển giao công nghệ phát triển theo đúng hướng và thực sự phát huy hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới.
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến 12/2012, cả nước đã có 283 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 76.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 46.000 ha, chiếm 61% tổng diện tích đất tự nhiên. Mức trung bình các KCN, KCX đến 12/2012 là 268 ha với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (154,9 ha), Tây Nguyên (157,6 ha), vùng Đông Nam Bộ có quy mô KCN trung bình cao nhất (378,3 ha). Riêng trong năm 2011, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký vào các KCN, KCX đạt 6,47 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 7,28 tỷ USD.
|
Ngũ Hiệp