Bắt đầu từ ngày 1/6/2014, Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường có hiệu lực thi hành.
Đã có nhiều ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, các nhà kinh doanh và các nhà khoa học về vấn đề này. Xin giới thiệu với độc giả về việc sử dụng kỹ thuật xác định tuổi vàng bằng phân tích huỳnh quang tia X ở Việt Nam mà Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã cấp giấy phép cho nhiều cơ sở kinh doanh vàng. Kỹ thuật này đã được quy định trong Phụ lục I của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN như là một phương pháp xác định tuổi vàng (hàm lượng vàng) bằng phương pháp không phá hủy mẫu.
Kỹ thuật phân tích huỳnh quang tia X để xác định tuổi vàng đã được các cơ sở kinh doanh vàng của nước ta sử dụng từ những năm 1980. Kỹ thuật này do các nhà khoa học của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và sau đó là các nhà khoa học của Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chuyển giao cho các cơ sở kinh doanh vàng để tạo niềm tin cho khách hàng về độ chính xác của tuổi vàng mà các cơ sở kinh doanh vàng mua bán với khách hàng.
Đây là một phương thức kinh doanh tốt để tạo niềm tin nơi khách hàng về chất lượng sản phẩm của các cơ sơ kinh doanh vàng. Độ chính xác của kỹ thuật này rất cao. Đối với loại vàng 4 số 9 thì sai số xác định hàm lượng vàng khoảng 5 phần vạn. Đối với vàng 3 số 9 thì sai số xác định hàm lượng vàng khoảng 5 phần nghìn và đối với vàng nhỏ hơn 3 số 9 thì sai số khoảng 3 phần nghìn. Như vậy có thể nói là sai số của kỹ thuật này là rất nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Thông tư 22/2013/TT-BKHCN. Thời gian phân tích một mẫu cũng rất nhanh khoảng 70-100 giây đối với loại vàng 3 và 4 số 9, và khoảng 150 giây đối với loại vàng nhỏ hơn 3 số 9. Giá phân tích một mẫu vàng hiện nay là khoảng 10.000 đồng (mười nghìn đồng). Giá đầu tư một thiết bị phân tích vàng như vậy ở thời điểm hiện nay khoảng 400 triệu đồng Việt Nam. Đối với một cơ sở kinh doanh vàng thì số tiền như vậy không phải quá lớn, nhưng hiệu quả đem lại rất cao, đặc biệt là uy tín trong kinh doanh.
Ngoài ra, do thời gian phân tích một mẫu vàng rất nhanh, nên không nhất thiết một cơ sở kinh doanh phải có một thiết bị như vậy mà có thể dưới dạng liên kết một số cơ sở kinh doanh hoặc thông qua hiệp hội kinh doanh vàng một số các nhà kinh doanh có thể đầu tư chung. Vấn đề là hiệu quả kinh doanh và vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Cục ATBXHN thì hiện nay trên cả nước có 83 cơ sở kinh doanh vàng đã sử dụng kỹ thuật này trong xác định tuổi vàng và được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ của Cục ATBXHN. Như vậy so với số lượng các cơ sở kinh doanh vàng trong nước thì quả là có rất ít các cơ sở sử dụng kỹ thuật này trong xác định tuổi vàng. Ví dụ, theo thông tin từ VTV1 trong bản tin sáng ngày 3/6/2014 thì chỉ riêng ở thành phố Cần Thơ đã có hàng nghìn cơ sở kinh doanh vàng. Tuy nhiên không nhất thiết phải có hàng nghìn máy phân tích tuổi vàng cho thành phố Cần Thơ như lập luận ở trên. Trong số các cơ sở mà Cục ATBXHN đã cấp giấy phép sử dụng kỹ thuật này thì có nhiều cơ sở ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn cũng đã sử dụng kỹ thuật này, trong khi nhiều cơ sở kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa sử dụng kỹ thuật này. Với việc ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, hy vọng sẽ tạo nhận thức đúng hơn về việc quản lý chất lượng trong kinh doanh vàng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh vàng sẽ phải có trách nhiệm trang bị thiết bị phân tích tuổi vàng bằng kỹ thuật huỳnh quang tia X này. Đây là một quy định phù hợp mà mọi cơ sở kinh doanh vàng đều có thể tự đầu tư cho mình thiết bị phân tích như vậy hoặc liên kết một số cơ sở đầu tư chung một thiết bị phân tích tuổi vàng.
Hiện nay, Cục ATBXHN chỉ quản lý về an toàn bức xạ đối với các cơ sở kinh doanh vàng sử dụng thiết bị phân tích huỳnh quang tia X. Việc cấp phép cho các cơ sở này hoạt động là trên cơ sở họ đã bảo đảm đủ các điều kiện về an toàn bức xạ (có cán bộ được đào tạo về an toàn bức xạ, thiết bị bảo đảm che chắn an toàn bức xạ cho con người và môi trường). Tuy nhiên, chất lượng phân tích tuổi vàng thì không thuộc trách nhiệm quản lý của Cục ATBXHN. Các cơ sở phải tự bảo đảm về chất lượng kết quả phân tích tuổi vàng và họ sẽ chịu sự quản lý của Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng về kết quả mà họ công bố tuổi của vàng cho sản phẩm mà họ đã xác định trong kinh doanh. Kết quả phân tích phụ thuộc vào kỹ năng của người làm phân tích và đường chuẩn được thiết lập từ bộ các mẫu chuẩn vàng. Đây là những việc mà cơ sở phải tự chịu trách nhiệm và nếu cơ quan quản lý nhà nước về đo lường thanh tra chất lượng vàng của cơ sở họ không đúng như họ đã xác định và công bố thì họ sẽ phải chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Để hỗ trợ kỹ thuật cho công tác thanh tra về chất lượng vàng trang sức thì ngoài các Trung tâm 1,2 và 3 của Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng có thiết bị phân tích huỳnh quang tia X nêu trên, thì còn có các cơ sở nghiên cứu của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng có những phòng thí nghiệm phân tích huỳnh quang tia X có thể hỗ trợ cho Bộ KH&CN trong công tác thanh tra chất lượng vàng trang sức trong cả nước. Theo chúng tôi thì các cơ sở kinh doanh phải tự thực hiện việc xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm của mình và công bố cho khách hàng biết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Bộ KH&CN (Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng) sẽ có trách nhiệm quản lý về chất lượng các sản phẩm mà các doanh nghiệp công bố xem có đúng hay không và các cơ quan chuyên môn như đã nói trên sẽ giúp Bộ KH&CN thực hiện tốt chức năng hỗ trợ kỹ thuật cho công tác thanh tra chất lượng trong sản xuất và kinh doanh vàng.
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân