Rùa Hồ Gươm lên gò phơi nắng, ảnh chụp năm 2007 (Ảnh: Hà Đình Đức)
Tại cuộc họp sáng 25/2 bàn về phương án cứu chữa cụ Rùa Hồ Gươm, UBND TP Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nội và các nhà khoa học đã thống nhất phương án sẽ đưa cụ Rùa lên bờ để chữa trị vết thương. Đồng thời, sẽ thành lập Hội đồng cứu thương cụ Rùa.
Ông Lê Xuân Rao - Giám đốc sở KH&CN Hà Nội cho biết cụ Rùa sẽ được đưa lên chân Tháp Rùa để chữa trị chứ không đưa đi xa như các phương án trước đây. Có 2 cách tiếp cận cụ Rùa, được áp dụng linh hoạt tùy tình hình: chờ lúc Rùa bò lên gò đất phơi nắng thì bắt; hoặc đặt lưới chìm ở những khu vực mà cụ thường nổi lên như gần nhà hàng Thủy Tạ (tây bắc hồ), đoạn giữa phố Hàng Khay (phía nam) và tháp Hòa Phong (phía đông hồ).
Tuy nhiên, việc tiếp cận, đưa dẫn, lưu giữ, chữa trị Rùa được nhấn mạnh rằng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Theo PGS.TS Đức, có thể dùng lưới chìm, quây từ xa rồi dùng thuyền nhẹ nhàng đưa cụ lên chân tháp Rùa. Không nên dùng cần cẩu hay máy bay trực thăng vì như vậy sẽ rất khó thực hiện và sẽ làm ảnh hưởng hơn đến sức khỏe của cụ.
Các nhà khoa học cũng thống nhất rằng cần phải có một hồ nhỏ được thiết kế đặc biệt tại chân Tháp Rùa để chăm sóc cho cụ trong khi chữa trị.
Một Hội đồng chữa trị Rùa Hồ Gươm do Giám đốc Sở Y tế là Chủ tịch và các chuyên gia y tế, bác sỹ thú y, các nhà khoa học, sinh vật học,… sẽ được thành lập và có thể sẽ mời chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm về lĩnh vực này để cùng khám, chữa trị, chăm sóc cụ Rùa.
Từ ngày 26/2/2011, Ban chỉ đạo và bộ phận chuyên môn sẽ tập trung lực lượng ứng trực 24/24h, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Việc chờ bắt cụ Rùa sẽ được tiến hành ngay từ hôm nay.
Cùng với việc chữa trị, chăm sóc cụ Rùa, các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước Hồ Gươm cũng được tiến hành gồm: bắt và xử lý rùa tai đỏ; vớt rác, váng rêu trên mặt hồ; thu dọn chướng ngại vật và nạo vét bùn trong hồ bằng thủ công kết hợp với sử dụng thiết bị công nghệ của CHLB Đức, bảo đảm không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của hồ; thả bè thủy sinh...