Nông nghiệp công nghệ cao được áp dụng rất thành công trên thế giới, tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam không phải công nghệ nào cũng phù hợp. Việc “thông minh” lựa chọn công nghệ nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, dân trí, mức thu nhập… của từng vùng là điều mà nhiều diễn giả đưa ra lời khuyên với các startup trẻ.
Nằm trong khuôn khổ các hoat động trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” 2018 (Techfest 2018), sáng 22/11/2018, đoàn Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có buổi tọa đàm “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao” tại Đại học Vinh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của 50 bạn thanh niên, sinh viên là thành viên chính thức của đoàn Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi - những chủ dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng lãnh đạo đại diện các các doanh nhân trẻ là hội viên Hội Doanh nhân trẻ Nghệ An và hơn 100 các sinh viên của Đại học Vinh.
Các startup trẻ gửi câu hỏi đến các diễn giả tại tọa đàm
Nói về xu thế của nông nghiệp công nghệ cao (CNC) trong tương lai, PGS.TS Nguyễn Hữu Đoàn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, đây là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cá nhân ông cũng như của các nước mà ông đã từng tham quan học, tập, ông đưa ra lời khuyên cho các startup trẻ: CNC là hướng đi đúng nhưng không phải tất cả. PGS.TS Nguyễn Hữu Đoàn nhấn mạnh cụm từ “Nông nghiệp thông minh” chứ không phải công nghệ cao. Từ “thông minh” nhắc đến như một cách áp dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, dân trí, mức thu nhập… của từng vùng. Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Đoàn cũng chia sẻ, áp công nghệ cần tính đến tính đặc thù của sản phẩm ứng dụng, không nên bắt chước những gì người khác đã làm. “Nghĩ khác, làm khác để tạo sự khác biệt sẽ tạo nên thành công”- PGS Đoàn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng, xây dựng các khu nông nghiệp CNC nên theo bản sắc, ý tưởng của người Việt. Công nghệ cao có thể phù hợp với chỗ này nhưng chỗ khác không phù hợp. Lấy ví dụ về sự thành công của nhiều mô hình nông nghiệp CNC ở Đà Lạt nhưng đưa vào áp dụng tại Nghệ An đều thất bại, ông Lập chỉ ra nguyên nhân đó là điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Nghệ An thay đổi cách xây dựng nhà lưới kiên cố, khắc phục điều kiện hay có thiên tai chứ không xây nhà lưới kiểu như ở Đà Lạt thì lập tức đem lại kết quả.
Các diễn giả đoàn Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 chụp ảnh lưu niệm giữa
Đối với đặc thù nông nghiệp Việt Nam, việc lựa chọn áp dụng phát triển cây gì, con gì cũng cần có sự tính toán thông minh. Lựa chọn bản sắc vùng miền là lời khuyên của các chuyên gia cho các startup trẻ. Điều này đem lại hai lợi ích, ngoài việc tạo thị trường ngách riêng biệt thì còn góp phần bảo tồn phát triển vốn gen bản địa quý.
Ông Trần Anh Quyết, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CP Việt Nam cũng chia sẻ, nền nông nghiệp CNCN được thế giới đã áp dụng phổ biến và ho nhiều kết quả thành công nhưng nếu áp dụng tại Việt Nam thì cần có sự lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp. Ông Quyết cũng lưu ý đến vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thường không đồng bộ.
Tại tọa đàm, các diễn giả cũng đưa ra lời khuyên cho các startp về việc nên tận dụng sức mạnh của Internet để tìm hiểu kiến thức, kết nối, giao lưu. Không chỉ có vậy, ngày nay muốn thành công phải am hiểu nhiều lĩnh vực, tích hợp kiến thức chứ không chỉ một lĩnh vực mà thành công được. Làm nông nghiệp cũng cần am hiểu về công nghệ thông tin, tự động hóa… Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn tri thức của các chuyên gia cũng hết sức quan trọng.
Bài, ảnh: Minh Châu