Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 10:28 am
Cập nhật : 25/01/2012 , 16:01(GMT +7)
Thông điệp cuối năm: Hạ tầng tri thức có vững, khoa học mới đột phá
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012 của bộ Khoa học và công nghệ ngày 10.1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: trong năm 2012 và các năm tới bộ Khoa học và công nghệ phải thực hiện bằng được mục tiêu đưa khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo Thủ tướng, nếu cơ chế, thể chế tốt, đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam sẽ vươn lên trên những thế mạnh vốn có. Ngoài ra, cần rà soát lại để thấy đâu là khâu vướng nhất khiến cho ngày càng thiếu bóng các chuyên gia giỏi, tổng công trình sư… Một số nhà khoa học gốc Việt đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thông tin này và đóng góp thêm ý kiến xây dựng cụ thể.

TS Nguyễn Xuân Xanh:

 

Tiến sĩ ngành toán xác suất, nghiên cứu và dạy tại đại học Bielefeld và đại học kỹ thuật Berlin (Đức) trước khi về nước định cư.

NGHIÊN CỨU PHẢI THẬT SỰ LÀ ĐẦU TÀU CỦA CON THUYỀN KHOA HỌC

Làm sao để người nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu tại Việt Nam? Thứ nhất, cần phải có một cơ sở hạ tầng tri thức đầy đủ, phong phú. Đó là các đại thư viện ở các đại học, viện khoa học, bao gồm sách vở, tạp chí thế giới, quyền tiếp cận (được mua) các đại thư viện và các tạp chí quốc tế. Và các phòng thí nghiệm. Thứ hai, các đại học và phòng – viện nghiên cứu phải là những nơi thường xuyên có quan hệ với cộng đồng khoa học nước ngoài trong việc nghiên cứu, trao đổi khoa học. Thứ ba, phải có quỹ cho các giáo sư đại học hàng năm đi dự các hội thảo khoa học quốc tế, hay mời các nhà khoa học quốc tế đến thỉnh giảng, làm hội thảo. Nhà nước phải có định hướng phát triển khoa học cơ bản, ứng dụng cho nhu cầu công nghiệp hoá, cho các mục tiêu trung hạn cũng như dài hạn, cho kinh tế dân sự cũng như cho quốc phòng, và có chính sách đầu tư.

Điều cần nhất là phải có những nhà khoa học lãnh đạo của mỗi ngành, có sức bật, sức sáng tạo mạnh. Họ là những người có công trình nghiên cứu thành công, được đăng trên các tạp chí quốc tế, có quen biết các đồng nghiệp hải ngoại. Họ là những người đào tạo các nhà khoa học tương lai theo tinh thần đại học Humboldt: kết hợp giảng dạy và nghiên cứu; lấy tính khoa học làm nội dung nghiên cứu và giảng dạy; lấy khoa học làm triết lý sống; Nhà nước nên bớt can thiệp vào việc điều hành và phát triển của các nhà khoa học, chỉ cho họ định hướng trong sự bàn bạc.

 

Nhà nước phải có định hướng phát triển khoa học cơ bản, ứng dụng cho nhu cầu công nghiệp hoá, cho các mục tiêu trung hạn cũng như dài hạn, cho kinh tế dân sự cũng như cho quốc phòng, và có chính sách đầu tư.

Nhưng trên hết và trước hết, tất cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sinh viên tiềm năng phải có đồng lương đủ sống, bảo đảm cho đời sống gia đình, con cái được học hành, bảo hiểm y tế, nhà cửa, có tích luỹ cho tương lai. Họ phải được tôn trọng và sử dụng đúng mục đích. Không ai có thể chịu đói, con cái không được học hành đàng hoàng, không có chỗ ở đàng hoàng, không có bảo hiểm y tế khi ốm đau, không có tích luỹ tương lai… mà yên tâm làm khoa học và cống hiến hết sức mình.

Lâu dài, Nhà nước Việt Nam phải tạo ra môi trường khoa học, học thuật trong nước, nâng cao trình độ trí thức để tiến tới hoà nhập quốc tế, để những tài năng Việt Nam thực sự trở thành những “sản phẩm home-made” chứ không phải chỉ là sản phẩm của các đại học nước ngoài. Nghiên cứu phải thật sự là đầu tàu của con thuyền khoa học, công nghệ Việt Nam, bên cạnh việc đào tạo. Nhật Bản đã làm như thế từ thế kỷ rưỡi nay. Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang làm như thế.

Nhà nước phải có định hướng phát triển khoa học cơ bản, ứng dụng cho nhu cầu công nghiệp hoá, cho các mục tiêu trung hạn cũng như dài hạn, cho kinh tế dân sự cũng như cho quốc phòng, và có chính sách đầu tư.

Giáo sư Phạm Xuân Yêm:

 

(Nguyên giám đốc nghiên cứu trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp, ngành vật lý lý thuyết tại đại học Pierre et Marie Curie, Paris).

TÁI LẬP MÔI TRƯỜNG HỌC THUẬT LÀNH MẠNH

Để có thể mời gọi các nhà khoa học về Việt Nam, điều cần thiết nhất là tái lập môi trường học thuật lành mạnh, nói không với bằng dỏm, phong bì, tệ mua bán quyền chức.

Trong giai đoạn đầu, du học ở các nước khoa học tiên tiến là điều kiện cần thiết vì số lượng cũng như chất lượng chuyên viên giảng dạy – nghiên cứu đại học Việt Nam hãy còn non yếu. Nhưng giai đoạn thứ hai là làm sao thu hút chất xám thành đạt ở ngoại quốc trở về để đóng góp cho sự nghiệp nâng cao nền đại học Việt Nam khỏi cảnh tụt hậu. Hiện tượng mất chất xám trong sinh viên Việt Nam đang xảy ra một cách trầm trọng. Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang du học. Làm thế nào để sau khi thành tài, những người này sẽ trở lại quê hương để giữ nhiệm vụ hướng dẫn? Trường Bách khoa (Ecole Polytechnique) của Pháp trong vòng 15 năm qua đã có hơn 100 sinh viên Việt Nam qua học, nhưng cho tới nay mới có bốn người thành tài trở về nước. Khi Thủ tướng Việt Nam tới thăm trường này, ông hiệu trưởng của trường đã nhận xét đại ý: Một số những người này sẽ không trở về nước sau khi học xong. Chỉ có một cuộc cải tổ các đại học, các trường kỹ sư lớn và những viện nghiên cứu Việt Nam, cùng với một sự tăng trưởng rõ rệt về lương bổng cho các cán bộ cao cấp, mới có thể làm giảm bớt hiện tượng mất chất xám và lôi kéo được thành phần ưu tú đang sống ở nước ngoài. Đối với những nhân tài của tương lai này, và đặc biệt là những sinh viên của trường Bách Khoa, nước Việt Nam cần phải trình bày những viễn tượng hấp dẫn hơn.

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng:

 

(Huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1985, từ năm 2002 là giáo sư đại học Toulouse – Pháp)

CẦN CHU ĐÁO TRONG MỜI GỌI

Nâng cao thu nhập và điều kiện làm việc là hai yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Không thể hy vọng có nhiều giảng viên, nghiên cứu sinh làm việc hiệu quả ngang tầm quốc tế nếu trả lương cho họ chưa bằng 1/10 quốc tế. Để có thể mời gọi các nhà khoa học về Việt Nam, các khoá học nên được tính vào chương trình học (có thi, có tín chỉ), sinh viên sẽ dự nghiêm túc hơn là khoá học tự do. Nội dung các khoá học, hội thảo cần thích hợp với hướng nghiệp của sinh viên. Cần có những người tổ chức lo chu đáo các khâu chuẩn bị, chăm sóc các giáo sư tử tế. Cần giữ quan hệ hợp tác với các giáo sư sau mỗi khoá học, hội thảo. Vấn đề kinh phí: phải có tiền và cho phép sử dụng tiền một cách linh hoạt thì tổ chức mới dễ dàng. Nhiều hội nghị khoa học ở nước ngoài tài trợ đi lại, ăn ở cho người Việt Nam, nhưng phía Việt Nam cũng phải sẵn sàng bỏ tiền ra (theo kiểu 50/50, không xin 100% mà chỉ xin tài trợ 50% thôi), người ta mới thấy sự quan tâm thực sự của mình, dễ tài trợ hơn.

Để tạo môi trường cho nhân tài trong nước có thể theo đuổi khoa học cơ bản và nghiên cứu tới nơi tới chốn, tôi nghĩ chiến lược của Việt Nam trong phát triển khoa học cơ bản cần được cải cách về cơ chế.

 

Nguồn tin: Sài gòn Tiếp thị

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner