Đây là một trong số các ý kiến góp ý xây dựng khung đề án Chương trình quốc gia Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tại Việt Nam.
Theo dự kiến, khung Chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020 nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp trên cả nước tham gia khởi nghiệp. Khung chương trình được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm khởi nghiệp thành công từ các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Chi Lê, Hàn Quốc...
Tại hội thảo "Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo" nhằm lấy ý kiến góp ý xây dựng và thảo luận khung chương trình hoàn thiện đề án do Bộ KH&CN tổ chức sáng 25/8, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng Công nghệ và Phát triển thị trường KH&CN đã chỉ ra một số thực trạng của hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam. Đó là việc hạn chế các thiết bị, máy móc hỗ trợ hoàn thiện, thử nghiệm công nghệ, thiết bị; việc hỗ trợ làm chủ, giải mã công nghệ chưa phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ có tiềm năng thương mại hóa chưa có…
Các ý kiến chuyên gia cho biết: ngoài khó khăn về vốn cho giai đoạn khởi nghiệp, thiếu các vườn ươm mạnh, việc đào tạo khởi nghiệp thì cần thay đổi văn hoá về khởi nghiệp, phải chấp nhận tham gia khởi nghiệp cũng như chấp nhận rủi ro nếu quá trình khởi nghiệp không thành công. Bên cạnh đó, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình ươm tạo quốc tế...
Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh các cơ chế chính sách được ban hành phù hợp cho việc triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để thúc đẩy triển khai hiệu quả Đề án Chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách như cơ chế miễn, giảm, hoàn thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư khởi nghiệp; cơ chế thành lập và quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương; cơ chế thoái vốn; chứng nhận cho nhà đầu tư thiên thần...
Liên quan đến các nội dung đề án Chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các đại biểu cho rằng, yếu tố hạ tầng rất quan trọng, vì vậy cần tập trung đầu tư cho hạ tầng như xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ có tiềm năng thương mại hoá; phát triển chuỗi dịch vụ cung ứng cho hoạt động khởi nghiệp, trong đó nguồn lực đầu tư ban đầu từ nhà nước; nâng cao năng lực cho các cơ sở ứng dụng tiến bộ tại các địa phương để có thể cung cấp thêm các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương... Ngoài ra, cần đánh giá thực trạng và lên phương án đầu tư thiết bị, công nghệ theo vùng, cụm cho một số cơ sở thiết kế, giải mã, chế tạo, thử nghiệm... và phối hợp với doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng chung.
Trên cơ sở những ý kiến, đề xuất tại hội thảo, Bộ Khoa học và công nghệ cùng với những đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện Đề án Chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tin và ảnh: Minh Châu