Lần đầu tiên ở Việt Nam và trong khu vực chúng ta đã nghiên cứu thành công cơ sở khoa học và phương pháp luận để tính toán kiểm nghiệm lại thiết kế cơ sở giàn khoan tự nâng 400ft đã được các tổ chức kiểm định độc lập quốc tế kiểm tra, chấp nhận là một bước tiến vượt bậc về KH&CN mang tính độc đáo và sáng tạo của đội ngũ cán bộ kỹ sư Việt Nam.
Đây là thành tựu của cụm công trình: “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng” (gọi tắt là DA KHCN02) do KS Phan Tử Giang và 07 đồng tác giả thực hiện vừa được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6 đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước.
Công trình có giá trị cao về khoa học
Công trình đã thực hiện thành công mục tiêu của Dự án KH&CN phát triển sản phẩm quốc gia “Giàn khoan dầu khí di động: tự nâng trên 90m nước (cụ thể đã đạt được 400ft tương đương 120m nước) thuộc Đề án phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
DA KHCN02 do KS Phan Tử Giang và 07 đồng tác giả thực hiện thực hiện, gồm 07 đề tài khoa học và công nghệ được thực hiện từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 7 năm 2018. Sản phẩm của Cụm công trình này là giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05, với kích thước khối lượng, quy mô lớn rất lớn, có kết cấu thân và chân giàn (với các hệ thống công nghệ và thiết bị trên giàn) phức tạp, và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ phức tạp và hiện đại. Tổng khối lượng thi công, lắp đặt của Dự án Tam Đảo 05 gần 18.000 tấn. Chiều cao chân giàn là 167m, giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 122m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 9144m dưới đáy biển, hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12 với những đợt sóng cao đến 20,7m.
Kỹ sư Phan Tử Giang, đại diện tác giả Cụm công trình cho biết, từ giữa năm 2012, các kỹ sư của Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã chế tạo và thi công thành công giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03. Đây là công trình đầu tiên về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn.
Nếu như giàn Tam Đảo 03 phải thuê tổng cộng 43.000 giờ làm việc của các chuyên gia nước ngoài thì giàn Tam Đảo 05 đã giảm được thời gian thuê chuyên gia nước ngoài xuống còn 11.000 giờ.
Trong khi đó, thời gian thi công của giàn Tam Đảo 05 chỉ xấp xỉ bằng giàn Tam Đảo 03, trong khi khối lượng thi công lớn gấp rưỡi. Đặc biệt là đã nâng cao được phần thiết bị và nguyên liệu, máy móc mua ở thị trường nội địa, tiết kiệm cho tổng thầu và chủ đầu tư 08 triệu USD.
Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu của Cụm công trình đã được ứng dụng vào Dự án cải hoán giàn khoan tự nâng Tam Đảo 02 từ giàn khoan tự nâng 300ft lên thành giàn khoan tự nâng 400ft. Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 02 sau khi cải hoán, đã được đăng kiểm quốc tế, do đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ (ABS) cấp, và được bàn giao để phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí từ 2016. Cho đến nay, giàn khoan tự nâng Tam Đảo 02 đang hoạt động ổn định.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 (nguồn: internet)
Tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội
Nhận xét về cụm công trình, các thành viên Hội đồng cho rằng, cụm công trình đã tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước và đã giải quyết các vấn đề về lao động cho khoảng 1.500-3.000 người trong 2 năm, đồng thời giúp tạo công ăn việc làm, thu hút một số lượng lớn lao động tại địa phương cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cụm công trình đã hình thành đội ngũ cán bộ KH&CN có năng lực cao, chuyên môn sâu về quản lý Dự án, thiết kế, chế tạo, lắp ráp, chạy thử và hạ thủy các loại giàn khoan dầu khí di động. Đặc biệt, đã đào tạo được một số chuyên gia đầu ngành đủ trình độ đảm nhiệm các chức danh giám đốc Dự án một số khâu/lĩnh vực quan trọng trong thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí di động. Tăng cường năng lực nội sinh, tiềm lực khoa học và khả năng cạnh tranh với các đối tác trong khu vực về công tác thiết kế, chế tạo, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các giàn khoan dầu khí di động.
Đã làm thay đổi sản xuất truyền thống, cải thiện điều kiện, môi trường lao động và góp phần nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh của doanh nghiệp. Từng bước xây dựng nền tảng cho các dự án đóng tàu khoan, giàn bán chìm và các công trình đòi hỏi nền tảng khoa học và kỹ thuật cao khác được thực hiện bởi chính đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia kỹ thuật, công nhân lành nghề của Việt Nam. Qua đó góp phần giúp ngành công nghiệp đóng giàn của Việt Nam dần dần tạo uy tín vươn ra thị trường quốc tế và phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Công trình góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho chế tạo giàn khoan dầu khí của Việt Nam nói chung, tạo tiền đề phát triển ngành cơ khí Việt Nam nói chung và cơ khí dầu khí nói riêng, nhất là các lĩnh vực thi công, chế tạo, sửa chữa, hoán cải, bảo dưỡng các công trình dầu khí và tạo đà phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của đất nước giảm lệ thuộc vào nước ngoài, tiến tới phát triển mẫu giàn khoan dầu khí di động mang thương hiệu Việt Nam, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
PV