Ngày 10/5/2017, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề “Thành tựu và xu hướng nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc (TBG) trên thế giới và Việt Nam”.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18-5 của Bộ KH&CN. Tham dự sự kiện có ông Trịnh Thanh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ. Đặc biệt, sự kiện có sự tham dự của Đại tá, PGS.TS.BS Lê Văn Đông – Giảng viên Học viện Quân y.
Tại buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề nói trên, PGS.TS.BS Lê Văn Đông đã giới thiệu các nội dung: Tế bào gốc và công nghệ TBG; ứng dụng TBG trên thế giới và tại Việt Nam; khía cạnh xã hội của nghiên cứu TBG; một số cơ hội và thách thức trong nghiên cứu, ứng dụng TBG hiện nay;…
Theo đó, TBG là tế bào “nguồn gốc” để tạo ra các tế bào khác trong cơ thể. Các cơ quan nội tạng nào cũng có TBG như ở tủy xương, da, lông, mô mỡ, răng, gan, ruột, mạch máu, mô thần kinh,… và có chức năng dự trữ trong cơ thể để tạo ra các tế bào, mô mới; bổ sung, thay thế cho các tế bào mất đi do già và chết tự nhiên hoặc do tổn thương vì các nguyên nhân khác nhau. Có thể nói, TBG “Đội hậu bị chống lão hóa và khắc phục tổn thương cho cơ thể”.
Ông Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề.
Hoạt động của các TBG giảm dần theo tuổi và liên quan đến tuổi trẻ, khả năng phục hồi bệnh tật, sức khỏe và vẻ đẹp. Có thể coi lão hóa chính là quá trình suy tế bào gốc, vì thế suy tế bào gốc, đương nhiên dẫn đến lão hóa. Đây là một trong những lý do có một số em bé 10-15 tuổi đã có diện mạo gương mặt của người già, PGS.TS Lê Văn Đông nói.
Ông Đông cũng đưa ra các hướng điều trị bệnh liên quan đến suy TBG dẫn đến giảm về số lượng, chất lượng, thiếu điều kiện để TBG phát triển,… Theo đó, để khắc phục tình trạng này, người ta thường dùng TBG để tạo ra xương để chữa bệnh về xương, tạo ra mỡ để tạo hình, dùng TBG hoặc sản phẩm từ TBG để tái sinh/tái tạo tế bào mô, cơ quan, hay còn gọi là y học tái sinh/tái tạo. Các loại bệnh có thể chữa được bằng TBG như bệnh do thoái hóa tế bào, bệnh di truyền bẩm sinh, bệnh do rối loạn chuyển hóa, bệnh tự miễn, hỗ trợ điều trị ung thư,… Ngoài ứng dụng điều trị bệnh, TBG còn được ứng dụng trong làm đẹp, trẻ hóa.
Trên thế giới đã tiến hành ghép TBG tạo máu từ lâu và tại Việt Nam, việc ghép TBG tạo máu đã được tiến hành tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Huyết học Truyền máu của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Vinmec.
TBG đã được ứng dụng vào điều trị các bệnh về xương khớp như tạo khớp giả, hoại tử chỏm xương, kéo dài chi bằng TBG; điều trị thoái hóa khớp bằng TBG mô mỡ; đưa TBG vào động mạch vành điều trị suy tim sau nhồi máu cơ tim; điều trị bệnh lý giác mạc; hỗ trợ suy tủy thứ phát sau điều trị ung thư bằng hóa chất/tia xạ;…
PGS.TS.BS Lê Văn Đông cũng đưa ra những khó khăn về kỹ thuật trong trị liệu TBG, đó là hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại các yếu tố ngoại lai gây bệnh, kiểm soát yếu tố nội sinh, sẽ loại bỏ các tế bào và phân tử “lạ” (gồm không chỉ cá vi sinh vật mà cả tế bào/mô/cơ quan được cấy ghép). Tế vào và mô ghép không bị thải loại miễn dịch khi ghép tự thân hoặc anh (chị) em đa sinh cùng trứng.
Đại tá, PGS.TS.BS Lê Văn Đông – Giảng viên Học viện Quân y giới thiệu về việc ứng dụng TBG.
Theo ông Đông, để giải quyết rào cản miễn dịch trong cấy ghép tế bào của người này cho người khác, cần xét nghiệm hòa hợp mô (HLA) giữa người cho và người nhận để tìm người cho; chẩn đoán di truyền trước sinh bằng xét nghiệm tế bào trong dịch ối để biết được bất thường gen của em bé vào 14-15 tuần tuổi thai; tạo nguồn TBG theo “đặt hàng” để điều trị. Theo đó, có thể sử dụng công nghệ IVF tạo phôi, sử dụng công nghệ chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi (PGD) để lựa chọn phôi phù hợp HLA, lựa chọn phôi không mang gen bệnh và phù hợp HLA. Hoặc dùng ngân hàng TBG thu thập, bảo quản TBG dây rốn. Sử dụng TBG dây rốn của em để cấy ghép chữa bệnh cho anh/chị phù hợp HLA; chuyển nhân tạo TBG đặc hiệu với bệnh nhân (tạo clôn/nhân bản vô tính để điều trị); chuyển gen cảm hứng tế bào soma thành tế bào vạn tiềm năng (giống TBG phôi); tái lập trình cả tế bào soma đã biệt hóa: TBG nhân tạo.
Hiện nay, thế giới đang đẩy mạnh và nhanh nghiên cứu TBG vào ứng dụng. TBG và Y học tái sinh/tái tạo trở thành 1 ngành học, đào tạo và công nghiệp. TBG là trung tâm của sinh học và y – sinh học được ví như “công nghệ của Thế kỷ XXI”. Việc tư nhân hóa các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng TBG cũng là 1 xu hướng của thế giới.
Nghiên cứu TBG ở nước ta đã được chú ý nhiều và đầu tư mạnh từ năm 2006 – 2007. Đã có một đội ngũ cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học trong cả nước tiến hành nghiên cứu ứng dụng TBG. Trong đó, đã có một số kết quả ứng dụng tốt trong lĩnh vực huyết học, tái tạo xương và bề mặt nhãn cầu. Hiện đã phân lập được TBG từ tủy xương, máu ngoại vi, máu dây rốn từ màng ối, màng dây rốn, từ niêm mạc miệng, mô mỡ từ gan, từ vùng rìa giác mạc, từ da,… Bài toán duy trì tính gốc của các tế bào và yêu cầu cần có số lượng tế bào đủ lớn để điều trị vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, ông Đông nói. Cũng theo ông Đông, hiện Việt Nam đang đi đúng hướng trong đầu tư nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, cần sớm có hành lang pháp lý, cụ thể là luật và các hướng dẫn nghiên cứu ứng dụng TBG. Có thể học tập mô hình FIRM của Nhật Bản để áp dụng vào Việt Nam.
Phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật Trịnh Thanh Hùng cho biết, TBG là lĩnh vực rất tiềm năng. Bộ KH&CN rất quan tâm đến việc ứng dụng TBG trong điều trị. Từ năm 2007 đến nay, Bộ KH&CN đã đầu tư, triển khai rất nhiều nghiên cứu ứng dụng TBG trong điều trị và đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề hôm nay là cơ hội để các đại biểu có thêm thông tin về những công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực này, lắng nghe và cùng trao đổi để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra giải pháp để cùng tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới.