Không thể phủ nhận xã hội ngày càng phát triển, những định kiến về vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng dần thay đổi. Không ít người thừa nhận khả năng tham gia công việc, nghiên cứu khoa học của phụ nữ không thua kém nam giới. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế vẫn thấy ở đó những khó khăn, thách thức mà các nữ khoa học phải đối mặt.
Từ quan niệm tới quỹ thời gian
Có người đã từng nói rằng, làm khoa học vừa khô, vừa khó, vừa khổ và lại càng gian nan hơn đối với phụ nữ. Cũng bởi từ rất lâu rồi, quan niệm đối với đàn ông sự nghiệp là sự nghiệp còn với phụ nữ sự nghiệp là gia đình, đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ của không ít người. Đó chính là lý do mà phụ nữ ít được động viên, khuyến khích hay theo đuổi một số lĩnh vực chuyên sâu, nhất là khoa học tự nhiên. Theo một chuyên gia nước ngoài, các tầng nấc trong ngành khoa học càng cao thì tỷ lệ phụ nữ ở những vị trí này càng thấp. Đa phần phụ nữ tốt nghiệp xong cử nhân là lập gia đình và rất ít người học cao hơn bởi ngay bản thân người phụ nữ cũng có quan niệm, vợ không nên giỏi hơn chồng. Đây chính là thực tế cản trở ước mơ theo đuổi các ngành nghề khoa học của chính họ.
Mặc dù số lượng phụ nữ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam có gia tăng trong những năm gần đây, nhưng tỷ lệ nhà khoa học nữ vẫn còn quá ít so với nam giới, đặc biệt là lớp phụ nữ trẻ. Ước tính, tỷ lệ nữ phó giáo sư, giáo sư có tăng nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Nếu như năm 2000, tỷ lệ nữ phó giáo sư là 7%, giáo sư là 4,3% thì tới năm 2013, tỷ lệ tương ứng là 22,57% và 5,26%.
Cũng vì quan niệm phụ nữ nặng gánh công việc gia đình và khó bố trí đủ thời gian tập trung cho nghiên cứu khoa học nên khá hiếm người được tín nhiệm để đảm nhận những nhiệm vụ chủ các công trình nghiên cứu. Theo Phó viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Thị Viết Thanh, ở Việt Nam và nhiều quốc gia thể hiện rõ sự phân biệt giới tính, không ai sử dụng cụm từ nhà khoa học nam nhưng khái niệm nữ khoa học lại được vận dụng thường xuyên, tương tự như nữ nhà văn hay nữ bác sỹ.
Nhận xét về tình hình nghiên cứu khoa học của giới nghiên cứu nữ tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học L’Oreal-UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học Châu Văn Minh cũng chia sẻ, nước ta có nhiều nhà khoa học nữ, nhưng hầu như họ quá thiếu thốn về thời gian hay điều kiện nghiên cứu khoa học khiến không ít tài năng bị mai một.
Rõ ràng, phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới khi bước chân vào nghiên cứu khoa học. Còn nhớ một nhà khoa học nữ đã từng nói, một người đàn ông thành đạt chỉ cần gánh bằng một vai có thể thành công nhưng đối với phụ nữ chúng tôi muốn thành đạt phải gánh bằng hai vai vừa gia đình vừa công việc xã hội. Các cán bộ khoa học nữ phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ già. Họ thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Muốn phấn đấu trong sự nghiệp nhiều người đã phải hi sinh một phần hạnh phúc gia đình. Có lẽ đây là khó khăn chung mà bất kỳ nhà khoa học nữ cũng phải đối mặt.
Cần đam mê và sự sẻ chia
Tiềm năng của nữ khoa học là rất lớn, nhiều người có khả năng nghiên cứu khoa học chuyên sâu nhưng với những khó khăn gặp phải, rất cần sự ủng hộ từ phía gia đình và xã hội, tạo điều kiện cho họ thắp lửa đam mê. Đã không ít nhà khoa học nữ đạt được thành công do có hậu phương vưỡng chắc. Ts Trần Thị Thu Thủy, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam là một ví dụ điển hình, dù quỹ thời gian eo hẹp nhưng với sự thấu hiểu và sẻ chia từ gia đình, nữ tiến sĩ trẻ vừa nhận được học bổng L’Oreal-UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học. Những thành công trên con đường nghiên cứu khoa học của Ts Hà Phương Thư, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH - CN Việt Nam cũng vậy. Sự cảm thông từ gia đình đã chắp cánh cho những ý tưởng mong muốn điều trị khỏi căn bệnh ung thư của nữ khoa học này vươn xa hơn.
Cùng với sự sẻ chia từ phía gia đình, những chính sách khuyến khích phụ nữ trong nghiên cứu khoa học cũng là động lực giúp họ đạt thành công. Nhằm tôn vinh, cổ vũ, khuyến khích những đóng góp của nữ tri thức trong nghiên cứu khoa học, đã có nhiều chương trình, hoạt động được tổ chức như giải thưởng Kovalevskaia dành tặng cho những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa. Giải thưởng Khoa học Quốc tế và chương trình học bổng L’Oréal – UNESCO Vì Sự Phát Triển Phụ Nữ trong khoa học bắt đầu từ năm 1998 với sứ mệnh vinh danh sự đóng góp của nữ giới trong ngành khoa học cũng là một trong những chương trình như thế. Theo đó, mỗi năm sẽ có 3 nữ tiến sĩ nghiên cứu khoa học xuất sắc được đề cử cho học bổng này với mức hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi học bổng. Đối với các nữ khoa học từ nước ngoài về cũng có nhiều thuận lợi như dễ tiếp cận đăng ký đề tài của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia Nafosted.
Tuy nhiên, theo Gs, Ts Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam, sự khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi từ phía gia đình và xã hội là điều cần thiết dẫn tới thành công của nữ khoa học nhưng bản thân họ phải có sự sáng tạo, đam mê và đạo đức nghề nghiệp. Điều quan trọng là phải biết tôn trọng chính mình, chủ động trong công việc, biết tận dụng hiệu quả cơ hội với phương pháp bố trí thời gian khoa học, hợp lý. Như vậy mới phát huy được thế mạnh của bản thân và gặt hái được thành công trong cuộc sống.
Quả đúng là để thay đổi định kiến trọng nam, khinh nữ không hề dễ dàng, không thể cứ mãi trông chờ vào các chính sách khuyến khích sự phát triển của các nữ khoa học. Để cân bằng giữa công việc và gia đình, đối với người phụ nữ không đơn giản là một nghệ thuật sống, mà phải xuất phát từ tấm lòng và niềm đam mê với công tác nghiên cứu khoa học.
Hai nữ Phó giáo sư nhận giải thưởng Kovalevskaia 2013
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lễ trao giải thưởng Kovalevskaia 2013 được tổ chức vào sáng nay, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, nhân dịp kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3.
Giải thưởng Kovalevskaia sẽ được trao cho hai cá nhân tiêu biểu là Pgs,Ts Lê Thị Luân - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) và Pgs, Ts Nguyễn Thị Bích Thủy - nguyên Giám đốc Viện chuyên ngành vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình, Viện Khoa học và công nghệ giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - vận tải).
Cũng tại lễ trao giải này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tặng bằng khen và quà cho 16 nữ tiến sĩ bảo vệ thành công luận án năm 2013 và giao lưu với một số nữ sinh viên khối ngành khoa học tự nhiên có thành tích xuất sắc trong học tập.