"Thành công của các bạn truyền cảm hứng và cho chúng tôi có được niềm tin vào cộng đồng khoa học, vào tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam và tương lai tươi sáng của đất nước chúng ta".
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã chia sẻ tại buổi Gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015, do Bộ KH&CN tổ chức tại Hà Nội ngày 11/9 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Phóng viên xin gửi tới bạn đọc nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tại buổi gặp mặt:
Trong dư âm của mùa thu lịch sử, kỷ niệm 70 năm ngày độc lập của đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tự hào kết nối và nhiệt liệt đón chào gần 70 nhà khoa học trẻ đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong cả nước, những gương mặt tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ tài năng của đất nước trong thời đại kinh tế tri thức và hội nhập.
Sự kiện ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta tới triết lý của người xưa: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước thịnh, nguyên khí yếu thì thế nước suy…”. Trải qua hơn 500 năm, tư tưởng sâu sắc đó của cha ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đảng và Nhà nước trong những năm qua luôn quan tâm tới chính sách chiêu hiền, đãi sỹ, trọng dụng người tài, bởi việc đầu tư cho con người, cũng như chính sách đãi ngộ nhân tài là một chiến lược đầu tư có hiệu quả trong phát triển nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ trong sự kiện gặp mặt nhà khoa học trẻ tiêu biểu là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với cộng đồng KH&CN nước nhà, với những người trẻ làm khoa học. Thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN và các nhà khoa học trẻ có mặt trong cuộc gặp hôm nay, tôi xin chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ.
Đáp lại sự quan tâm và kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, những năm qua, các nhà khoa học nước ta, bằng trí tuệ, tài năng và niềm đam mê lao động sáng tạo, trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và nguồn lực tài chính cho nghiên cứu khoa học còn thua kém các nước trong khu vực, nhưng đã vượt qua chính mình để đóng góp cho đất nước nhiều thành quả KH&CN có giá trị, góp phần thiết thực nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Trong điều kiện rất khó khăn của một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, lực lượng khoa học Việt Nam đã có những sản phẩm đạt trình độ khu vực và thế giới, đó là những công trình làm chủ thiết kế và thi công các nhà máy thủy điện lớn; thiết kế, chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng; làm chủ việc chế tạo giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước và 120m nước; được xếp hạng thứ 3 Châu Á và một trong 10 nước trên thế giới đã phát triển công nghệ khai thác dầu trong đá móng; đã tạo ra các giống cây trồng năng suất cao; đã làm chủ được khai thác vệ tinh viễn thông và vệ tinh viễn thám; làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; đã thành công trong việc ghép đa tạng và sản xuất vắc xin; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ hiệu quả trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp.
Khoa học cơ bản trong lĩnh vực thế mạnh như toán, vật lý lý thuyết chúng ta đã đạt thứ hạng cao trong ASEAN, góp nhiều gương mặt khoa học có uy tín trên các diễn đàn khu vực và thế giới. Và đặc biệt, theo công bố của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2014, Việt Nam được xếp hạng 71/143 quốc gia về trình độ phát triển KH&CN. Chúng ta đã đứng ở vị trí thứ 4 trong 10 nước ASEAN theo thứ hạng thuộc các lĩnh vực khác và trong 33 nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam chúng ta đứng thứ 5/33 nước. Điều này nói lên năng lực và trình độ phát triển KH&CN của chúng ta đã cao hơn trình độ phát triển kinh tế.
KH&CN Việt Nam có được kết quả đáng tự hào nói trên là nhờ một phần đóng góp quan trọng của lực lượng khoa học trẻ với những đại diện ưu tú đang có mặt tại đây ngày hôm nay. Với tài năng, nhiệt huyết và đam mê nghiên cứu sáng tạo của tuổi trẻ, đội ngũ các nhà khoa học trẻ đã trở thành lực lượng tiên phong trong tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới, tiếp cận các phương pháp nghiên cứu hiện đại, phát triển hướng nghiên cứu mới; là đội ngũ năng động nhất trong hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và xã hội.
Các nhà khoa học trẻ tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt hôm nay đều là những cá nhân có thành tích KH&CN xuất sắc. Dù xuất phát điểm và lĩnh vực hoạt động khác nhau, nhưng đã tham gia chủ trì những công trình khoa học lớn, có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, nhiều sáng chế có giá trị ứng dụng cao được bảo hộ trong và ngoài nước, đạt các giải thưởng KH&CN danh giá trong nước và quốc tế. Nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, điều hành thành công doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các nhà khoa học trẻ tiêu biểu đều có một điểm chung là tinh thần dấn thân trên con đường nghiên cứu khoa học đầy thách thức và gian khó, lao động trí tuệ nghiêm túc, bền bỉ để vươn tới các thang giá trị cao, mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng và xã hội. Thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, xin cảm ơn các bạn, các nhà khoa học trẻ tiêu biểu có mặt trong buổi gặp mặt hôm nay. Thành công của các bạn truyền cảm hứng và cho chúng tôi có được niềm tin vào cộng đồng khoa học, vào tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam và tương lai tươi sáng của đất nước chúng ta.
Với tư cách là cơ quan được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ chăm lo xây dựng đội ngũ và tiềm lực KH&CN của đất nước, Bộ KH&CN luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc khuyến khích, phát huy, trọng dụng và phát triển nguồn tiềm năng quý giá của lực lượng cán bộ khoa học, trong đó có lực lượng cán bộ trẻ để phục vụ có hiệu quả nhất cho công cuộc phát triển đất nước.
Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian qua là việc tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học và công nghệ phát triển, đặc biệt là chính sách thu hút và trọng dụng các nhà khoa học và nhà khoa học trẻ tài năng. Nhiều văn bản quan trọng đã lần lượt được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành những năm gần đây như: Nghị quyết Trung ương 20-NQ/TW, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Nghị định 40/2014 về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; Nghị định 87/2014 về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Nhiều địa phương trên cả nước cũng ban hành các chính sách ưu đãi thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng đến làm việc để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ KH&CN luôn nỗ lực đổi mới quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học trẻ. Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) được Bộ vận hành từ năm 2008 đã ưu tiên các nhà khoa học trẻ chủ trì nhiều nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, tham dự hội nghị khoa học quốc tế, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài. Số nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia được Quỹ tài trợ tăng nhanh từ 5% năm 2009 lên gần 70% năm 2014; số công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng 30% mỗi năm, chiếm 25% tổng số các công bố quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.
Bên cạnh hàng chục chương trình KH&CN quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ KH&CN cũng tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, như “Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon”, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, Dự án thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Dự án hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp do Vương quốc Bỉ tài trợ, Dự án xây dựng Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc theo mô hình của Viện KIST (Hàn Quốc), đề án thí điểm nhiệm vụ tiềm năng dành cho nhà khoa học trẻ,.... hướng trọng tâm ưu tiên vào đổi mới sáng tạo khởi nguồn, khởi nghiệp của các sinh viên năm cuối, các nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ, khuyến khích thương mại hóa các kết quả nghiên cứu tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, vươn tới thị trường quốc tế.
Các nỗ lực chính sách nói trên không có mục đích gì khác ngoài việc mang lại cho các nhà khoa học và nhà khoa học trẻ nước ta môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi nhất, từ đó, giúp các nhà khoa học toàn tâm, toàn trí lao động sáng tạo, đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp chung.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, chúng ta cũng nhận thấy, một cách trung thực và khách quan, rằng KH&CN nước ta vẫn chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu KH&CN nước ta còn chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đặc biệt thiếu nghiêm trọng cán bộ khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư, các cán bộ khoa học có trình độ quốc tế. Chính điều này hạn chế tầm chiến lược, khả năng dự báo cũng như năng lực giải quyết các nhiệm vụ KH&CN ở quy mô quốc gia và quốc tế, dẫn đến kết quả là chúng ta chưa có nhiều công trình khoa học đạt trình độ quốc tế, chất lượng cao, hiệu quả lớn. Ngoài ra, tuổi bình quân của đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ đầu ngành ngày càng cao, ở một số lĩnh vực rất cao. Hiện tượng chảy máu chất xám ngày càng gia tăng, nhiều bạn trẻ trong những năm qua đã phải tìm đến khu vực doanh nghiệp hoặc các cơ sở nghiên cứu đào tạo ở nước ngoài và cho đến nay vẫn chưa trở về. Sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận là điều chúng ta đang phải đối mặt và cần sớm có giải pháp khắc phục trong những năm tới.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do chúng ta chưa thực sự nhận thức đúng vai trò và tính đặc thù của KH&CN, chưa coi trọng cán bộ khoa học trẻ, chậm đổi mới tư duy. Cần nhấn mạnh là cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN còn bất cập và tính khả thi, thực thi còn rất nhiều bất cập. Chúng ta chưa có những chính sách thực sự có hiệu quả trong việc sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và người tài. Tuy nhiên, để hình thành được cơ chế mới, phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, thực hiện được những cơ chế chính sách Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, một mình Bộ KH&CN chưa đủ thẩm quyền và điều kiện để thực hiện. Sự nghiệp chung đòi hỏi sự nỗ lực và đồng thuận của toàn xã hội. Vì vậy, ngoài nỗ lực của mình chúng tôi trông cậy vào sự chia sẻ và hợp lực của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Trong đó, có vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống truyền thông dành cho KH&CN và lực lượng cán bộ khoa học trẻ.
Đó cũng là một trong những lý do diễn đàn này được mở ra, là cơ hội để lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành nghe được tiếng nói của các nhà khoa học trẻ tiêu biểu, bên cạnh việc chia sẻ những bài học thành công trên con đường lao động sáng tạo, còn đóng góp ý kiến tâm huyết, những kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện chính sách, thúc đẩy KH&CN nước nhà phát triển.
Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực thi các cơ chế, chính sách, đáp ứng được nguyện vọng của các nhà khoa học và quyết trúng các vấn đề bức xúc hiện nay trong hoạt động KH&CN của nước ta.
Cộng đồng khoa học Việt Nam đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn của thời kỳ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nhưng đất nước chúng ta vẫn còn rất nghèo. Vì thế, dù công tác ở lĩnh vực nào, trên cương vị nào chúng ta cũng luôn luôn ghi nhớ rằng sâu thẳm trong tâm thức của mỗi chúng ta vẫn tràn đầy tình yêu nước, niềm tự toon, tự hào dân tộc và ý chí quyết vươn lên, để đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta, một dân tộc luôn biết trọng hiền tài phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tương lai của nền KH&CN nước nhà phụ thuộc vào lực lượng trẻ tài năng với các đại diện tiêu biểu có mặt tại cuộc gặp gỡ hôm nay. Mong các bạn, các nhà khoa học trẻ sẽ không thỏa mãn với những thành công ban đầu này mà tiếp tục nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, đam mê hơn để nhân lên gấp bội tiềm năng trí tuệ của lực lượng khoa học Việt Nam, xứng đáng với sự tin tưởng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho chúng ta.
Hạnh Nguyên (ghi)