Hoạt động KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 11:01 pm
Cập nhật : 14/08/2020 , 14:08(GMT +7)
Thách thức song hành cùng cơ hội của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh Covid-19
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng
Tìm kiếm những cơ hội trong bối cảnh khủng hoảng luôn là một trong những bài học thành công của nhiều doanh nghiệp lớn và nhiều quốc gia phát triển. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, có rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đã vượt qua và khẳng định chỗ đứng của mình. Khủng hoảng cũng có thể trở thành cơ hội để quốc gia phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nếu nhận thức và ứng phó tốt.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng về những thách thức và cơ hội của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid - 19 gây ra đối với doanh nghiệp KH&CN.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp KH&CN đã phải đối mặt với những thách thức gì trong bối cảnh đại dịch Covid-19? 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều chịu nhiều tác động tiêu cực do diễn biến dịch Covid-19 gây ra. Doanh nghiệp KH&CN cũng nằm trong số đó, nhất là những doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực như vật liệu, cơ khí, tự động hóa, dịch vụ. Một số khó khăn đó là: Thiếu nguyên vật liệu, vật tư linh kiện trong nước không sản xuất được phải nhập khẩu có khả năng bị gián đoạn, không có đủ nguyên liệu để sản xuất sản phẩm. Cùng với đó là thiếu hụt lao động, tình trạng nhân viên, người lao động bị cách ly. Nhiều doanh nghiệp khó khăn khi phụ thuộc vào các chuyên gia, lao động công nghệ cao từ ngước ngoài.

Bên cạnh đó, doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh thời điểm này đang chững lại, thậm chí là sụt giảm nghiêm trọng. Nguồn thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, sụt giảm, không có doanh thu, các khoản nợ của doanh nghiệp thu hồi chậm, thậm chí không thu hồi được do các doanh nghiệp, khách hàng đối tác của doanh nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid - 19.

Nguồn tiền chi trả cho các chi phí vận hành doanh nghiệp hạn hẹp trong khi nguồn thu bị ảnh hưởng, giảm sút, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, kinh phí duy trì bộ máy, trả lương cho người lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), thuế, phí các loại theo quy định, trả lãi vay ngân hàng, chi phí lưu kho bãi, kinh phí duy trì bộ máy, trả lương chờ việc...

Thị trường trong nước và nước ngoài cùng co hẹp. Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đóng cửa một phần hoặc toàn bộ biên giới để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, dẫn đến việc doanh nghiệp hoàn toàn dừng lại việc xuất khẩu hàng hóa. Đối với thị trường trong nước, do yêu cầu của công tác phòng chống dịch nên hệ quả là sức mua, sức tiêu thụ của người tiêu dùng giảm mạnh. Khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp, công ty phải tạm dừng một phần trong dây chuyền sản xuất hoặc kéo giãn tiến độ sản xuất, thậm chí tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, dừng thực hiện các hợp đồng đã ký với đối tác.

PV: Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3/2020 về việc đẩy mạnh phòng chống dịch Covid 19 trong tình hình mới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai những hoạt động gì, thưa Thứ trưởng?

- Trước tình hình dịch Covid-19 đã và đang diễn ra nghiêm trọng trên thế giới, ngày từ khi dịch mới xảy ra, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh, trong đó có một số văn bản liên quan trực tiếp đến hoạt động KH&CN, điển hình là Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 13). Thực hiện Chỉ thị số 13 nêu trên, Bộ KH&CN đã tiến hành triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Một số kết quả đạt được phải kể đến như sau:

Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện vi rút corona chủng mới”. Công ty Việt Á đã sản xuất thành công bộ Kit real-time RT-PCR xét nghiệm 2019-nCoV. Bộ Kit đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn CE và được Bộ Y tế, Việt Nam cấp phép sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã gửi tặng các nước Hungary, Indonesia và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thông qua Đại sứ quán mỗi nước 500 bộ. Sản phẩm đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc và có kế hoạch xuất khẩu sang một số quốc gia khác. 

Sản phẩm robot hỗ trợ y tế (Vibot) do Bộ KH&CN đặt hàng Học viện Kỹ thuật Quân sự đã được đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Thăng Long, Đông Anh (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị bệnh nhân, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covis-19). Robot Vibot thực hiện nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm từ ngoài vào các buồng bệnh đồng thời vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Vibot đã đáp ứng được bước đầu nhu cầu hỗ trợ điều trị Covid-19, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo. 

Sản phẩm robot (NaRoVid1) do Viện Ứng dụng Công nghệ thuộc Bộ KH&CN với tính năng lau khử khuẩn sàn nhà nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng đã được thử nghiệm thành công tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KH&CN đã chủ động tập hợp, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, theo dõi (tracking) khách nước ngoài tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ…

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã huy động hiệu quả mạng lưới đại diện KH&CN tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ sản phẩm phòng, chống dịch. Thu thập những công bố khoa học quốc tế được xuất bản về SARS-CoV-2 số lượng gần 1.000 công bố, bao gồm các nghiên cứu lý thuyết về dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm trong phòng chống, điều trị và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình nghiên cứu, điều trị và cung cấp truy cập miễn phí phục vụ các bác sĩ, nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu của Việt Nam.

Doanh nghiệp KH&CN tìm kiếm thời cơ trong bối cảnh dịch bệnh để phát triển

PV: Định hướng trong thời gian tới, thời điểm trong và sau khi dịch bệnh như hiện nay thì Bộ KH&CN cùng các cơ quan có liên quan sẽ triển khai những hoạt động cụ thể nào để ứng phó với tình hình dịch bệnh cũng như hỗ trợ việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?   

- Nối tiếp các thành công nêu trên, hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ theo hướng: nghiên cứu sản xuất vắc xin; sản xuất vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng công tác phòng, chống dịch; sản xuất thuốc điều trị Covid-19; sản xuất kháng thể đơn dòng; nghiên cứu đặc điểm hệ gen người mắc Covid-19... nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu và nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước trong thời gian tới và để đón đầu, tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, Bộ KH&CN đề xuất triển khai một số giải pháp. Cụ thể là, rà soát lại các văn bản lĩnh vực KH&CN nhằm tạo điều kiện thống thoáng hơn để thu hút đầu tư mà vẫn đảm bảo các quy định về kỹ thuật, môi trường như thẩm định công nghệ các dự án đầu tư; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp nhằm tạo ra các chủng loại nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất của chính doanh nghiệp, thay thế sản phẩm nhập khẩu.

Tái cơ cấu các Chương trình KH&CN Quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên xây dựng và triển khai các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, vật liệu mới, … phục vụ trực tiếp nhu cầu của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động nguồn cung trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống QCVN, TCVN đối với các sản phẩm, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động về sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thị trường KH&CN… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển. Nâng cao tiềm lực các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa… nhằm chủ động đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư.

PV: Hiện nay, dịch covid-19 tại Việt Nam tiếp tục có diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại Đà Nẵng, Quảng Nam,… phải chịu ảnh hưởng lớn nhất. Vậy, Bộ có những giải pháp hỗ trợ nào cho những doanh nghiệp KH&CN tại các địa phương này, thưa Thứ trưởng?

- Ngoài những chính sách, biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp KH&CN trên cả nước, Bộ sẽ giao cho các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ trong thời gian tới tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ dành cho doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 như Đà Nẵng, Quảng Nam,…: Thời gian tới, sẽ tăng cường thực hiện các hội thảo, tập huấn theo hình thức online, phổ biến chính sách qua các phương tiện truyền thông nhằm hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho hoạt động KH&CN; Hỗ trợ các Sở KH&CN triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của trung ương và địa phương. Cụ thể, trong thời gian qua, Đà Nẵng, Quảng Nam đã ban hành các Chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới công nghệ tại địa phương. Bộ sẽ tích cực hỗ trợ Sở triển khai các chương trình hỗ trợ này đạt hiệu quả cao nhất.

Bài, ảnh: Đăng Minh

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner