Với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững", từ 1-4/10/2015, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (Hà Nội) sẽ diễn ra Chợ Công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart Quốc tế Việt Nam 2015).
Trước thềm sự kiện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Định – Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia ( Bộ KH&CN).
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, đến nay, Techmart được tổ chức ngày một nhiều hơn và nhanh chóng trở thành nơi gặp gỡ của các nhà quản lý, nhà khoa học và các nhà sản xuất, kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về các chợ thiết bị công nghệ?
Ông Lê Xuân Định: Trong những năm vừa qua 5 kỳ Techmart quốc gia, quốc tế và hơn 30 kỳ Techmart vùng đã được tổ chức trên toàn quốc: với với tổng giá trị các hợp đồng ký kết hàng chục nghìn tỷ đồng. Tại sự kiện này, các thành tựu nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công nghệ, thiết bị mới, hiện đại có tác động sâu rộng tới hoạt động kinh tế - xã hội của các đơn vị trong nước và quốc tế sẽ được giới thiệu và chuyển giao, mở đường cho việc các công ty được đổi mới công nghệ, tạo tiền đề cho các sản phẩm,dịch vụ mới chất lượng cao hơn, ổn định hơn với giá thành cạnh tranh hơn.
Khâu yếu nhất là trong thị trường khoa học và công nghệ của chúng ta chính là các định chế trung gian, là cầu nối chuyên nghiệp và hiệu quả giữa các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp và các doanh nhân có tinh thần khoa học. Chúng ta đang thiếu các tổ chức tư vấn, đánh giá, giám định công nghệ, sàn giao dịch công nghệ chuyên nghiệp, thấu hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp theo văn hóa doanh nghiệp. Khi đã có công nghệ hay tài sản trí tuệ thì phải có một tổ chức định giá được nó, tư vấn được cho cả người mua và người bán đảm bảo quyền lợi cao nhất và bền vững nhất khi chuyển giao.
Ở nước ta thị trường KH&CN là thị trường non trẻ nhất, phát triển sau thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường hàng hóa và dịch vụ... Tuy nhiên, thị trường KH&CN là thị trường đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù là thị trường non trẻ nhưng thị trường KH&CN đã có những bước phát triển hết sức tích cực trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cùng các đơn vị đã xây dựng và ban hành các hành lang pháp lý, các hoạt động giao dịch công nghệ được bảo trợ và thừa nhận, các tổ chức trung gian và định chế trung gian trong thị trường khoa học và công nghệ dần được hình thành và phát triển.
Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (International Techmart Vietnam 2015) được tổ chức vào đầu tháng 10-2015 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Ông có thể cho biết về điểm khác biệt của Techmart 2015 so với những năm trước?
Ông Lê Xuân Định: Điểm khác biệt lớn nhất của Techmart 2015 so với các kỳ Techmart trước là thực sự lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cả về nội dung hoạt động và hình thức tổ chức, cả về số lượng tham gia. Đây sẽ không còn là dịp biểu dương lực lượng đơn thuần của các cơ quan nghiên cứu mà là câu chuyện năng suất, chất lượng, đổi mới sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bằng KH&CN sẽ được diễn ra như thế nào. Về số lượng đơn vị tham gia cũng thể hiện điều đó khi chúng ta có hơn 500 doanh nghiệp so với hơn 100 viện nghiên cứu.
Lần đầu tiên chúng ta sẽ được chứng kiến Techmart “ngược”, đó là việc các doanh nghiệp chủ động đưa ra những yêu cầu về đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp trong bài toán kinh doanh thực tế của mình. Đây là nơi để chính các nhà khoa học, các viện nghiên cứu đi chợ để có được các đặt hàng thực sự và thấy được thị trường cụ thể cho những sáng tạo của mình.
Ngoài ra, Tecmart 2015 sẽ có một diện tích dành cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với sự có mặt của các Startup đầy sáng tạo và đam mê, cả trong lĩnh vực CNTT và các lĩnh vực khác như nông nghiệp.
Trong khuôn khổ Techmart lần này, Cục Thông tin KH&CN quốc gia sẽ phối hợp với Trung tâm Thông tin khoa học và kỹ thuật quốc tế - ICSTI tổ chức Khóa họp lần thứ 66 Uỷ ban đại diện toàn quyền các nước thành viên và Hội thảo chuyên ngành nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên của ICSTI về chính sách, cơ chế và phương thức quản lý, xây dựng hệ thống thông tin KH&CN, xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu về KH&CN phục vụ đổi mới sáng tạo. Đại biểu từ 20 nước tham dự: Belarus, Bulgari, Cu Ba, Ai Cập, Estonia, Georgia, Hungary, Ấn Độ, Triều Tiên, Latvia, Moldova, Mông Cổ, Ba Lan, Rumani, Nga, Nam Phi, Srilanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina và Việt Nam. Diễn đàn các doanh nghiệp Nga tham gia thuyết trình các công nghệ tiên tiến và trao đổi hợp tác KH&CN với các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam.
Lấy đối tượng doanh nghiệp làm trọng tâm để hướng tới, Techmart 2015 sẽ có những hoạt động bên lề như thế nào để các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học có thể hỗ trợ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, cùng với doanh nghiệp giải quyết các bài toán khó khăn?
Ông Lê Xuân Định: Ngoài các hoạt động chính, Techmart Việt Nam 2015 còn có rất nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn, nổi bật là các buổi giao lưu, hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân. Họ sẽ thuyết trình về các sản phẩm và dịch vụ KH&CN mới (Khu thuyết trình, nhà A, Trung tâm triển lãm quốc tế ICE).
Một số hoạt động bên lề đáng chú ý gồm: Tọa đàm và giao lưu “Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bước ra từ trang báo. Đây là cuộc giao lưu đặc biệt với hai cặp nhân vật. Cặp nhân vật thứ nhất là Lê Diệp Kiều Trang (Công ty Misfit Inc trụ sở tại Silicon Valley, Mỹ) và ông Nguyễn Thanh Mỹ (Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan ở “Silicon Valley Việt Nam" tại Trà Vinh). Cặp nhân vật thứ hai là hai “đại gia” đam mê sáng tạo thành công lớn: ông Nguyễn Đoàn Thăng (Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông ) và ông Lý Ngọc Minh (Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I).
Bên cạnh đó, có diễn đàn giao lưu dành cho các nhóm khởi nghiệp với chủ đề “Nắm vững và xử lý ổn vấn đề tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp - Sống sót rồi mới phát triển - Công nghệ mới hỗ trợ khởi nghiệp”. Tham gia Diễn đàn này có Nhóm Startup ở Ninh Thuận cùng đam mê công nghệ, biết kỹ thuật trồng nho Vietgap và xử lý tốt vùng đất phèn nhiễm mặn trồng nho, đã trồng thành công một loại nho “khác biệt”. Họ đã lập dự án” Cung cấp nho xanh tươi an toàn và dịch vụ thu mua nho”, đã ký hợp đồng phân phối nho ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Nhóm Startup dự án trồng và chế biến trà Măng tây, đạt diện tích gần 4 ha. Các bạn trẻ này tự chế biến máy sấy, cắt, xay trà, làm túi lọc… Cả hai sản phẩm này đã được Công ty CP Chứng Nhận GLOBALCERT chứng nhận sản xuất sản phẩm sạch theo hướng VIETGAP.
Nhóm Startup thứ ba tham gia giao lưu là các bạn trẻ của dự án Hồng sấy gió ở Trạm Hành, Thành phố Đà Lạt. Tổ chức Jica của Nhật Bản đã chuyển giao công nghệ này cho họ. Họ chọn nơi cao nhất làm nhà kính, tạo máy gọt nhẹ vỏ hồng, tận dụng gió trời sấy hồng tươi để trái hồng khổ đều, giữ màu đẹp.
Ngoài ra, còn có diễn đàn giao lưu dành cho các nhà sáng chế không chuyên với chủ đề “Hành trình sáng tạo của những nhà sáng chế không chuyên - Làm sao tìm vốn và thương mại hóa sản phẩm của nông dân sáng tạo”
Cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia Techmart 2015 lần này là gì, thưa ông?
Ông Lê Xuân Định: Giá trị lớn nhất mà Techmart mang đến cho doanh nghiệp là các cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu các công nghệ và thiết bị mới trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, đây cũng là nơi để các doanh nghiệp có thể tiếp xúc trực tiếp với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đưa ra những yêu cầu của mình đối với các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Trong Techmart, không chỉ có bên cung là các viện nghiên cứu, trường đại học và bên cầu là các doanh nghiệp tham gia, mà còn có các tổ chức trung gian hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc đưa các hợp đồng chuyển giao công nghệ đến đích, tạo ra đổi mới công nghệ thiết bị.
Để đổi mới công nghệ, thiết bị, doanh nghiệp có 2 cơ hội: tìm hiểu và được tư vấn về các công nghệ thiết bị hiện đại do các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cung cấp qua các gian hàng; Đưa ra các yêu cầu của chính mình về công nghệ, thiết bị qua các phiếu tìm mua công nghệ để ban tổ chức hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, viện, trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng KH&CN thành công từ các doanh nghiệp, doanh nhân khác qua các diễn đàn, hội thảo. Tất cả đều là "người thật, việc thật".
Việc doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN hiện là một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển thị trường công nghệ. Bộ có kế hoạch gì để giúp đỡ các doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Xuân Định: Hiện nay, các doanh nghiệp được truy cập tìm kiếm công nghệ hoặc đưa nhu cầu công nghệ trực tuyến miễn phí tại website www.techmartvietnam.vn của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia. Bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ nội sinh lần này cũng được miễn phí gian hàng khi tham dự Techmart 2015.
Gần đây, Bộ KH&CN đã thành lập một đơn vị chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường KH&CN, đó là Cục Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Triển khai Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý cho doanh nghiệp tham gia giao dịch công nghệ như hoàn thiện quy phạm pháp luật về SHTT, đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, cơ chế chuyển nhượng, góp vốn bằng sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KH&CN, đổi mới quy trình, thủ tục đăng ký và thành lập của các tổ chức dịch vụ KH&CN.
Đồng thời, Bộ sẽ đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với hệ thống dịch vụ KH&CN, tổ chức trung gian đồng bộ đi kèm; hỗ trợ thành lập công ty đánh giá, định giá công nghệ, chuyển giao công nghệ; hình thành một số tổ chức công ích tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung triển khai chương trình cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Với các chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ nhận được hàng loạt các ưu đãi về thuế, được hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN.
Xin ông cho biết những hoạt động sau các kỳ Techmart của Ban tổ chức, đặc biệt là các bên đã giao dịch thành công. Ban Tổ chức Techmart có kế hoạch theo dõi, giám sát các bên đã ký kết hợp đồng triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Lê Xuân Định: Để những cam kết, hợp đồng đã ký kết tại Techmart đi vào cuộc sống, vẫn còn một khoảng cách. Đấy là các vấn đề mà chúng tôi gọi là “hậu” Techmart, là lúc để các tổ chức trung gian trong thị trường KH&CN tiếp tục hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu đến với nhu cầu, năng lực thực sự của mình.
Với cách tiếp cận như vậy, Ban tổ chức sẽ tiếp tục theo dõi để hỗ trợ tất cả các hợp đồng được ký kết và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các hợp đồng đã được ký kết. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tiến hành các điều tra, khảo sát hậu Techmart, chúng tôi sẽ phối hợp cụ thể với các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt quan tâm hỗ trợ các hợp đồng được ký kết ở các kỳ Techmart.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai chương trình cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Với các công nghệ, thiết bị được chuyển giao tại Techmart, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn để đạt được các chứng nhận trên. Với các chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ nhận được hàng loạt các ưu đãi về thuế, được hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN.
Techmart 2015 là sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN, UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Xin hỏi, tại sao Bộ KH&CN lại chọn hai địa phương này cùng phối hợp tổ chức sự kiện?
Ông Lê Xuân Định: Không chỉ Techmart 2015 mà ở các kỳ Techmart quốc gia trước, UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hồ Chí Minh luôn là nhà đồng tổ chức. Đây là hai địa phương lớn hội tụ lực lượng các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức trung gian và các doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước.
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là công việc lâu dài và cần có sự đầu tư thích đáng trên cơ sở lớn mạnh của các thành phần cơ bản trên thị trường, dựa trên một nền tảng hạ tầng phát triển và nhân sự chuyên nghiệp. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được lựa chọn là địa điểm để tổ chức các sàn giao dịch công nghệ quốc gia trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên