Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 04:23 am
Cập nhật : 07/09/2012 , 15:09(GMT +7)
Techmart 2012:Cầu nối giữa “cung” và “cầu”
Người dân tham quan Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam (Techmart) năm 2011. Ảnh: Minh Nguyễn
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc tham gia Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012 (Techmart 2012) của các tổ chức, cá nhân gặp không ít khó khăn. Xung quanh sự kiện này, bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và Công nghệ (KHCN) quốc gia cho biết:
- Trước đây khi tổ chức Techmart, các viện, trường ĐH tham gia nhiều hơn. Tuy nhiên, năm nay do kinh tế suy thoái nên kinh phí phổ biến, tuyên truyền các kết quả nghiên cứu KHCN bị cắt giảm. Đặc biệt, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng giảm bớt đầu tư. Tuy nhiên, Techmart 2012 vẫn diễn ra đúng dự kiến và ở tầm vóc quốc tế. Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 23-9-2012 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), sẽ thu hút được khoảng hơn 500 gian hàng giới thiệu công nghệ, thiết bị sản phẩm KHCN.

- Với kinh nghiệm nhiều lần tổ chức Techmart quốc gia và vùng, bà có thể chia sẻ điểm mới của Techmart năm nay nhằm thu hút sự tham gia của các nước đối tác lớn, có thị trường KHCN phát triển?

- Techmart 2012 cũng là sự kiện nổi bật của năm KHCN và đổi mới sáng tạo ASEAN - EU, nhằm tăng cường hợp tác KHCN giữa các nước Đông Nam Á và Liên minh Châu Âu. Tính đến thời điểm hiện nay, Techmart 2012 đã thu hút được nhiều đối tác như: Thái Lan, Malaysia, Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Nga, một số nước thuộc Châu Âu tham gia. Điều đó một lần nữa khẳng định thị trường công nghệ Việt Nam có sức hấp dẫn với đối tác nước ngoài.

Bên lề Techmart còn có hội thảo quốc tế: “Nghiên cứu hướng tới đổi mới về công nghệ xanh và an ninh lương thực”; hội thảo về “Các công cụ hỗ trợ nghiên cứu của Dự án ASEAN - EU và ý tưởng thành lập Mạng lưới các trung tâm xuất sắc của các nước ASEAN” với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các nước ASEAN và Châu Âu. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của Techmart, đồng thời tăng cường trao đổi hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Techmart thực hiện xã hội hóa thông qua việc thu một phần phí gian hàng. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia sẽ hướng hàng hóa công nghệ của mình phù hợp với nhu cầu của thị trường.

- Bà đánh giá thế nào về thị trường KHCN Việt Nam hiện nay? Giữa nguồn cung với cầu còn gặp khó khăn gì, cần có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn đó?

- Thực ra, thị trường KHCN ở nước ta vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, cơ chế để thị trường này hoạt động sôi động hơn vẫn chưa hiệu quả do chỉ tập trung vào kích cung. Điều đó đòi hỏi cần phải thay đổi cách tiếp cận, đó là cách thức hỗ trợ mua công nghệ thiết bị nội sinh. Tuy nhiên, nếu bên cầu không có tiền thì lấy đâu ra người mua, máy làm ra thì bán cho ai? Do vậy, hỗ trợ cho cả bên cầu (kích cầu), có nhu cầu, bên cung nhất định sẽ phải hoàn thiện công nghệ và thiết bị của mình để chiếm lĩnh thị trường.

Gần đây, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg (sửa đổi Quyết định 63) đã hỗ trợ cho bên cầu mua thiết bị sản xuất trong nước được vay 100% giá trị thiết bị và ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất. Tuy nhiên, giải pháp kích cầu này mới áp dụng cho thiết bị sau thu hoạch. Chính phủ cần ban hành cơ chế kích cầu như vậy cho các lĩnh vực khác.

- Có ý kiến cho rằng, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học rất khó đến với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học. Với Techmart được tổ chức ở quy mô quốc tế lần này, Việt Nam có thực sự kỳ vọng tháo gỡ được một phần nào đó thực trạng này không?

- Trước đây, các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được chuyển giao vào sản xuất chủ yếu mang tính tự phát và chủ trì các đề tài thường phải tự tìm nơi áp dụng kết quả nghiên cứu của mình. Thực tế này làm cho kết quả nghiên cứu không được ứng dụng nhiều trong đời sống, làm giảm hiệu quả của đầu tư cho KHCN. Ngược lại, các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian tìm kiếm công nghệ thích hợp để giải quyết các vấn đề khó khăn trong sản xuất.

Trước những bất cập trên, Techmart ra đời góp phần giới thiệu, quảng bá các kết quả nghiên cứu KHCN; là cầu nối giữa cung và cầu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp tìm ra con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để đưa khoa học vào cuộc sống; thương mại hóa kết quả nghiên cứu và sản phẩm KHCN. Thông qua Techmart, các nhà khoa học trực tiếp giao dịch với khách hàng và nhận thức được sự phù hợp của hàng hóa công nghệ với thị trường hay chưa để điều chỉnh hướng nghiên cứu theo nhu cầu của thị trường. Do vậy, Techmart giúp tăng cường năng lực nội sinh của các tổ chức KHCN, đồng thời thúc đẩy thị trường KHCN phát triển sôi động hơn.

- Xin cảm ơn bà!

Nguồn tin: Hà nội mới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner