Ngày 23/11/2020, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của Bộ KH&CN phối hợp với Cục An ninh nội địa, Bộ Công an tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về việc triển khai Luật phòng chống khủng bố (PCKB) và công tác xử lý ban đầu tình huống khủng bố cho các cơ sở bức xạ và công trình trọng điểm thuộc Bộ KH&CN.
Tham gia Hội nghị có đại diện của Bộ Công an – Ban chỉ đạo (BCĐ) PCKB Quốc gia, các đơn vị trong ngành Năng lượng nguyên tử, các đơn vị phối hợp và đại diện các đơn vị thành viên của BCĐ PCKB Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mục đích của Hội nghị nhằm phổ biến Luật phòng chống khủng bố và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm thực hiện hiệu quả Luật, bảo đảm an toàn an ninh cho các vị trí và công trình trọng yếu ngành KH&CN, đặc biệt là các cơ sở bức xạ hạt nhân, đồng thời tập huấn các kiến thức về phòng chống khủng bố, kỹ năng xử lý tình huống khủng bố trên thực tiễn, và các văn bản hướng dẫn cho các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ KH&CN.
Hiện nay, hệ thống cấp phép nguồn phóng xạ do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân quản lý, hiện tại trên cả nước có hơn 5000 nguồn phóng xạ trong đó hơn 2000 nguồn đang sử dụng, và hơn 2000 nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, và hơn 2000 nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và đang được lưu trữ. Các nguồn phóng xạ này nếu rơi vào tay kẻ xấu, các đối tượng khủng bố sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lớn về việc nhiễm bẩn phóng xạ, phát tán phóng xạ, gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người và tác động đến kinh tế, xã hội. Qua công tác phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và Bộ Công an, Ban chỉ đạo Phòng chống khủng bố Bộ KH&CN đã thực hiện xây dựng danh sách các mục tiêu trọng điểm của ngành KH&CN, đặc biệt là các cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ có hoạt độ lớn, cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ di động, hoặc đơn vị có sử dụng nhiều nguồn phóng xạ có nguy cơ tiềm ẩn về việc mất nguồn, di dời trái phép, phá hoại, tấn công, khủng bố. Trong bố cảnh nước ta đã từng xảy ra các sự cố mất, thất lạc nguồn phóng xạ trước đây, khả năng nguồn phóng xạ bị thất lạc, buôn bán, trao đổi vì mục đích kinh tế vẫn còn tồn tại, thì việc xác định các mục tiêu trọng điểm, các cơ sở bức xạ hạt nhân đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu, phòng chống khủng bố. Một trong những hoặt động ưu tiên của Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố Bộ KH&CN là khảo sát thực tế công tác bảo vệ an ninh của các cơ sở này để trên cơ sở đó yêu cầu các cơ sở này xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, phương án phòng ngừa khủng bố, phòng chống cháy nổ, bảo vệ nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, các kế hoạch bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, phòng chống khủng bố.
Trong năm 2020, Ban chỉ đạo đã triển khai một số cơ sở bức xạ đã kiểm tra trước đây nhằm đánh giá tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, đấu tranh khủng bố của Bộ KH&CN, đồng thời kiểm tra hoạt động khắc phục, cải thiện, nâng cao công tác an toàn, an ninh, phòng chống khủng bố.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về Luật phòng chống khủng bố và nhận thức về phòng chống khủng bố tại các đơn vị. Năm 2017, Ban chỉ đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật phòng chống khủng bố tại khu vực phía Bắc và Hội nghị năm 2019 khu vực phía Nam nhằm phổ biến đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Bộ KH&CN nắm được các quy định của pháp luật và các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh, phòng, chống khủng bố.
Hội nghị đã được nghe trình bày một số chuyên đề như nhận thức chung về khủng bố, tình hình khủng bố quốc tế và trong nước; nội dung cơ bản của Luật phòng chống khủng bố và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nguy cơ khủng bố tại Việt Nam và trong lĩnh vực KH&CN; Xử lý ban đầu các tình huống khủng bố.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận và cùng nhau giải đáp những vấn đề có liên quan tới các chuyên đề trên để cùng nhau quán triệt sâu sắc hơn các quy định của pháp luật về phòng chống khủng bố cũng như chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong thực thi các quy định này trên thực tế.
Tin, ảnh: PV