Thủy sản là thế mạnh của ĐBSCL nhưng đầu tư nghiên cứu KHCN lĩnh vực này vẫn còn yếu.
Lương cán bộ thấp, thiếu kinh phí nghiên cứu lẫn triển khai mô hình; đề tài nghiên cứu chưa đi vào chiều sâu; bản quyền chưa được tôn trọng - đó là những lực cản trong nghiên cứu khoa học công nghệ được các nhà khoa học đưa ra tạo hội thảo “Khoa học và công nghệ (KH-CN) với sự phát triển bền vững của ĐBSCL” diễn ra chiều 9-8, do Bộ KH-CN phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức.
Đầu tư chưa xứng tầm
Theo Bộ KH-CN, tiềm lực KH-CN của ĐBSCL hiện nay gồm Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, 11 trường đại học, 1 phân hiệu, 27 trường cao đẳng và 35 trường trung cấp chuyên nghiệp. Các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn đã đóng góp tích cực và làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo hoạch định chính sách của các cấp ủy đảng, chính quyền; tạo luận cứ khoa học trong việc đề ra các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử của địa phương.
Trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu khảo nghiệm chọn lọc và nhân thuần các giống lúa, tuyển chọn nhiều bộ giống có triển vọng đưa vào sản xuất đại trà cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, chống chịu sâu bệnh; xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, tập trung theo hướng Euregap, VietGAP phục vụ xuất khẩu. Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, áp dụng biện pháp kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, 4 đúng; kỹ thuật xử lý kích thích ra hoa bưởi, chôm chôm, sầu riêng, cam… trái vụ; kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh, dù có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, người dân ĐBSCL vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như tốc độ gia tăng dân số, ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong nhiều thập kỷ qua đã làm giảm đáng kể những giá trị tự nhiên của ĐBSCL. Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên làm đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. ĐBSCL lại gặp nhiều thách thức mới như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phương (ĐH Cần Thơ), đầu tư cho KH-CN đối với ngành thủy sản ở ĐBSCL chưa nhiều và chưa xứng tầm. Số lượng và giá trị của đề tài, dự án nghiên cứu khoa học còn hạn hẹp. Đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy sản còn rời rạc, tập trung nhiều vào giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn sản xuất và nặng tính ứng dụng trước mắt; các đề tài khoa học cơ bản, đề tài ứng dụng công nghệ cao (như công nghệ sinh học), đề tài trong lĩnh vực quản lý còn hạn chế… Nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với sự phát triển của ngành thủy sản nên chưa thật sự đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển.
Liên kết nghiên cứu
PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Dù thời gian qua viện thường xuyên chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi bởi gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí. Nhiều vấn đề lớn như sản xuất trái theo phương pháp hữu cơ, đề tài thay thế chất bị cấm sử dụng trên cây xoài nhưng ở ta vẫn còn dùng, do không có kinh phí để làm”. Bất cập hiện nay là các vấn đề như giống rau sau khi được công nhận, cũng không có điều kiện làm mô hình trình diễn. Không có trình diễn thì làm sao phổ biến giống được? Khó khăn lớn nhất là bản quyền không được tôn trọng. Ví dụ điển hình là cây giống thanh long ruột đỏ do viện tạo ra nhưng không cạnh tranh lại nông dân do họ bán quá rẻ.
Thực trạng hiện nay của KH-CN vùng ĐBSCL là lương cán bộ khoa học rất thấp, kinh phí không đủ (cả kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí nghiên cứu). Thủ tục thanh toán phức tạp. Nói chung, nếu không cải tiến được đồng lương và kinh phí nghiên cứu thì KH-CN sẽ tiếp tục còn nhiều hạn chế. “Theo tôi, cần gỡ ra bằng cách nhà nước cho chúng tôi kinh phí thực hiện đề tài nhiều hơn và khoán chuyên đề, bớt gánh nặng cho chủ nhiệm đề tài” – PGS-TS Nguyễn Minh Châu đề xuất.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: Cánh đồng mẫu lớn là nơi thuận lợi ứng dụng KH-CN cơ giới hóa đồng bộ. Mô hình này là tiền đề để xây dựng vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh lúa, cần quy hoạch, thiết kế lại đồng ruộng, diện tích rộng… rất thích hợp để ứng dụng KH-CN. Các mô hình chuỗi liên kết cung ứng tiêu thụ tạo sự ổn định phát triển bền vững các mô hình liên kết, nhờ áp dụng KH-CN tối đa đã góp phần rất lớn vào hạ giá thành sản xuất lúa khoảng 721 đồng/kg trên diện tích 20.000ha tại An Giang, giúp nông dân tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.
Ngành thủy sản ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức và phức tạp như trường hợp tôm chết hàng loạt vừa qua. Chính vì vậy, cần có những nghiên cứu khoa học sâu và đồng bộ để giải quyết vấn đề căn cơ. Nghiên cứu khoa học phục vụ ngành thủy sản, đòi hỏi phải thay đổi cả về định hướng, tính đồng bộ và mức độ đầu tư. Một số nhà khoa học đề xuất: Trước mắt, Bộ KH-CN cần ủng hộ mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học góp sức giải quyết các khó khăn đang phát sinh đối với ngành thủy sản như quản lý dịch bệnh, quản lý môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong đó, cơ chế “đấu thầu” đề tài nghiên cứu cần theo hướng mở và có thể lồng ghép để đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học, hướng tới việc liên kết để phát triển vùng, đảm bảo đưa KH-CN gắn liền với sự phát triển bền vững ĐBSCL.