Cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc kiến tạo một hệ thống chính sách phù hợp và thúc đẩy các start-up phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những sáng kiến từ Chính phủ, cũng cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn của các công ty công nghệ để giúp các start-up có thêm cơ hội kinh doanh và cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Bức tranh khởi nghiệp đa sắc màu
Ngày 9/2/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, đề ra tầm nhìn đến năm 2030 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách mới này được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực để nắn dòng chảy vào cho tài sản trí tuệ, cho mô hình kinh doanh mới, cho tăng trưởng của doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng, tạo ra “cú hích” cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Thông qua Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), trong năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai một loạt các nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Đã có một đợt công bố các nhiệm vụ nhấn mạnh giải pháp về nền tảng trực tuyến, nền tảng số để kết nối DN nhỏ và vừa với những giải pháp công nghệ của khởi nghiệp sáng tạo, những ứng dụng công nghệ mới trong y tế, giáo dục, nông nghiệp, trong chuỗi cung cấp dịch vụ logistic, trong thương mại điện tử…
Bộ KH&CN cũng tổ chức thành công một chuỗi các sự kiện kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp, đặc biệt là Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam), qua đó giới thiệu, kết nối nhiều sản phẩm công nghệ đến cho cộng đồng DN, xã hội, các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Bộ KH&CN đã thu thập những đề xuất của các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ cũng như của cộng đồng khởi nghiệp để kiến nghị Chính phủ lồng ghép, đưa hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào những chính sách, chương trình do các bộ, ngành khác triển khai như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ,...
Theo Văn phòng Đề án 844, năm 2020, có hàng trăm dự án/DN khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ chống COVID-19. Trong đó, nhiều dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường như công cụ dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến… Những giải pháp này không chỉ hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh, mà còn giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly và nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam đã có DN khởi nghiệp “kỳ lân” thứ 2 (, tức là start-up được định giá từ 1 tỷ USD trở lên). Tháng 11/2020, Báo cáo Kinh tế số thường niên E-Conomy SEA 2020, được thực hiện bởi Google và Temasek (Singapore), đã thừa nhận Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam, sau Tập đoàn VNG (Tập đoàn Công nghệ và Internet lớn top đầu tại thị trường Việt Nam). Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới (theo đánh giá của Start-up Blink năm 2020). Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong tốp 20-25 hệ sinh thái hàng đầu.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thăng hạng trên bản đồ thế giới.
Khơi thông, giải phóng nguồn lực
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết: Quyết định 188/QĐ-TTg mà Thủ tướng mới ban hành đã điều chỉnh, mở rộng Đề án 844, tập trung vào các giải pháp thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế, nguồn lực từ các tập đoàn, từ chuyên gia và các trường đại học để tạo môi trường thuận lợi hơn cho các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo đó, sẽ hình thành các khu làm việc chung, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo từ tư vấn, huấn luyện, cố vấn, cung cấp thông tin công nghệ, phát triển thị trường, khai thác tài sản trí tuệ và mạng lưới các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh sẽ được xây dựng và có những hoạt động, diễn đàn cấp cao thường niên để đề ra các giải pháp thiết thực cho các khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ trong nước, từ đó sẽ có những giải pháp để hỗ trợ trực tiếp cho các DN khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng, đặc biệt là các DN đã đưa sản phẩm ra thị trường và có khả năng tăng trưởng, gọi vốn.
Hiện nay, những vòng gọi vốn sau là series A, series B, series C đang rất ít, tức là lúc đầu các startup gọi vốn mồi vài chục ngàn đô thì tương đối đơn giản, nhưng đến lúc huy động tới vòng series A (từ một đến vài trăm ngàn đô-la Mỹ), series B là một vài triệu đô-la Mỹ trở lên thì môi trường đầu tư còn hạn chế và vì thế dẫn đến tình trạng nhiều startup ra nước ngoài để tận dụng nguồn lực nước ngoài.
Vì vậy, các tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn lớn có vai trò vô cùng quan trọng để tạo môi trường cho các startup đã trưởng thành này, có thể là khách hàng (mua sản phẩm), có thể là mentor (người đồng hành, dìu dắt, huấn luyện) cũng có thể là nhà đầu tư, cung cấp vốn cùng với các quỹ đầu tư.
Hiện nay những tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước đang có nguồn quỹ phát triển KH&CN của DN nhưng chưa được khai thác thực sự hiệu quả, nếu có thể tận dụng được nguồn lực này để hỗ trợ cho DN khởi nghiệp sáng tạo thì sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững.
Nguồn lực ngân sách nhà nước cho KH&CN, nghiên cứu phát triển rất hạn chế. Trong khi nguồn lực của DN hiện nay rất lớn. Chúng ta phải khơi thông nguồn lực này, để nắn dòng chảy vào cho tài sản trí tuệ, cho mô hình kinh doanh mới, cho tăng trưởng của DN khởi nghiệp sáng tạo. Thực tế, nhiều nước đã thực hiện thành công việc liên kết giữa các tập đoàn và các DN khởi nghiệp sáng tạo, các tập đoàn lớn như người đỡ đầu, chấp cánh và thúc đẩy cùng với DN khởi nghiệp sáng tạo.
Vai trò của Nhà nước là tạo ra cơ chế để các bên có thể tương tác được với nhau. Ví dụ, cơ chế về quản lý và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của DN hiện nay còn rất khó khăn, hạn chế về nội dung chi, mức chi, chỉ chủ yếu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển của bản thân DN, việc hỗ trợ DN khác còn khó khăn, mặc dù trong cùng 1 lĩnh vực công nghệ, hoặc trong lĩnh vực công nghệ có liên quan.
Quy định về bảo toàn vốn của DN nhà nước cũng rất khó khăn trong khi đầu tư những giải pháp về công nghệ cho DN khởi nghiệp sáng tạo đòi hỏi phải dài hạn hơn (có thể 5-7 năm mới kết thúc vòng đời của dự án, hạch toán có khi “3 thành công bù 7 thất bại”), còn nếu cứ tính thanh toán, hạch toán hằng năm, hoặc hạch toán từng dự án để bảo toàn thì không phù hợp với đầu tư vào công nghệ mới hiện nay.
Luật Chuyển giao công nghệ, Nghị định hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ cho phép sử dụng nguồn quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp vào thương mại hóa công nghệ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, thế nhưng để triển khai những quy định đó bằng những văn bản cụ thể thì còn đang thiếu vắng.
Do đó rất cần những chỉ thị, những văn bản của Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm ở một vài tập đoàn sau đó có thể nhân rộng ra và nâng lên thành tầm văn bản cao hơn, tạo hành lang pháp lý để thực hiện chính sách. Như thế sẽ giải phóng được nguồn lực, một bên là nguồn lực về nhân lực, chất xám, tài sản trí tuệ từ các viện trường, các nhà khoa học, nhà sáng chế, một bên là nguồn lực về tài chính, về thị trường từ các tập đoàn, các DN lớn.
Hiện hai nguồn lực này chưa liên kết được với nhau và nếu chúng ta có một cơ chế để tạo ra nền tảng chung thì sẽ tạo ra một “cú hích” cho hệ sinh thái. Như ở Singapore, các tập đoàn, nhà nước đã hợp tác đưa ra một nền tảng đổi mới sáng tạo mở từ 2 năm nay, rất nhiều tập đoàn của Singapore và các tập đoàn quốc tế ngoài Singapore tham gia, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ nguồn nhân lực tại các viện trường, đồng thời giải quyết bài toán của các tập đoàn.
Muốn triển khai được sáng kiến này, về mặt cơ chế, việc chi nguồn chi của DN phải thông thoáng hơn thì các tập đoàn, DN mới có thể đưa nguồn lực vào nền tảng chung đó hay hỗ trợ cho các vườn ươm của các trường đại học, hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Sáng kiến về mặt cơ chế, chính sách này cũng được Chính phủ Hàn Quốc thực hiện rất thành công. Shinhan Bank đã có sáng kiến Shinhan Future’s Lab, chương trình này kết nối với các tổ chức vườn ươm, cơ sở ươm tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các viện, trường để thu hút nguồn nhân lực, giải quyết vấn đề chung của các tập đoàn, của các DN, chứ không phải chỉ của Shinhan. Và họ đầu tư vào chính những nhóm khởi nghiệp đó, cùng đầu tư với các quỹ đầu tư mạo hiểm và sau đó bán các DN đó đi, như một kênh đầu tư mới về tài chính, chứ không chỉ phục vụ riêng cho các hoạt động của Tập đoàn. Đây cũng là hướng đi mới và mở, phạm vi sử dụng đồng tiền của DN càng thông thoáng thì các tập đoàn, DN càng tận dụng được cơ hội. Mong rằng trong thời gian tới, các cơ chế, chính sách của chúng ta sẽ kịp thời giải phóng nguồn lực của các DN, đặc biệt là các tập đoàn, DN nhà nước.
Bên cạnh những sáng kiến từ Chính phủ, cũng cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn của các công ty công nghệ để giúp các start-up có thêm cơ hội kinh doanh và cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Bài, ảnh: Đăng Minh