Với mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ (KH,CN), Kỹ thuật và Toán học, từ ngày 1-2/3/2017, Hội nghị Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STEMCON) Việt Nam lần thứ 5 đã được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam: Tạo cảm hứng cho sinh viên, nhà sáng chế, nhà giáo dục và các doanh nhân để cùng đổi mới”.
Hội nghị do Chương trình Liên minh Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP), Đại học Bang Arizona (ASU), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và một số tập đoàn quốc tế và trong nước, các cơ quan đối tác Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đây là nơi tập trung của cộng đồng các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và chính phủ gồm các phiên họp tương tác, thảo luận và hội thảo chuyên đề kỹ thuật. Một số chủ đề được trao đổi tại các phiên thảo luận, tọa đàm,… trong khuôn khổ hội nghị như: Giáo dục trong môi trường số: Mô hình học tập trong môi trường số nhằm gia tăng số lượng và chất lượng sinh viên tốt nghiệp các chương trình STEM; Tính cạnh tranh của Việt Nam: Các nhà máy kết nối thông minh trong tương lai sẽ dẫn dắt sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế như thế nào; Đổi mới và các giải pháp - Yêu cầu cấp thiết của STEM: Các ý tưởng và thông lệ thực hành tốt nhất nhằm phát triển lực lượng lao động STEM giàu kỹ năng thông qua hợp tác ba bên giữa các doanh nghiệp, nhà trường và chính phủ; Các nhà sáng chế và sáng tạo trong lĩnh vực STEM: Chiến lược của Việt Nam nhằm phát triển các Doanh nghiệp KH&CN và Hệ sinh thái đổi mới; Xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam: Các mô hình có thể tham khảo và làm cách nào để chúng ta có thể – triển khai của các mô hình này theo cách tiếp cận hợp tác công tư; Hợp tác công tư thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nghiên cứu và đổi mới KH&CN tại Việt Nam;…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục Việt Nam: Truyền cảm hứng cho sinh viên, nhà sáng chế, nhà giáo dục và doanh nhân để cùng đổi mới” là chủ đề hay, thiết thực của hội nghị STEMCON, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày nay, những lợi thế bằng tài nguyên và sức lao động không còn duy trì lâu nữa nên chỉ có thể phát triển đất nước dựa trên lợi thế cạnh tranh thông qua phát triển giáo dục, KH&CN, nâng cao hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm của quốc gia. “Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với các nước khác”, TS. Trần Văn Tùng nói.
Thực tế những năm qua, KH&CN của Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt từ đầu tư nhân lực, tổ chức đến cơ chế chính sách,… Chính phủ cũng đã tăng cường đầu tư cho hoạt động KH&CN thông qua việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp dành tỉ lệ thích đáng từ lợi nhuận trước thuế để tập trung đầu tư cho KH&CN. Bộ KH&CN cũng thực hiện nhiều chương trình trọng điểm về KH&CN nhằm tạo ra những đột phá mới trong phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị STEMCON Việt Nam 2017
Được biết, trong 8 năm qua trường đại học bang Arizona, USAID, Tập đoàn Intel và một số tập đoàn đa quốc gia khác đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển ngành giáo dục tại Việt Nam, nổi bật nhất là mô hình hợp tác hiệu quả giữa 3 bên - chính phủ, nhà trường, doanh nghiệp thông qua 3 chương trình rất ý nghĩa: Chương trình Liên minh hợp tác giáo dục đại học kỹ thuật, Chương trình dự án Hợp tác giáo dục cho các trường kỹ thuật, Chương trình Xây dựng liên minh trường đại học và doanh nghiệp thông qua sáng tạo đổi mới công nghệ.
Qua 3 chương trình nêu trên, đã có 6.312 người tham gia vào các hoạt động hợp tác từ năm 2010; 25,2 triệu USD đã được đầu tư vào các hoạt động cải cách giáo dục, đại học tại Việt Nam. 29% thành viên tham dự là phụ nữ và 338 giảng viên Việt Nam đã tham gia vào các khóa huấn luyện mùa hè 6 tuần tại trường Đại học Arizona, đã và đang tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy tại đaịhọc. Có 3,54 tỉ đồng học bổng được trao cho 654 nữ sinh viên của các trường dạy nghề.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, để có những thành tựu ấn tượng như thế, trường Đại học Arizona đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy sự hợp tác lâu dài, mở rộng giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Hoa Kỳ, các doanh nghiệp, trường đại học 2 nước trong việc phát triển giáo dục, KH&CN của Việt Nam. Từ đó, đã đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao có kiến thức, kỹ năng và có năng lực sẵn sàng đáp ứng trc nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, xã hội.
Tại hội nghị STEMCON năm nay, HEEAP và Công ty TNHH Intel Products Việt Nam tài trợ một chương trình học bổng Thạc sĩ kỹ thuật cho 19 sinh viên Việt Nam theo học 1 năm tại Đại học Bang Arizona (ASU), như một phần cam kết của Intel dành cho dự án Thành phố thông minh của UBND TP. Hồ Chí Minh. Học bổng này sẽ tuyển sinh trong tháng 3/2017 và là nguồn nhân lực cho dự án của TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Đại học ASU cũng tổ chức một khóa đào tạo và tham khảo mô hình thành phố thông minh tại Bang Arizona một tuần cho 10 cán bộ khung của các Sở, ngành TP. Hồ Chí Minh, qua đó họ có đề xuất phù hợp và tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh về quyết tâm xây dựng thành phố thông mình sau này.
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên - Bùi Hiếu