Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 19/04/2024 , 03:58 am
Cập nhật : 20/05/2020 , 10:05(GMT +7)
Tăng năng suất lao động quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Tăng năng suất lao động có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế
Với xu thế hội nhập như ngày nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Giải bài toán từ năng suất lao động tại doanh nghiệp

 

Tại Việt Nam, theo hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, năng suất lao động phản ánh hiệu suất làm việc của lao động được đo bằng GDP, tính bình quân một lao động trong thời kỳ tham chiếu. Tăng năng suất lao động đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD/lao động so với năm 2018. Theo giá so sánh năng suất lao động tăng 6,2%. Mức tăng này cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước trong khu vực, Tuy nhiên nếu so sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á và ASEAN ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ quan trọng của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất. Theo các chuyên gia có nhiều nguyên nhân khiến mức tăng năng suất lao động Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới do trình độ công nghệ, tay nghề công nhân còn thấp, định vị chiến lược của Việt Nam còn hạn chế.

PGS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore cho biết, năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khi năng lực không phải là thấp như vậy. Vấn đề đặt ra ở nhiều điểm. Thứ nhất là cấu trúc chung của nền kinh tế chưa thật tương tác hiệu quả với nhau. Thứ hai là trình độ công nghệ, tay nghề của công nhân chưa được đào tạo tốt. Thứ ba là định vị chiến lược của Việt Nam còn hạn chế để đi vào những lĩnh vực mình thực sự mạnh, thực sự kiến tạo ra giá trị cao.

Các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam là nước tiếp cận Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) rất mạnh mẽ, thông tin công nghệ khá tốt. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 lần thế hệ so với mức trung bình thế giới. Việc bỏ tiền ra mua công nghệ để đầu tư phát triển còn hạn chế.

PGS. Vũ Minh Khương cho biết thêm, các doanh nghiệp Việt Nam đều phải đương đầu với vấn đề năng suất. Năng suất nằm ở nhiều điểm khác nhau. Mức độ 1 là có những cái rất căn bản như là cần phải đầu tư máy móc để sáng tạo đổi mới. Mức độ hai là tầm nhìn về thị trường để nhìn ra những sản phẩm mình có thể bán được giá cao hơn, vấn đề này thuộc về tâm thức, thuộc về tư duy.

Bà Ngô Thu Hương, Ban nghiên cứu và kế hoạch, Tổ chức năng suất Châu Á cho biết, Việt Nam không phải ở TOP dẫn đầu Châu Á Thái Bình Dương vì những xu hướng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta còn đi sau nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (4 quốc gia dẫn đầu trong nhóm của các nước thành viên trong Tổ chức năng suất Châu Á) trong việc cập nhật, ứng dụng KH&CN mới trong đổi mới và nâng cao năng suất.

Nhận diện những hạn chế để đưa ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt. Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công cụ khoa học kỹ thuật, công nghệ cải tiến vào trong kinh doanh.

Thực tế triển khai áp dụng cải tiến năng suất tại các doanh nghiệp cho thấy năng suất lao động tăng 70%, năng suất nhà  máy tăng từ 10-30%, giúp người lao động tăng thu nhập từ 10-15%

MFCA là viết tắt của Material Flow Cost Accounting, là một phương pháp quản lý môi trường (environmental management method) nguyên bản được phát triển tại Đức nhưng đã được ứng dụng rộng rãi tại Nhật Bản trở thành một công cụ quản lý cực kỳ hiệu quả trong việc giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Công ty TNHH MTV Bén Linh là một ví dụ điển hình, cùng với việc tập trung vào sản xuất và đầu tư công nghệ, hiện đại hóa máy móc, tăng năng suất cho mỗi công nhân, là giải pháp quan trọng nâng cao sức cạnh tranh. Công ty đã lựa chọn áp dụng công cụ cải tiến thông qua phương pháp hạch toán chi phí dòng nguyên liệu MFCA để giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất của người lao động, tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Bén, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bén Linh cho biết, trước đây công ty sản xuất ra sản phẩm dựa trên thao tác của công nhân là chính, dẫn đến phát sinh chi phí hao hụt mà doanh nghiệp không tính toán được. Từ đó chúng tôi áp dụng MFCA để đưa nhận thức của từng công  nhân khi áp dụng quyền lợi ích của MFCA.

Theo thống kê của Công ty, sau một thời gian áp dụng MFCA giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất thông qua việc giảm tổn thất nguyên liệu, giảm tỉ lệ hàng lỗi, hàng tồn, áp dụng công nghệ để tăng năng suất lao động là bước đi đúng đắn của doanh nghiệp. Bởi tất cả các công đoạn để tạo ra sản phẩm đều do những công nhân đảm nhiệm. Vì vậy việc áp dụng phương pháp MFCA đã khơi dậy tinh thần cải tiến mạnh mẽ đối với công nhân. Mỗi tháng doanh nghiệp tiết giảm chi phí được trên 50 triệu đồng.

Đổi mới, tăng cường áp dụng KH&CN vào sản xuất là chìa khóa tăng năng suất lao động

Kiến tạo môi trường thuận lợi cùng với thể chế

 

Là quốc gia phát triển công nghiệp hóa và lựa chọn chính sách đầu tư cho KH&CN thành công, Hàn Quốc đã thành công trong việc đưa đất nước từ thu nhập thấp trở thành nước có tổng thu nhập GDP đứng thứ 11 năm 2018 và GDP trên đầu người đạt xấp xỉ 30.000 USD. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nâng cao năng suất được chính phủ đưa ra theo kế hoạch 10 năm.

Chia sẻ thành công trong việc ứng dụng KH&CN và nâng cao năng suất tại Hàn Quốc, đại diện Viện nghiên cứu chính sách KH&CN cho rằng, các doanh nghiệp luôn mong muốn có bước nhảy vọt về công nghệ cũng như năng suất. Tuy nhiên, việc cần làm là phải đánh giá lại phương pháp cũng như kế hoạch của mình liệu đã phù hợp hay chưa. Sau khi đánh giá chính xác sẽ tìm ra những sáng kiến, phương pháp, tầm nhìn mới.

Ông YoungRack Choi Viện nghiên cứu chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm là phải tăng cường năng lực về khoa học và kỹ thuật. Nếu không đầu tư vào khoa học và kỹ thuật thì việc ứng dụng những công cụ về năng suất sẽ không thực sự hiệu quả. Vì đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khả năng, năng lực sản xuất cực kỳ quan trọng đối với họ chứ không phải là năng lực về nghiên cứu và triển khai thực hiện. Bên cạnh đó áp dụng các công cụ cải tiến là rất quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát huy tốt các nguồn lực nâng cao năng suất lao động.

Theo các chuyên gia để nâng cao năng suất chất lượng ngoài những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ở góc độ doanh nghiệp các doanh nghiệp phải lựa chọn được sản phẩm chủ lực, ứng dụng công cụ, phương pháp cải tiến vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.

Là thành viên của Tổ chức Năng suất Châu Á APO, các doanh nghiệp Việt có cơ hội để tiếp cận, ứng dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, KPI, MFCA, LEAN... Thông qua các chương trình và hoạt động khác nhau bao gồm hoạt động về năng suất chất lượng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới năng suất.

Ông AKP MOCHTAN, Tổng thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) cho biết, Việt Nam đã hài hòa hóa rất tốt trong quá trình đẩy mạnh, phát triển năng suất, điều đó rất quan trọng trong việc chúng ta đẩy mạnh nền kinh tế. Vì vậy, việc khảo sát, đánh giá và đẩy mạnh năng suất là chưa đủ mà chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa quá trình sáng tạo và đổi mới trong cuộc CMCN 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó sự dịch chuyển này sẽ diễn ra trong nhiều thế hệ, đặc biệt là trong lĩnh vực KH&CN, vì vậy quan tâm đến năng suất lao động là rất cần thiết. Khi phát triển KH&CN thì năng suất sẽ tăng. APO luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Đề án kế hoạch tổng thể về năng suất theo hướng phát triển, đẩy mạnh và nâng cao năng suất chất lượng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và CMCN4.0 ngày càng phát triển, để Việt Nam không bị bỏ lại xa hơn so với các nước trên thế giới, một trong các giải pháp quan trọng chính là cải thiện năng suất lao động. Vì vậy, việc đổi mới, tăng cường áp dụng KH&CN vào sản xuất là chìa khóa tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế Việt Nam. Thông qua các chính sách khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nguồn lực chất lượng cao.

 Để giải bài toán tăng năng suất lao động góp phần tăng năng suất quốc gia các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần kiến tạo môi trường thuận lợi cùng với các thể chế cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ, sáng tạo, tăng năng suất lao động để thu hút đầu tư vào phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh. Người lao động được cải thiện đời sống, đồng thời năng suất cao giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tác động trực tiếp đến GDP. Tăng năng suất lao động cần đến từ tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo các cấp và của chính người lao động.

 Bài, ảnh: Bảo Chi

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner