Xây dựng bộ tài liệu nghiệp vụ và tổ chức đào tạo hướng dẫn về hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh là mục tiêu chính của tiểu dự án do Cơ quan Đại diện Bộ KH&CN tại TP.Hồ Chí Minh (nay là Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN) triển khai trong thời gian qua.
Tăng cường đổi mới sáng tạo
Ông Phạm Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam- đại diện tiểu dự án cho biết, việc nghiên cứu xây dựng Bộ tài liệu nghiệp vụ về KH&CN, đổi mới sáng tạo và tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của doanh nghiệp; giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động KH&CN.
Dự án cũng nhằm đào tạo nghiệp vụ cho các phòng, bộ phận chuyên môn, đơn vị có liên quan để hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo đó, dự án đã tiến hành nghiên cứu theo một số nội dung chính như nghiên cứu lý thuyết và khảo sát hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc một số ngành kinh tế chủ lực tại TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về tổ chức hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Tổ chức hội thảo về nội dung bộ tài liệu và triển khai thí điểm tập huấn hướng dẫn cho các doanh nghiệp về tổ chức và hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo cũng như các hoạt động KH&CN nói chung trong doanh nghiệp. Qua đó, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án và đề xuất, kiến nghị ứng dụng kết quả của dự án ra diện rộng cho khu vực phía Nam.
Qua một thời gian thực hiện, tiểu dự án đã kết thúc và được nghiệm thu và đạt được nhiều kết quả khả quan. Với các tài liệu bài giảng đã biên soạn cũng đã được giới thiệu qua các hội thảo với các doanh nghiệp và được bổ sung hoàn chỉnh để phục vụ cho việc tập huấn các doanh nghiệp trong thời gian tới (đề xuất trong phase 2 của Dự án IPP) nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, ông Phạm Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam nhận định.
Giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường
Cụ thể, tiểu dự án đã nghiên cứu lý thuyết về đổi mới sáng tạo và khảo sát hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về tổ chức hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Cơ quan chủ trì, Chủ nhiệm Tiểu dự án đã phối hợp với Hiệp Hội Doanh nghiệp và các Hội nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh khảo sát về hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế chủ lực ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận có công nghiệp phát triển, như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ.
Kết quả cho thấy, đối với khu vực phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, TP Cần Thơ là địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp, dịch vụ và tập phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cả nước, hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo có chiều hướng phát triển. Qua kết quả khảo sát về hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại 150 doanh nghiệp thuộc 3 trong số các ngành kinh tế chủ lực phía Nam thời gian gần đây cho thấy.
Đối với ngành nhựa, nhiều doanh nghiệp đã thành lập tổ chức R&D, như: Công ty CP Nhựa Duy Tân, Công ty bao bì VAFACO, Công ty CP Đại Đồng Tiến, Công ty CP Nhựa Tân Phú, … Phần lớn doanh nghiệp đã có các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong 50 doanh nghiệp được khảo sát, số doanh nghiệp có sáng chế được bảo hộ là 2, kiểu dáng công nghiệp 23. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác và thương mại hóa các sáng chế thành công, như Công ty Hoàng Thắng, Công ty TNHH CompoTech. Một số ít doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Hoa Sen, Công ty TNHH CompoTech, Công ty CP Nhựa Đồng Nai.
Đối với ngành Lương thực – Thực phẩm, qua khảo sát cho thấy 50 doanh nghiệp, có 13 doanh nghiệp thành lập Phòng nghiên cứu- phát triển. Công ty Thủy sản Bình An - TP Cần Thơ đã thành lập Viện Nghiên cứu Thủy sản.
Hàng trăm kết quả nghiên cứu - phát triển sản phẩm mới đã được đưa và sản xuất thành công và chiếm lĩnh thị trường. Điển hình như Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) đã nghiên cứu hơn 35 loại sản phẩm sữa và bột dinh dưỡng khác nhau với công thức được nghiên cứu phù hợp theo từng lứa tuổi, bệnh lý,…phù hợp với thể chất người VN. Công ty Tân Hiệp Phát đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, như nghiên cứu xuất thành công sản phẩm nước giải khát thảo mộc: Nước tăng lực Number One, Trà xanh O độ, trà thảo mộc Dr Thanh,…được người tiêu dùng ưa chuộng và đã chiếm lĩnh thị trường.
Nhóm tham gia tiểu dự án cũng đã khảo sát đối với ngành cơ khí. Qua khảo sát 50 doanh nghiệp, có 20 doanh nghiệp có thành lập Phòng nghiên cứu- phát triển (Phòng R&D) hoặc Phòng Kỹ thuật (có chức năng nghiên cứu và phát triển); có 6 doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN như Công ty HF Technology, Công ty CP Hữu Toàn, Công ty CP chế tạo máy Trung Hậu, Công ty TNHH Thiết Bảo, Công ty TNHH Việt Phú,…
Có 31 doanh nghiệp có các hoạt động đổi mới sáng tạo, như: nghiên cứu chế tạo, sản xuất ra sản phẩm mới; cải tiến công nghệ; cải tiến kiểu dáng và mẫu mã sản phẩm, sáng kiến…đã được đưa vào sản xuất và cung cấp trên thị trường. Điển hình như: Công ty HF Technology, Công ty CP chế tạo máy và sản xuất VL mới Trung Hậu, Công ty TNHH Thiết Bảo, Công ty CP công nghiệp Kim Bình, Công ty Cơ khí Duy Khanh, Công ty Hoàng Thắng,…
Nhìn chung, hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp khu vực TP Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh lân cận có công nghiệp phát triển, như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn còn lạc hậu. Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cải tiến công nghệ, đổi mới hoạt động kinh doanh và phong trào lao động sáng tạo trong các doanh nghiệp vẫn chưa được phát triển rộng rãi. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp.
Ông Phạm Ngọc Minh cũng đề cho rằng, để ứng dụng kết quả của Tiểu dự án ra diện rộng nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp trên cho khu vực phía Nam thì BộKH&CN, Ban Quản IPP xem xét, phê duyệt cho tiểu dự án được tiếp tục triển khai thực hiện trong gia đoạn 2 của tiểu dự án.
Bài, ảnh: Hoàng Anh