Hiện nay, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị dẫn đầu cả nước về nghiên cứu cơ bản, số lượng công bố khoa học quốc tế của Viện chiếm gần 50% cả nước, góp phần lớn tạo nên vị trí khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Theo báo cáo GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác tại Hà Nội ngày 12/7, trong giai đoạn 2006-2010, Viện đã có nhiều nghiên cứu phát triển công nghệ gắn với thực tiễn phục vụ hiệu quả cho sự phát triển đất nước, tập trung vào những lĩnh vực như: Công nghệ thông tin và vũ trụ; công nghệ sinh học và sinh thái nông nghiệp bền vững; phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai và viễn thám; khoa học công nghệ biển...
Nghiên cứu sát thực tế
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Viện đã tạo ra giống lúa mới mang gene tạo axít béo omega-7, nâng cao chất lượng gạo; phục tráng giống lúa nếp đặc sản; sản xuất chế phẩm phòng chống nấm cho ngô, đỗ tương; tạo giống hồ tiêu chuyển gene kháng rầy rệp...
|
Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Sinh học - Viện KH-CN Việt Nam (Ảnh: Phương Hoàn)
|
Viện còn ký kết hợp tác khoa học công nghệ với 13 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nhằm nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn một cách hiệu quả. Điển hình như dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc trừ ốc bươu vàng TOBI.25H” đã được Bộ NN-PTNT cho phép ứng dụng rộng rãi, hiện giá thành rẻ hơn 30% so với giá nhập ngoại, được nông dân đón nhận với nhu cầu sử dụng ngày càng cao…
Đặc biệt, Viện đã nghiên cứu và chuyển giao thành công dự án công nghệ sản xuất thuốc sốt rét cho nước Cộng hòa Công gô trị giá 1 triệu USD. Dự án này do Viện Hóa học đảm nhiệm và được tiến hành vào tháng 4/2012.
Cần tăng thêm nguồn lực
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Viện trưởng Viện tài nguyên môi trường Trần Đức Mạnh đề nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nghiên cứu biển (ưu tiên tăng cường về nhân lực cho nghiên cứu, đặc biệt là cử cán bộ trẻ đi học tập ở các nước phát triển…) để phục vụ nghiên cứu biển tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực toán học, ông Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán nêu ý kiến, mặc dù nền toán học Việt Nam không thua kém thế giới nhưng có một thực trạng là tinh hoa của khoa học đều ở nước ngoài. Chính phủ chưa có chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài, chưa có chương trình cụ thể nào thu hút các nhà khoa học.
Ông Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho biết, hiện Bảo tàng đang thực hiện dự án thu thập mẫu vật cổ với tổng kinh phí lên tới 340 tỷ đồng, tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất là chưa nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Nhà nước trong việc thu hồi mẫu vật cho bảo tàng và địa điểm xây dựng.
Các nhà khoa học đều cho rằng, đầu tư cho nghiên cứu KH-CN còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng, tôn vinh những nhà khoa học có thành tích nghiên cứu cao.
|
Thứ trưởng thường trực Bộ KH-CN phát biểu tại buổi làm việc với Viện KH-CN Việt Nam (Ảnh: Phương Hoàn)
|
Trước những khó khăn mà Viện gặp phải, GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KH-CN Việt Nam đề xuất, nhà nước cần quan tâm, đặt hàng các nhiệm vụ, giao các chương trình KH-CN lớn của nhà nước cho Viện. Đặc biệt chính phủ nên giao cho Viện KH-CN Việt Nam góp ý tham gia xây dựng chiến lược phát triển khoa học tự nhiên và công nghệ, tham gia hoạch định chính sách phát triển KH-CN, giáo dục-đào tạo, bảo vệ tài nguyên - môi trường của đất nước.
Tăng đầu tư để phát triển khoa học
Bày tỏ quan điểm của mình tại buổi làm việc, Thứ trưởng thường trực Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH-CN đánh giá cao những kết quả mà Viện đạt được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiếu vướng mắc trong việc gắn kết nghiên cứu với sản xuất trong toàn bộ hệ thống ngành khoa học nói chung và Viện nói riêng. Vì vậy, Thứ trưởng hi vọng việc thành lập doanh nghiệp KH-CN sẽ giúp gắn kết chặt chẽ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Về chế độ chính sách của nhà nước đối với các nhà khoa học, Thứ trưởng cho rằng các cán bộ nghiên cứu khoa học đang chịu nhiều thiệt thòi hơn so với mặt bằng chung của cán bộ công chức, “hiện nay chỉ có cán bộ ngành khoa học và nghệ thuật là chưa có phụ cấp nào ngoài lương”.
Bộ KH-CN cũng đề nghị chính phủ quan tâm phê duyệt đề án xây dựng bảo tàng của Viện KH-CN Việt Nam để mọi người, nhất là thanh thiếu niên tiếp xúc với KH-CN có điều kiện tiếp xúc và nuôi dưỡng lòng say mê khoa học.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Viện KH-CN Việt Nam là một đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên. Việc tăng cường đầu tư cho Viện là cần thiết. Còn tăng như thế nào sẽ có sự bàn bạc thống nhất và viện cũng tăng cường trách nhiệm để việc đầu tư thật sự hiệu quả.
Phó thủ tướng khẳng định, trong quá trình phát triển đất nước thì nhà nước phải đặt hàng các nhà khoa học. Nhà nước sẽ có những đặt hàng với Viện trong lĩnh vực nghiên cứu biển.
Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư tăng cường về cơ sở, vật chất cũng như nguồn nhân lực cho Viện KH-CN Việt Nam để Viện sớm đạt trình độ nghiên cứu tiên tiến trong khu vực..
Mai Hà - P. Hoàn