Ngày 24/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam(UNDP) và Quỹ Môi trường Toàn cầu tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT cho rằng: Việc tăng cường quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ góp phần bảo vệ, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau mà còn góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH, phục vụ cho các yêu cầu của cuộc sống. Vì vậy ĐDSH của Việt Nam cần phải đươc quan tâm, phòng tránh nguy cơ suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến một số loài quý hiếm bị tuyệt chủng.
Theo Bộ TN&MT, Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao. Hiện tại, Việt Nam có 164 khu bảo tồn rừng đặc dụng với diện tích bảo tồn ĐDSH trên 2,2 triệu ha, dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng lên 176 khu tương đương 2,4 triệu ha với các hệ sinh thái (HST) đặc trưng, điển hình như HST núi đã vôi, đồng cỏ, cửa sông, ven biển... tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. Tính đa dạng về HST, sự phong phú và giàu có về các loài và nguồn gen làm cho ĐDSH có vai trò, giá trị vô cùng to lớn cho đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách trong việc bảo tồn ĐDSH, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về ĐDSH. Quốc hội đã có những quyết sách quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn ĐDSH bằng việc thông qua các Luật như: Luật Thuỷ sản, năm 2003; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và đặc biệt là Luật ĐDSH năm 2008.
Mới đây nhất, Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng ngày 03/06/2013, thể hiện quyết tâm của Chính phủ bằng Chiến lược quốc gia về ĐDSH phấn đấu đến năm 2020 “Các HST tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đây là mục tiêu đầy thách thức với công tác quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH.
Để làm được điều đó, việc đổi mới trong quản lý ĐDSH cần đưa lên hàng đầu. Trong đó vấn đề cấp bách là tăng cường thể chế và hiệu quả thống nhất quản lý nhà nước về ĐDSH trên 03 khía cạnh: Giải quyết tình trạng bất cập và vướng mắc về pháp luật và chính sách bảo tồn và phát triển ĐDSH; giảm thiểu hiện trạng chồng chéo, thiếu tập trung về thẩm quyền, chức năng của các hệ thống quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH; giải quyết tình trạng bất cập về đầu tư cho các mục tiêu và cơ sở bảo tồn ĐDSH.
Cũng tại Hội thảo, sau khi nghe các tham luận của các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ĐDSH, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐDSH; nguồn tài chính cho ĐDSH với những cơ chế, chính sách để tạo nguồn, đầu tư phân bổ từ ngân sách nhà nước... Bên cạnh đó, để thúc đẩy quản lý đa dạng sinh học trong thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn ĐDSH là một nhiệm vụ hết sức quan trọng cần được quan tâm hơn nữa.
Theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến năm 2010, Chương trình bảo tồn nguồn gen đã bảo tồn và lưu trữ được hơn 14.000 nguồn gen của trên 200 loài cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu, cây dược liệu và một số loài cây khác. Một bộ phận quan trọng của các giống cây này là nguồn gen bản địa với nhiều đặc tính quý chỉ có ở Việt Nam. |
Tin, ảnh: Bùi Hiếu