Làm khoa học rất khó khăn, nhưng thành quả của nó mang lại là rất lớn lao cho cá nhân, cho xã hội và cho đất nước. Nên các bạn trẻ hãy khát khao được làm khoa học và thực hiện những ý tưởng của mình. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Thế Hân – trường Đại học Nha Trang.
Từ miền quê nghèo
Anh sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo ở Tỉnh Bắc Giang (Xã Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Từ khi nhận thức được cuộc sống anh nhận thấy đời sống của người dân vùng quê chiêm trũng thật khổ cực, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Anh hiểu rằng để thoát khỏi cuộc sống khổ cực đó không có cách nào khác là phải học, học để đổi đời, học thể thoát nghèo; và anh luôn khát khao ngay từ khi còn nhỏ là học để vươn đến những đỉnh cao của tri thức.
Trở lại đầu những năm 2000, đậu đại học có lẽ là cái gì đó rất lớn lao. Từ đó, làng anh năm nào cũng có người đậu đại học. Năm đó, ngoài trường Đại học Thủy sản, anh còn đậu một số trường Đại học, Cao đẳng ở miền Bắc; nhưng cơ duyên đã đưa anh đến với mảnh đất Nha Trang. Khi anh đã vào Đại học Thủy sản (nay là Trường Đại học Nha Trang), anh nhận được giấy báo đỗ ở một số trường ngoài Miền Bắc. Lúc ấy mới vào Nha Trang, nhớ nhà và mọi thứ đều xa lạ, anh rất muốn về nhà để học ở ngoài đó. Nhưng rồi, với suy nghĩ rằng học cái gì cũng vậy, học ở đâu cũng vậy; anh quyết tâm quyết tâm làm tốt nhất việc học của mình, cái mà mình đã chọn.
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành chế biến thủy sản năm 2005, anh ở lại trường làm công tác giảng dạy tại Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Thủy sản (nay là Trường Đại học Nha Trang). Những năm đầu tiên ở lại Trường, anh thấy rằng tấm bằng và kiến thức học ở đại học chưa đủ và chưa xứng đáng để dạy các bạn sinh viên đại học. Xuất phát từ điều đó anh quyết tâm phải tiếp tục học lên. Tiền cho việc học thì rất khó khăn do vậy xin học bổng để đi học tại một môi trường tốt là một lựa chọn duy nhất phải làm cho được. Khó khăn nhất lúc đó là ngoại ngữ. Những năm học đại học hầu như không được học thêm bất cứ lớp học ngoại ngữ nào và cũng chẳng có tiền để mua các phương tiện hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ. Trong một lần tổ chức Hội thảo Quốc tế tại Trường Đại học Nha Trang về bảo tồn nguồn nguyên liệu sinh học biển, anh đã gặp một số giáo sư nước nước ngoài trong đó có một số giáo sư người Hàn Quốc và anh đã liên lạc với họ sau hội thảo đó, gửi hồ sơ để xin học bổng và may mắn năm 2008 anh được nhận học bổng toàn phần của chính phủ Hàn Quốc (BK21) cho chương trình đào tạo thạc sỹ ngành “Công nghệ sinh học biển ứng dụng” tại trường Đại học Quốc gia Gangneung-wonju, Hàn Quốc.
Và trong thời gian ở Hàn Quốc anh đã gửi thư xin học bổng tiến sỹ. Kết quả anh nhận được học bổng của Chính Phủ Nhật Bản và của một chương trình nghiên cứu tại một trường đại học ở Úc. Anh lựa chọn Nhật Bản để tiếp tục chương trình tiến sỹ. Những khó khăn ở Nhật cũng tương tự như ở bên Hàn Quốc về mức độ làm việc. Nhưng anh gặp thuận lợi hơn khi đã vượt qua được môi trường áp lực lớn ở Hàn Quốc. Nội dung nghiên cứu của đề tài tiến sĩ tập trung vào đánh giá một số hoạt tính sinh học của nấm ăn của Nhật Bản. Nghiên cứu đã đi từ cơ bản đến thử nghiệm lâm sàng trên người. Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của nhiều trường/viện nghiên cứu tại Nhật Bản trong đó có đại học Tokyo. Đề tài nghiên cứu của anh cũng hợp với một số công ty trồng nấm và viện nghiên cứu thủy sản ở Nhật Bản để tiến hành thử nghiệm, đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Trong thời gian học ở Nhật, anh tạo được mối quan hệ rất tốt với bạn bè Nhật Bản. Tạo nên hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam đối với bạn bè Nhật Bản và bạn bè một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc. Áp lực lớn nhất khi học ở Nhật Bản đó là học bổng chỉ cấp cho 3 năm và phải hoàn thành chương trình trong 3 năm, vì sau đó mình phải tự chi trả các khoản học phí và sinh hoạt phí. Nếu như vậy, gần như không thể thực hiện được vì mọi chi phí đều rất đắt đỏ. Với quyết tâm rất cao anh đã hoàn thành chương trình tiến sỹ đúng hạn trong thời gian 3 năm và anh nghĩ đây là lúc mình phải về nước để làm việc và cống hiến.
Đến niềm đam mê nghiên cứu khoa học
Trở về nước năm 2013, anh tiếp tục thực hiện công việc giảng dạy và những ấp ủ trong nghiên cứu của mình, thông qua việc tự nghiên cứu phát triển sản phẩm thực phẩm chức năng, hướng dẫn sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài thạc sĩ, đại học và tham gia vào các nhóm nghiên cứu của Nhà trường. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn với cơ sở vật chất tại phòng thí nghiệm, kinh phí cho thực hiện nghiên cứu, nhưng anh vẫn quyết tâm để thực hiện với điều kiện như vậy. Hiện nay, anh đang tham gia vào nhóm nghiên cứu sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ phế liệu thủy sản, trong chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Đức, do PGS.TS Trang Sĩ Trung (Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm; tham gia vào nhóm nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước về chế biến thủy sản; tham gia vào nhóm phát triển sản phẩm mới từ yến sào Khánh Hòa thực hiện nhiệm vụ đề tài cấp Tỉnh; tham gia vào đề tài nghị định thư về quản lý chuỗi cung ứng thủy sản do TS. Mai Thị Tuyết Nga (Phó khoa Công nghệ Thực phẩm – Trường Đại học Nha Trang chủ trì).
Xuất phát từ suy nghĩ nghiên cứu phải đi vào thực tế sản xuất, anh đã chủ động bắt tay với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh khác để tìm cơ hội hợp tác. Sẽ rất khó để nhà sản xuất và nhà khoa học gặp được nhau về suy nghĩ. Anh đã bước đầu hợp tác thành công với công ty Yến sào Khánh Hòa trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nghiên cứu và đề xuất ý tưởng nghiên cứu phát triển sản phẩm. Anh đã bước đầu liên lạc để nghiệm cứu thử nghiệm nâng cao chất lượng cho cá nguyên liệu nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian tới, anh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác với doanh nghiệp để đưa những ý tưởng, kết quả nghiên cứu của mình đi vào sản xuất, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cộng đồng.
TS. Nguyễn Thế Hân cho biết: hiện nay tôi đang tập trung nghiên cứu những công trình sử dụng có hiệu quả các nguồn lợi từ biển, phát triển các sản phẩm thực phẩm mới từ nguồn nguyên liệu nhiều tiềm năng này. Nghiên cứu tập trung vào tách chiết, thu nhận các hợp chất có hoạt tính sinh học (có tác dụng ngăn ngừa và điều trị một số bệnh), để làm cơ sở phát triển các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao như thực phẩm chức năng, các đồ uống có hoạt tính sinh học; nhằm nâng cao giá trị cho nguồn nguyên liệu biển. Những công trình nghiên cứu này đã bước đầu được một số công ty trên địa bàn Khánh Hòa, như công ty Yến sào Khánh Hòa đưa vào triển khai thực tế.
Với sự giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và sở KH&CN Khánh Hòa, tôi thường xuyên nhận được thông tin về các chương trình nghiên cứu khoa học do Bộ đặt hàng; những thông tin này rất kịp thời. Với thành tích nghiên cứu khoa học của mình, tôi được sở KH&CN ưu tiên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản nhằm hiện thực hóa chính sách đãi ngộ của Bộ KH&CN đối với nhà khoa học trẻ có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học Đây là nguồn động viên kịp thời đối với nhà khoa học trẻ như tôi. TS. Nguyễn Thế Hân chia sẻ.
Với những đóng góp của mình trong khoa học, TS. Nguyễn Thế Hân đã được Bộ Khoa học và Công nghệ và Trương ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Khoa học, Kỹ thuật Thanh niên “Quả cầu vàng” năm 2014, dành cho 10 nhà khoa học trẻ của cả nước có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học; được Tỉnh đoàn Khánh Hòa tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua điển hình tiên tiến giai đoạn 2011-2015 và nhiều phần thưởng của Nhà trường. Nhưng thành công lớn nhất đối với tôi, là những nghiên cứu, ý tưởng của mình đã bước đầu đi vào cuộc sống.
H.A