KH&CN địa phương Thứ sáu, 26/04/2024 , 02:18 am
Cập nhật : 07/11/2017 , 17:11(GMT +7)
TP. Hà Nội: Phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên KH&CN
Thứ trưởng Trần Văn Tùng tham quan gian hàng tại Hội nghị
Giai đoạn 2011-2017, thành tựu nông nghiệp TP. Hà Nội đã có nhiều dấu ấn. Hoạt động ứng dụng chuyển giao KH&CN góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đưa được thiếu tiến bộ kỹ thuật trong đó có công nghệ sinh học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giải quyết các vấn đề môi trường ở nông thôn hướng tới phát triển bền vững.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Tăng cường ứng dụng KH&CN phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao và bền vững” diễn ra sáng nay 7/11 tại Hà Nội.

Phát triển KH&CN gắn với yêu cầu thực tế

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Thủ đô đã có 255/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 66,06%) và từ nay đến cuối năm 2017 sẽ có thêm 47 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay từ đầu năm 2016, Ban chỉ đạo Chương trình 02 đã tích cực phổ biến, quán triệt nội dung của Chương trình đến các cấp ủy, cơ quan trên toàn thành phố. UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 06/10/2016 để thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, đồng thời triển khai các đề tài, dự án, đề án, chuyên đề cụ thể.

Những thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có sự đóng góp tích cực của ngành KH&CN cũng như của đội ngũ trí thức Thủ đô. Xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng biểu dương, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Các nghiên cứu khoa học đã cải tiến quy trình công nghệ, tạo ra các giải pháp kỹ thuật mới, các giống cây, con chất lượng cao.

Các nghiên cứu về rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, trồng hoa có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới, nhà kính tiêu chuẩn quốc tế, phương pháp thủy canh … cũng được áp dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều giống gia súc, gia cầm như bò BBB (3B), lợn siêu nạc, gà nuôi lấy thịt, gà, vịt siêu trứng đã được chọn lọc và thích nghi với điều kiện sản xuất trong nước,…

Đánh giá về tình hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định, đối với TP. Hà Nội, giai doạn 2011-2015 phát triển kinh tế xã hội Thủ đô đạt được kết quả nổi bật.  Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân 7,57%/năm, vượt qua 2.56% so với mức tăng bình quân chung cả nước, bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Hà Nội năm 2016 xếp thứ 14/63, tăng 37 bậc so với năm 2012. Nông nghiệp Thủ đô có bước phát triển quan trọng, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với diện tích đạt 28,9 ha gồm rau, lúa, cây cảnh, hoa quả. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quan tâm. Thu nhập một số sản phẩm nông nghiệp trên đơn vị diện tích khá cao, đứng “top” đầu trên cả nước (hoa đạt 500-1500 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả đạt 450 triệu đồng/ha/năm).

Từ các kết quả trên có thể thấy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã gắn kết thực tiễn sản xuất với chất lượng và an toàn sản phẩm, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh trạnh trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Cần coi KH&CN là một trong những giải pháp tiên phong

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cho rằng, hoạt động KH&CN vẫn còn một số hạn chế như: cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN còn thiếu, chưa đồng bộ. Trong quá trình triển khai thực hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa thành phố và các quận, huyện. Một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh.

Cùng quan điểm này, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ở một số sở, ngành, quận, huyện, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN; chưa được quan tâm xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng KH&CN vào phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển KH&CN cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn thiếu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị

Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản xuất trang trại vẫn ở quy mô hộ gia đình do vậy áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và phát triển các sản phẩm làng nghề ở quy mô công nghiệp còn nhiều hạn chế. Hiện tại, vẫn còn ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng để phát huy lợi thế về đất đai, lao động, đưa nông nghiệp, nông thôn Thủ đô phát triển với tốc độ nhanh, vững chắc theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, TP. Hà Nội cần quan tâm một số vấn đề  như: chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện tích cực xây dựng các chương trình ứng dụng KH&CN vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Gắn hoạt động nghiên cứu với các Chương trình công tác của Thành uỷ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực,... để tạo ra các giống cây con có năng suất cao, chất lượng tốt.

Ưu tiên nhập khẩu những công nghệ, thiết bị phục vụ những khâu, những mắt xích có giá trị gia tăng cao, hình thành và phát triển các doanh nghiệp, công ty ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất giống cây con, bảo quản và chế biến nông sản.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành cùng TP. Hà Nội để đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống. Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân TP. Hà Nội cần xác định một nền nông nghiệp Thủ đô tiên tiến, hiện đại và có hiệu quả kinh tế cao. Nền sản xuất nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng tận dụng được địa chính trị, địa kinh tế và địa sinh học, địa lý hệ thống giao thông thuận lợi, thị trường phân khúc để thúc đẩy nông nghiệp; tiếp tục phát triển vành đai ven đô với một nền nông nghiệp đô thị thực thụ; xây dựng các sản phẩm dịch vụ để nông nghiệp hút khách du lịch vào tham quan, mua sắm để tăng giá trị thương mại, nâng cao thu nhập cho người dân.

Giải pháp tiếp theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng đưa ra là tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học góp phần làm tăng năng suất và chất lượng nông sản, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, có hiệu quả kinh tế cao và bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật (IoT) để phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, từ đó bứt phá tạo nên một nền nông nghiệp thông minh thực thụ.

Trong sản xuất nông nghiệp cần hết sức lưu ý việc phát triển sản xuất sạch, an toàn. Hà Nội phải là hình mẫu cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn (kể cả trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) để trước hết là phục vụ lương thực thực phẩm cho người dân thủ đô. Sau nữa là để các địa phương trong vùng học tập, nhân rộng.

Để làm tốt việc này, các cơ sở sản xuất ở TP. Hà Nội cần phải triển để áp dụng các công cụ quản lý chất lượng có hiệu quả, xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn, sử dụng hệ thống mã số mã vạch tiên tiến đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm của người tiêu dùng bằng điện thoại thông minh. Đồng thời,  cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông hộ. Trong mối liên kết đó, doanh nghiệp giữ vai trò là hạt nhân cung cấp giải pháp KH&CN quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm, cần coi KH&CN là một trong những giải pháp tiên phong.

Bên cạnh việc tham gia phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, Hà Nội cần sớm hình thành khu ươm tạo tập trung để thu hút các nhà khoa học tham gia vào ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp, thúc đẩy hệ sinh thải khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp phục vụ cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

“Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với TP. Hà Nội để ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng và sử dụng công nghệ hiện đại, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, kết nối với các học viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các thành tựu KH&CN, phục vụ quá trình công nghiệp hóa,hiện địa hóa thủ đô mà Nghị quyết số 11-NQ/TW đã đề ra”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định.

Bài, ảnh: Hoàng Anh


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner