Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 04:16 pm
Cập nhật : 03/07/2014 , 10:07(GMT +7)
TP. HCM: Ươm tạo doanh nghiệp theo hướng công nghệ cao
Các DN vườn ươm cần nhiều kiến thức từ các chuyên gia kinh tế và công nghệ nước ngoài.
Sau hơn 5 năm thử nghiệm, mô hình ươm tạo doanh nghiệp (DN) công nghệ tại TP. HCM đã có những DN đầu tiên tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mô hình bộc lộ nhiều vướng mắc, nhất là khả năng huy động và hỗ trợ vốn. Tại buổi tổng kết hoạt động vườn ươm mới đây, Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) Thành phố khẳng định sẽ ưu tiên đầu tư ươm tạo những công nghệ mới, công nghệ cao.

Còn khiêm tốn

Sở KH&CN TPHCM cho biết, mô hình ươm tạo DN công nghệ được thành phố thử nghiệm từ năm 2008 với 3 trung tâm là: Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo DN công nghệ Đại học Nông Lâm và Trung tâm ươm tạo DN công nghệ Đại học Bách khoa. Số DN đang ươm tạo ở các trung tâm này khoảng 30 DN, trong đó một số DN sẵn sàng tốt nghiệp. Các lĩnh vực ươm tạo đa dạng về cơ khí nông, lâm ngư, nghiệp; công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp; chế biến bảo quản nông sản, thủy hải sản; sản xuất cây con giống, điện - điện tử…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải An, Giám đốc vườn ươm DN nông nghiệp công nghệ cao, cho rằng số vườn ươm hiện nay còn quá khiêm tốn. Hiện ở các nước trong khu vực, mô hình này phát triển khá mạnh như Thái Lan có 90 vườn ươm, Malaysia 85 vườn ươm, Trung Quốc đến 1.000 vườn ươm… Vườn ươm là nơi thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ và ươm tạo các ý tưởng mới. Đây là công cụ đắc lực cho đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Trong khi ở Việt Nam hiện chỉ 12 vườn ươm quy mô nhỏ.

Đặc biệt hơn, hiện các vườn ươm chỉ mới đảm bảo được tỷ lệ lấp đầy 100%. Trong khi đó, mô hình đối mặt với nhiều khó khăn như DN được ươm tạo thiếu vốn. Việc huy động các nguồn lực khác như chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ, quỹ đầu tư, hợp tác quốc tế… còn hạn chế. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý, hành chính còn phức tạp; hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng đủ nhu cầu của các DN về lâu dài. “Việc tìm kiếm một ý tưởng nghiên cứu hay vô cùng khó. Nhưng khi tìm được mà không hỗ trợ phát triển thành sản phẩm sẽ rất phí. Những khó khăn như thiếu vốn và thiếu cơ chế chính sách đãi ngộ đang khiến các nhà nghiên cứu ít tham gia vào vườn ươm DN”, ông Nguyễn Hải An nhận định.

Sẽ có 50 doanh nghiệp công nghệ mới

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM, cho biết một thống kê gần đây chỉ ra có trên 30% DN nhỏ gặp thất bại trong 2 năm đầu đi vào hoạt động và trong 5 năm tiếp theo số DN gặp khó khăn chiếm tới 50%. Điều đó chứng tỏ việc khởi sự DN thành công không đơn giản, tỷ lệ thành công rất ít. Chính vì vậy, với các dịch vụ hỗ trợ đào tạo, kết nối cung cầu…, vườn ươm được coi là công cụ để giảm thiểu rủi ro cho các ý tưởng kinh doanh.

Ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH&CN TP. HCM) cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình ươm tạo, trong giai đoạn 2014 - 2020, TPHCM tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện các mô hình cơ sở ươm tạo DN công nghệ; phát triển các cơ sở hiện có theo hướng tăng dần tự chủ về tài chính, lấy DN ươm tạo làm trung tâm, hình thành DN KH&CN, công nghệ cao; cung cấp chuyên gia tư vấn thiết kế hệ thống quy trình sản xuất từ sản xuất thử đến sản xuất hàng loạt nhằm hỗ trợ DN nhanh chóng bước ra thị trường. Mặt khác, hình thành thương hiệu mạnh cho các cơ sở thông qua hoạt động quảng bá các kết quả khởi nghiệp thành công. Kết nối các chương trình hỗ trợ của TP. HCM (như Quỹ phát triển KH&CN, sàn giao dịch công nghệ, chương trình năng suất chất lượng…) nhằm tạo ra những hỗ trợ đột phá cho DN. Mục tiêu đặt ra là thiết lập 3-5 cơ sở ươm DN công nghệ mới, hình thành trên 50 DN KH&CN mới.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình ươm tạo, các đại biểu cũng kiến nghị cần thiết ban hành quy định về các tiêu chuẩn công nghệ của các trung tâm ươm tạo, ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả hoạt động của trung tâm theo chuẩn quốc tế. Đặc biệt về vốn, hiện TP. HCM có nhiều nguồn quỹ ưu đãi khuyến khích tài chính. Thế nhưng các điều kiện vẫn còn quá tầm DN. Nguồn quỹ phải mở hơn để DN tiếp cận, sử dụng vốn đầu tư nghiên cứu hoặc quay vòng sản xuất.

"Vườn ươm đã thật sự trở thành nơi thương mại hóa các sản phẩm khoa học, ươm tạo để phát triển những ý tưởng mới, là cơ sở hình thành các DN trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây là nền tảng quan trọng để đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 4.500 DN khoa học công nghệ, các vườn ươm sẽ đóng vai trò khá quan trọng".

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM

 

 

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner