Việt Nam đang chứng kiến làn sóng phát triển mạnh mẽ của các công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup). Với ý tưởng kinh doanh độc đáo cùng năng lực cạnh tranh được cải thiện, một số startup đã không dừng lại ở thị trường trong nước mà đã định hướng hoạt động ra thị trường quốc tế.
Kiên trì theo đuổi mục tiêu
Startup có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, góp phần đưa nền kinh tế đất nước vươn tầm thế giới. Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chứng kiến làn sóng phát triển mạnh mẽ của những công ty khởi nghiệp sáng tạo. Với những ý tưởng kinh doanh độc đáo cùng năng lực cạnh tranh cải thiện rõ rệt, nhiều startup đã không dừng lại ở việc phát triển trong nước mà còn định hướng doanh nghiệp của mình hoạt động trên thị trường quốc tế, hay nói cách khác là “go global”. Tuy nhiên, xây dựng một startup đã khó, đưa startup trở thành một doanh nghiệp toàn cầu lại càng khó hơn.
Thời gian qua, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đề án 844) đã hỗ trợ kinh phí cho hơn 60 dự án do gần 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam thực hiện. Các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đã được triển khai rộng khắp với hầu hết các chủ thể của hệ sinh thái, trong đó đặc biệt là đối với các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều kết quả hỗ trợ startup gọi vốn nổi bật đến từ các chương trình có sự hỗ trợ của Đề án 844, có thể kể đến như Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đã kết nối để gọi được 37 tỷ đồng cho startup thông qua chương trình Startup Day, Công ty CP Việt Nam Silicon Valley Accelerator hỗ trợ startups gọi được gần 42 tỷ đồng thông qua các chương trình thúc đẩy của mình,.. Đến nay đã có 34 địa phương có kế hoạch ban hành triển khai Đề án 844, trong đó ngoài Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng là những địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển thì một số nơi khác có cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả như Quảng Nam, Vũng Tàu, Nghệ An…
Đặc biệt, Đề án 844 đã tích cực đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng hình thành hành lang pháp lý đặc thù đầu tiên cho cả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo. Ví dụ như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017), Luật Chuyển giao Công nghệ 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan về việc đăng ký, thành lập, hoạt động, ưu đãi thuế của quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, quy định về các hoạt động hỗ trợ từ phía nhà nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ... Đề án 844 cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp đột phá nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo, như các cơ chế thử nghiệm chính sách, mô hình gọi vốn cộng đồng, cơ chế mua sắm công.
Hiện nay, chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang có sự cải thiện rõ rệt, mà cụ thể được minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay. Đặc biệt, năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lớn trên thế giới đều lần lượt tham gia hoặc đang nghiên cứu để tham gia vào thị trường Việt Nam như Grab, Amazon, Go-jek..., dẫn đến đổi mới về dịch vụ của các doanh nghiệp truyền thống, sự ra đời của các sản phẩm nội địa cạnh tranh, thậm chí, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới phù hợp với văn hóa bản địa. Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang có xu hướng tăng, đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Toàn cảnh Hội thảo VAG Media tổ chức
Sự phát triển này cho thấy, không chỉ bản thân startup Việt Nam mà hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ trong khu vực và trên thế giới. Có thể nêu thêm một số kết quả điển hình minh chứng cho sự phát triển tốt của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đó là Việt Nam đã có thương vụ IPO đầu tiên của Yeah1 (năm 2018), những thương vụ gọi vốn lớn hàng chục triệu đô như của Topica Edtech (nhận đầu tư 50 triệu USD từ Quỹ đầu tư Northstar Group tại Singapore), Sàn thương mại điện tử Sendo (nhận đầu tư 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và các nước khác trong khu vực Châu Á)… Việt Nam cũng có “kỳ lân” đầu tiên – đó là Công ty VNG. Ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế mà đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… mở văn phòng đại diện hoặc có đối tác tại Việt Nam. Ngay các sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo như TECHFEST VIETNAM 2018 cũng đã có sự tham gia của hơn 20 quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là có sự tham dự của đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.
Một vài doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã chứng minh được khả năng của mình trên thị trường quốc tế như Momo, Tiki… Điểm mạnh của các startup này là doanh nghiệp trẻ, năng động, ham học hỏi tìm tòi, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có sự tham gia của nhân lực quốc tế, hoặc người Việt Nam du học trở về, do đó hiểu biết hơn về thị trường quốc tế và có vốn ngoại ngữ tốt. Đồng thời, do đặc thù của thị trường các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các startup có nhiều cơ hội để quan sát, khám phá ra được nhiều vấn đề của thị trường để khởi nghiệp.
Bài học nào cho startup Việt
Hiện nay, các startup Việt vẫn còn tồn tại những điểm yếu cơ bản như đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có nền tảng công nghệ hay lõi công nghệ thực sự tốt. Xét về góc độ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, do chưa có văn hóa khởi nghiệp sáng tạo theo chiều sâu, dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tư duy đào sâu vào các vấn đề còn tồn tại trong thị trường để cải tiến sản phẩm, cùng với đó là thiếu khả năng quản trị doanh nghiệp, thiếu tư duy toàn cầu, dẫn đến khó phát triển các mô hình có khả năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân”, doanh nghiệp có khả năng vươn ra thế giới.
Bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc phát triển kinh doanh của Ecomobi chia sẻ ba bài học kinh nghiệm đối với một startup muốn vươn ra thị trường quốc tế
Bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc phát triển kinh doanh của Ecomobi chia sẻ ba bài học kinh nghiệm đối với một startup muốn vươn ra thị trường quốc tế. Đầu tiên, không nên "bỏ trứng vào một giỏ", dồn nhiều nhân lực và công sức vào một khách hàng mà nên có những phương án khách hàng dự phòng. Về quản lý nhân sự, lãnh đạo nên tập trung xây dựng văn hóa làm việc và cam kết sự minh bạch về thông tin giữa các team trong một doanh nghiệp với nhau. Bài học cuối cùng mà các startup cần quan tâm là phong cách quản lý, phân quyền nhân sự, từ đó các thành viên trong doanh nghiệp sẽ học hỏi được nhiều hơn, có thể tự đảm nhận những dự án mới.
Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần chuẩn bị nguồn lực về con người, dùng người Việt thôi không đủ mà cần phải thu hút thêm nhân lực ở nước ngoài. Đây là kinh nghiệm ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của Fastgo chia sẻ khi startup Việt Nam muốn vươn ra nước ngoài. Theo ông Tuất các kế hoạch tài chính, pháp lý và thuế khi đi ra nước ngoài cũng cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư.
Ông Tuấn Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiếp thị và Truyền thông VAG (VAG Media) cho biết, hiện nay có khá nhiều startup Việt Nam bước ra toàn cầu và đã thành công. Họ có một điểm chung là thích ứng rất nhanh sau khi nhận ra được các vấn đề, mặc dù trước đó trong nước chưa từng được trải qua môi trường như vậy. Và khi quen được môi trường đó, họ đã vượt lên. Tại các thị trường lớn như Mỹ, Singapore, một số startup Việt đang chiếm vào những vị trí quan trọng trong thị trường ngách… Ví dụ, việc bán hàng online hiện có hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam hoạt động hiệu quả trên Amazon.
CEO Tuấn Hà của Vinalink trình bày báo cáo tại hội thảo
Theo các chuyên gia, việc triển khai Đề án 844 đã tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, góp phần “khơi thông” dòng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp với các kênh đầu tư mới và hình thức đầu tư đa dạng hơn. “Trong thời gian tới, Nhà nước nên cho phép thành lập các sàn gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần (equity-based crowdfunding). Đây là mô hình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới, hỗ trợ rất lớn cho các startup về vốn” - ông Tuấn Hà chia sẻ.
Mới đây, hội thảo "Vietnam Startups Go Global" do VAG Media tổ chức đã thu hút sự tham gia của các CEO doanh nghiệp hàng đầu như Fastgo, Ecomobi, iMentor & VAG media... và nhiều nhóm khởi nghiệp. Các diễn giả và các startup đã cùng thảo luận về các giải pháp để startup Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu cũng như những phương thức để tăng trưởng đột phá. Hội thảo là một trong những nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). |
Bài, ảnh: PV