Sở hữu trí tuệ Thứ tư, 17/04/2024 , 05:50 am
Cập nhật : 25/07/2017 , 14:07(GMT +7)
Sở hữu trí tuệ góp phần phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế
Toàn cảnh tọa đàm 35 năm thành lập Cục SHTT
Cách đây 35 năm, ngày 29 tháng 7 năm 1982, Cục Sở hữu trí tuệ, tiền thân là Cục Sáng chế, được thành lập. Chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển đã đánh dấu những dấu mốc lịch sử quan trọng của Cục Sở hữu trí tuệ.

Từ một đơn vị mới thành lập với vỏn vẹn 27 cán bộ, trải qua 35 năm phát triển, Cục Sở hữu trí tuệ đã trở thành một đơn vị lớn mạnh với 21 đơn vị trực thuộc, 335 cán bộ, công chức và người lao động làm việc tại trụ sở chính tại Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp được Cục triển khai toàn diện, hiệu quả, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khoa học, công nghệ nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung trong thời kỳ hội nhập.

Trải qua 35 năm phát triển, Cục SHTT đã thực hiện được nhiều nội dung công việc quan trọng như: soạn thảo, trình duyệt để ban hành hàng loạt văn bản pháp luật quan trọng, làm nền tảng cho hoạt động SHCN; thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (ngày 28/6/1984, 9 Bằng độc quyền sáng chế đầu tiên được cấp;  ngày 29/6/1984, 12 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đầu tiên được cấp; Giấy chứng nhận đăng ký Kiểu dáng công nghiệp và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích đầu tiên được cấp vào năm 1989. Thông qua Văn phòng quốc tế của Thỏa ước Madrid, chỉ tính riêng năm 1983 đã chấp nhận cho đăng ký vào Việt Nam 2.972 nhãn hiệu quốc tế); Xây dựng kho tư liệu sáng chế với các phương tiện hiện đại để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin; Mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, v.v.

Một sự kiện quan trọng trong giai đoạn này phải kể đến là sự ra đời của Pháp lệnh bảo hộ quyền SHCN  ngày 11 tháng 2 năm 1989, đánh dấu sự thay đổi căn bản của hệ thống bảo hộ quyền SHCN ở nước ta. Theo đó, Việt Nam chính thức bãi bỏ hình thức bảo hộ sáng chế dưới dạng cấp Bằng tác giả sáng chế. Lần đầu tiên, cụm từ “sở hữu công nghiệp” được chính thức sử dụng trong văn bản pháp luật. Sáng chế và các đối tượng SHCN khác được coi là tài sản và là đối tượng của quyền sở hữu, tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo và cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và lợi ích xã hội. Pháp lệnh còn quy định bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa nhằm phát huy thế mạnh của các sản phẩm độc đáo và nổi tiếng từ lâu đời của Việt Nam. Sau khi Pháp lệnh ra đời, số lượng đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ quyền SHCN và số lượng Văn bằng được cấp ra tăng trưởng liên tục trong các năm tiếp theo.

Ngày 28/10/1995, Bộ Luật Dân sự đã được Quốc hội khóa IX thông qua, với phần thứ VI quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất để triển khai toàn diện hoạt động SHCN và tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử bảo hộ quyền SHCN ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử nước CHXHCN Việt Nam, quyền SHTT được Nhà nước thừa nhận như một loại quyền dân sự, khẳng định những nguyên tắc dân sự cơ bản của quyền SHTT và được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội quy định. Hoạt động SHCN thời kỳ này chuyển sang giai đoạn mới: giai đoạn từng bước hội nhập với thế giới và khu vực.

Giai đoạn này cũng đánh dấu những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế như: năm 1993 gia nhập Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT); năm 2000 ký Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó có Chương về sở hữu trí tuệ; ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác với các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc tế, khu vực và quốc gia.

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí Phát biểu tại Tọa đàm ngày 25/7 tại Hà Nội

Công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong giai đoạn này ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 1992 có 83 đơn đăng ký sáng chế được nộp và số Bằng độc quyền sáng chế được cấp là 35, thì năm 2002 có tới 1.211 đơn sáng chế được nộp và 743 Bằng độc quyền sáng chế được cấp. Tương tự đối với nhãn hiệu, năm 1992 có 4.617 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp và 3.308 Giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp thì năm 2002 con số này đã là 8.818 đơn nhãn hiệu được nộp và 5.200 Giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp.

Những thành tựu đạt được của Cục Sở hữu công nghiệp đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của lĩnh vực này đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Ngày 29/11/2005, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2006. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới của quá trình phát triển hoạt động SHTT của Việt Nam. Cùng với Bộ luật Dân sự năm 2005, hai văn bản này đã tại thành một hệ thống các quy định hoàn chỉnh và thống nhất về quyền SHTT, thay thế cho các quy định trước đây. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với quá trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007 cũng như quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh. Một loạt các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì, phối hợp xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành sau đó.

Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT trong giai đoạn này đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận như: Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO kể từ ngày 11/1/2007 (trong đó Cục SHTT góp phần quan trọng trong quá trình đàm phán nội dung về SHTT); tham gia đàm phán hàng loạt các FTA có nội dung về SHTT, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia về SHTT, v.v.

Công tác xác lập quyền trong giai đoạn này đã có những bước tiến đáng kể. Số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN liên tục gia tăng. Năm 2003, số lượng đơn đăng ký sáng chế là 774 đơn, số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích là 127 đơn, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 680 đơn, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu là 12.135 đơn. Đến năm 2016, con số này đã là 5.228 đơn sáng chế, 478 đơn giải pháp hữu ích, 2.868 đơn kiểu dáng công nghiệp và 42.848 đơn nhãn hiệu, gấp từ 3-8 lần so với năm 2003.

Với khối lượng công việc gia tăng nhanh chóng, mặc dù nguồn nhân lực và điều kiện vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, nhưng toàn thể cán bộ công chức và người lao động của Cục đã nỗ lực cố gắng hoàn thành công việc được giao.

35 năm – một chặng đường chưa dài, nhưng với nền tảng gắn bó, tâm huyết với nghề đã được xây dựng và hun đúc từ các thế hệ cán bộ đi trước, với tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết của thế hệ cán bộ trẻ, chúng ta có quyền tin tưởng rằng sự nghiệp sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục được tiếp nối vững chắc, mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong nền khoa học công nghệ nói riêng, nền kinh tế của đất nước nói chung, đóng góp xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

Cục SHTT







Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner