Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 01/11/2024 , 04:33 pm
Cập nhật : 17/11/2021 , 14:11(GMT +7)
Smart City: Cuộc chơi lớn cho các startup
Dự án nhà thông minh Lumi
Tham gia phát triển đô thị thông minh (smart city) là cuộc chơi không chỉ dành cho những “ông lớn” có tiềm lực về tài chính. Đây còn là cơ hội cho các startup khi giải quyết được những tồn tại của đô thị, đưa ra giải pháp cho thành phố thông minh, tạo ra nhiều tiện ích cho xã hội.

Nhiều “bài toán” cần lời giải

Trong những năm gần đây, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam có bước phát triển sôi động. Khởi nghiệp sáng tạo đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây nền kinh tế số, đồng thời đã và đang làm thay đổi xã hội, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Đình Thắng – thành viên sáng lập hội đồng VINASA, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp công nghệ số cho biết, làn sóng đầu tư khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam và khu vực thời gian qua tập trung nhiều vào lĩnh vực Fintech. Việt Nam là một trong những quốc gia đã tạo lập được vị thế trong lĩnh vực này. Nhưng đồng thời khởi nghiệp ĐMST đang có dấu hiệu chuyển sang một làn sóng mới đó là Proptech và Smat City, với các giải pháp sáng tạo tiềm năng được phát triển và đầu tư lớn.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ tạo ra giải pháp đột phá, giúp TP tăng hiệu quả quản lý, giảm chi phí, minh bạch hơn. Mục tiêu nhằm mang lại giá trị cho từng người dân, tạo ra môi trường sống tiện lợi và nhân văn hơn. Hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5% và số lượng lên tới 813 đô thị. Đây được coi là dấu hiệu đáng mừng cho mức độ phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo nhiều hơn, đầu tư mang tính chất hiệu quả hơn, nhưng cũng đặt ra vấn đề lớn như ô nhiễm môi trường, tắc dường, cơ sở hạ tầng xuống cấp…

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển TP thông minh với nhiều bài toán về thu nhập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, TP đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nhu cầu bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và thế giới. Do vậy, đây cũng chính là cơ hội cho các startup Việt Nam vươn mình trở thành những kỳ lân trong tương lai khi giải được các bài toán của đô thị thông minh.

“Tôi tin là Proptech và Smat City sẽ là làn sóng tiếp theo của khởi nghiệp với những công nghệ mới như AI, BigData, IOT… Và “miếng bánh” đô thị thông minh là cuộc chơi lớn không chỉ dành cho các “ông lớn” mà còn cho cả các startup” – ông Nguyễn Đình Thắng nhận định.

Chia sẻ về xu hướng phát triển smart city, Tổng Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans Lê Hàn Tuệ Lâm nhận xét, đại dịch Covid-19 đã khiến các quốc gia, trong đó có Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn, dịch chuyển mạnh sang giao dịch không chạm; thu nhập và tích hợp dữ liệu tập trung phục vụ xử lý các vấn đề thách thức đặt ra; tăng tốc kết nối trực tuyến… Đó là các yếu tố then chốt của các giải pháp sáng tạo dành cho TP thông minh, góp phần giải quyết các thách thức về quản trị cũng như xử lý những vấn đề phát triển đô thị đặt ra để đạt được các mục tiêu.

Bà Lê Hàn Tuệ Lâm thông tin thêm, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất kỳ vọng ở thị trường Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ bất động sản, TP thông minh. Bằng chứng là trong đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp nhận được một lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể từ các quỹ đầu tư đổ vào lĩnh vực công nghệ bất động sản. Dự báo sau đại dịch Covid-19, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhiều khoản đầu tư nước ngoài vào các giải pháp cho TP thông minh, bao gồm đầu tư vào các startup khởi nghiệp ĐMST.

Cơ hội chia sẻ “miếng bánh” với “ông lớn”

Trong công cuộc xây dựng TP thông minh, các DN lớn đóng vai trò tiên phong, đảm nhiệm vai trò cốt lõi kiến tạo hạ tầng thông minh, xây dựng nền tảng dùng chung. Theo đó, với statup khởi nghiệp trong lĩnh vực này có thể tận dụng các nền tảng này làm bệ phóng đi nhanh hơn.

Dưới góc độ một “ông lớn” đang hoạt động trong lĩnh vực này, Viettel tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số và đặc biệt là triển khai những giải pháp nền tảng về phát triển đô thị thông minh tại các tỉnh thành tại Việt Nam.

Ông Dương Công Đức – Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh thuộc Tổng công ty Giải pháp DN Viettel chia sẻ, công nghệ có thể hỗ trợ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho quản trị đô thị, nhưng sẽ không có một DN công nghệ nào có đủ năng lực đáp ứng được toàn diện các nhu cầu của TP thông minh. Trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh còn rất nhiều bài toán về di chuyển thông minh, con người thông minh, Chính phủ thông minh, môi trường thông minh… Do đó, đây là mảnh đất có tiềm năng vô tận cho các DN lớn cũng như các startup công nghệ khai thác.

House là một dự án khởi nghiệp bắt kịp cơ hội từ Smart City, khi đưa ra các giải pháp cho ngôi nhà thông minh. Founder House 3D Bùi Sỹ Nguyên cho rằng, nếu DN lớn có thế mạnh về công nghệ tích hợp, nguồn lực, vốn thì công ty nhỏ có thể cung cấp giải pháp đặc biệt, đưa ra giải pháp cụ thể, rõ ràng, hiệu quả và đột phá. Để tận dụng cơ hội từ cuộc chơi lớn này, startup cần năng động tìm đối tác, đi cùng DN lớn từng làm việc với Nhà nước nhiều năm để giải quyết khó khăn. Vì thế, startup có thể chia sẻ “miếng bánh” TP thông minh nếu bám theo DN lớn. Tuy nhiên, cuối cùng startup phải tạo ra được sản phẩm, giải pháp hướng tới lợi ích của người dân mới tạo nên một đô thị thông minh.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó có 196 khu làm việc chung, 6 vườn ươm DN và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện là 210 quỹ. Trong đó, 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt.

Các con số này liên tục tăng trong những năm qua, thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái. Mặt khác, Chính phủ đã có chiến lược, bước đi vững chắc cho đô thị thông minh và đấy là thời cơ chín muồi cho DN khởi nghiệp công nghệ đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ có không gian để triển khai trên toàn quốc. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện với nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành, chuyên gia, các tổ chức và cá nhân khởi nghiệp. Các startup cần nhanh nhạy tận dụng thời cơ này để đưa ra các giải pháp phát triển đô thị thông minh.

Nguồn: kinhtedothi.vn


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner