Hai sinh viên thuộc Trường ĐH Lạc Hồng đã thiết kế, chế tạo thành công máy tự động thay thế lao động thủ công cho một công ty 100% vốn nước ngoài tại Khu công nghiệp Biên Hòa II, Đồng Nai. Chi phí để chế tạo chiếc máy này chưa đầy 100 triệu đồng, nhưng mỗi năm đem lại lợi nhuận cho công ty hơn 250 triệu đồng/máy và giảm được ba lao động làm việc.
Sinh viên vẫn “được việc”
Câu chuyện chế tạo ra chiếc máy lắp ráp Limiter A Tape Gear bắt đầu từ tháng 5.2011. Khi đó, hai sinh viên Nguyễn Thanh Tú và Nguyễn Văn Dũng, khoa Cơ điện Trường ĐH Lạc Hồng xin vào Công ty TNHH Plus Việt Nam để thực tập. Nguyễn Thanh Tú nhớ lại, sau hai tuần tham quan các công đoạn sản xuất tại công ty, các bạn được giao sửa chữa, cải tiến máy móc cho phù hợp với yêu cầu sản xuất của công ty.
Hai sinh viên Tú và Dũng nhận thấy khâu lắp ráp Limiter A Tape Gear có thể sẽ tự động hóa được. Tú và Dũng đã bỏ ra một tháng để đưa ra giải pháp và mô hình để tự động khâu sản xuất này. Nghe hai sinh viên báo cáo, lãnh đạo và kỹ sư của Công ty TNHH Plus Việt Nam đã gật đầu với phương án thiết kế.
Mất thêm gần bốn tháng nữa từ sản xuất phần cơ khí, lập trình… đến đầu tháng 10, chiếc máy mới hoàn thành. Trong quá trình sản xuất, nhiều chi tiết đã thay đổi cho phù hợp thực tế sản xuất với sự góp ý của đội ngũ kỹ sư ở công ty.
Hiệu quả và tính ổn định của máy đã được khẳng định sau hơn ba tháng vận hành. Anh Nguyễn Vinh Sử cho biết: hiện công ty đang lên kế hoạch để cùng với hai sinh viên này chế tạo thêm một máy nói trên để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp do đơn hàng tăng. Chiếc máy thứ hai này sẽ có một ít cải tiến để làm việc hiệu quă hơn so với chiếc máy ban đầu.
Trước đó, vào năm 2010 một nhóm sinh viên của Trường ĐH Lạc Hồng khi thực tập tại đây đã cùng với các kỹ sư của công ty đã chế tạo thành công một chiếc máy tự động lắp đầu mực cho bút xoá, hiện vẫn đang sử dụng hiệu quả.
Máy chạy tốt
Kỹ sư Nguyễn Phan Hoàng Duy, đã làm việc ba năm tại Công ty TNHH Plus Việt Nam, một công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản cho biết: “Hơn ba tháng đi vào hoạt động, máy hoạt động ổn định, chưa xảy ra hỏng hóc nào”.
Trước đây, công đoạn lắp ráp “Limiter A Tape Gear” - bộ phận trục xoay trong sản phẩm bút xóa chỉ dùng lao động thủ công. Tại khâu này, có 4 công nhân làm việc thường xuyên. Mỗi công nhân lắp ráp được khoảng 4.000 sản phẩm/ca. Do lắp ráp bằng tay nên số sản phẩm lỗi chiếm tỷ lệ lớn ở mức 40%. Hiện nay nhờ áp dụng chiếc máy lắp ráp tự động, số công nhân giảm xuống chỉ còn một người. Thời gian hoàn thành một sản phẩm trung bình khoảng 1,5 giây (so với trước là 6 giây). Đặc biệt, nhờ làm bằng máy nên tỉ lệ sản phẩm lỗi đã giảm xuống chỉ còn 12%.
Trả lời thắc mắc, sao không nhập máy về để sản xuất mà lại dùng máy do sinh viên chế tạo? Anh Nguyễn Vinh Sử, Phó phòng Phát triển kỹ thuật của công ty TNHH Plus Việt Nam giải thích: do công ty thường xuyên cho ra đời mẫu mã mới các loại sản phẩm dùng trong văn phòng nên nhập máy từ các nước chi phí sẽ rất cao. Mặt khác, máy nhập cũng khó đáp ứng được công việc do thay đổi sản phẩm, mẫu mã thường xuyên.Vì thế, công ty tin tưởng việc chế tạo máy móc do trong nước nước thực hiện có chi phí thấp, mà vẫn đáp ứng được yêu cầu sản xuất.