Ngoài số lượng lớn sinh viên Việt Nam tham gia, diễn đàn còn có sự góp mặt của 108 đại biểu chính thức tới từ 10 quốc gia gồm Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Đài Loan, Cameroon.
Sáng 22.6, đại diện nhiều Sở ban ngành và các trường đại học trên địa bàn thành phố cùng hàng trăm sinh viên Việt Nam và quốc tế khai mạc diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế TP.HCM (ISSF) năm 2017.
Diễn đàn là hoạt động học thuật quốc tế do Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM, Sở Khoa học&Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi về học thuật, sáng tạo giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên quốc tế và cộng đồng du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài.
ISSF 2017 khai mạc từ ngày 22.6 và sẽ kết thúc ngày 25.6.
Ngoài số lượng lớn sinh viên Việt Nam tham gia, diễn đàn còn có sự có mặt của 108 đại biểu chính thức tới từ 10 quốc gia gồm Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Đài Loan, Cameroon.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và các giải pháp, mô hình, ứng dụng xây dựng thành phố thông minh đang là những chủ đề nóng được nhiều quốc gia và giới khoa học, doanh nghiệp công nghệ quan tâm. Những nội dung đó cũng được chọn làm trọng tâm của diễn đàn lần này.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của giới trẻ và hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, nhất là trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo là cơ hội để các bạn trẻ nhận được chia sẻ từ các chuyên gia cũng như cùng thảo luận, chia sẻ về các vấn đề trong xây dựng thành phố thông minh cũng như các nội dung khác về cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa và các diện giả, đại diện các tổ chức tại lễ khai mạc
Trong chương trình ISSF 2017 có các buổi thảo luận nơi các bạn trẻ trình bày và thảo luận những ý tưởng, kinh nghiệm của mình về những nội dung cụ thể liên quan tới Cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng thành phố thông minh.
Trong đó, có nhiều nội dung đáng chú ý như các mô hình, ý tưởng xây dựng thành phố thông minh trên thế giới, các giải pháp phát triển các dịch vụ trong xây dựng thành phố thông minh và những hoạt động, phương pháp nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử của người dân về thành phố thông minh.
Ngoài các nội dung về học thuật, Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động mang tính giao lưu, kết nối với sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố và các chuyến tham quan tới những trung tâm khoa học công nghệ như Khu Công nghệ cao TP.HCM và di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.