Phóng sự ảnh Thứ ba, 19/03/2024 , 06:47 pm
Cập nhật : 03/02/2020 , 11:02(GMT +7)
Sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thương mại hóa từ KH,CN và ĐMST

Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST) sau 6 năm triển khai (2014 – 2019) đã tài trợ được 67 tiểu dự án thuộc 3 hợp phần, tạo ra 50 sản phẩm mới có giá trị gia tăng từ khoa học và công nghệ (KH&CN). Dưới đây là một số sản phẩm tiêu biểu, nổi bật đã và đang được thương mại hóa trên thị trường, đem lại giá trị gia tăng cao cho các đơn vị. 

Qua việc thực hiện tiểu dự án “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để phát triển sản xuất và chế biến tảo xoắn Spirulina trên quy mô công nghiệp và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ tảo”, Công ty CP Khoa học xanh (HIDUMI PHARMA) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm mới, sáng tạo từ ứng dụng các tiến bộ KH&CN và đã được thương mại hóa tốt trên thị trường. Cụ thể: Tảo xoắn Spirulina được chế biến theo các dạng thực phẩm chức năng như: Tảo sấy khô, tảo bột, tảo viên nang, tảo tươi; chế phẩm từ phụ phẩm tảo sử dụng xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản; phụ phẩm tảo làm phân bón hữu cơ trên rau ăn lá/cây ăn quả; sản phẩm thuốc Chlorin e6;...
 
Nhóm hợp tác HCM-Biotech do Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh là thành viên đứng đầu đã nghiên cứu và làm chủ quy trình công nghệ Bioreactor sản xuất rễ tóc sâm Ngọc Linh với thành phần hợp chất Saponin tương đương với rễ tóc sâm Ngọc Linh tự nhiên. Từ đó sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chức năng dưới dạng các sản phẩm nước uống sâm, viên nang, cao sâm bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Các sản phẩm hiện đã được thị trường đón nhận và đem lại giá trị kinh tế cao cho đơn vị. 
 
Nhóm hợp tác gồm 5 thành viên do Công ty cổ phần Nhà máy Thiết bị y học và vật liệu sinh học (MEDEP) làm thành viên đứng đầu đã làm chủ đồng bộ các qui trình công nghệ sản xuất chỉ khâu phẫu thuật kháng khuẩn Nano bạc từ khâu chế tạo chất kháng khuẩn nano đến khâu phủ chất kháng khuẩn nano lên sợi chỉ khâu, dập kim vào chỉ đóng gói và tiệt trùng sản phẩm sử dụng trong y tế công suất 2 triệu m/năm. Việc tự nghiên cứu, sản xuất chất kháng khuẩn Nano bạc với chi phí chưa bằng 1/10 so với nhập khẩu đã giúp đơn vị này giảm được giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. 
 
Thông qua việc thực hiện tiểu dự án "Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ sợi cho ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm", nhóm hợp tác An Phước gồm 7 thành viên là các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà khoa học do Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước là thành viên đứng đầu đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, tách, xử lý sợi cây gai xanh bằng các chủng vi sinh đặc hiệu, công nghệ trong sản xuất hàng gia dụng, công nghệ chế biến phân hữu cơ nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ cây gai xanh tại Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, góp phần đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu của ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm. Đồng thời tận dụng được các phụ phẩm của cây gai để phục vụ sản xuất bao bì, đồ hộp tự huỷ và tận dụng lá cây gai làm phân hữu cơ sinh học.
 

Với việc hoàn thiện tiểu dự án “Sản xuất bột đạm chất lượng cao từ ấu trùng ruồi lính đen bằng công nghệ thủy phân enzyme góp phần thay thế nguyên liệu nhập khẩu trong ngành thức ăn chăn nuôi”, nhóm hợp tác gồm các đơn vị: Công ty TNHH Marine Functional VietNam, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, Công ty CP Thương mại và Giao nhận Biển Việt, Trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQGHN), Công ty CP Dược thú y Trung Anh đã nghiên cứu, sản xuất thành công các sản phẩm từ ruồi lính đen gồm: bột đạm thủy phân, dầu ấu trùng, phân bón hữu cơ vi sinh. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam có giấy phép nuôi ruồi, có nhà máy chế biến ruồi và cho ra các sản phẩm từ ruồi lính đen. Với quy mô sản xuất hiện tại, dự án có thể cung cấp cho thị trường 8.000 tấn bột ruồi, 3.000 tấn dầu, hơn chục nghìn tấn phân bón mỗi năm. 
Với sự hỗ trợ của Dự án FIRST thông qua tiểu dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ chọn tạo giống ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu điều kiện bất thuận thích ứng với biến đổi khí hậu”, Viện Nghiên cứu Ngô đã làm chủ công nghệ chọn tạo dòng ngô đơn bội kép bằng cây kích tạo đơn bội, rút ngắn ½ thời gian tạo dòng thuần và nâng cao hiệu quả chọn tạo giống ngô lai; làm chủ công nghệ chọn tạo giống ngô lai bằng chỉ thị phân tử kết hợp phương pháp truyền thống để tạo giống ngô năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu các điều kiện bất thuận sinh học và phi sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. 5 giống ngô lai do Viện nghiên cứu đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống.
 
Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã thực hiện thành công tiểu dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống loài dược liệu Thông đất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững”. Cụ thể, đã lựa chọn được 6 xuất xứ Thông đất và đăng ký được bản quyền trình tự gen 11 đoạn gen đặc trưng Thông đất trên ngân hàng gen thế giới; xây dựng được vườn giống gốc Thông đất 0,5 ha có chất lượng cao phục vụ nuôi trồng sản xuất dược liệu. Giống Thông đất – TN10 đã được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
 
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã làm chủ công nghệ chọn tạo và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có đặc tính nổi trội, giá trị kinh tế cao. Góp phần đảm bảo sự tự chủ của Viện. Cụ thể, 4 giống lúa mới trong đó có 2 giống (OM20 và OM108) có thể thay thế giống IR50404 do có năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất lợi và tính thích nghi cao hơn; 2 giống (OM355 và OM375) có phẩm chất tương đương Jasmine 85 nhưng năng suất cao hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn và có thể bổ sung vào cơ cấu giống lúa thơm, chất lượng cao cho sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước. Sau khi kết thúc tiểu dự án FIRST, doanh thu của Viện đã tang 118% so với năm trước, tăng năng lực tự chủ lên 40%. 
Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu (KEYLAP PRT) đã làm chủ công nghệ và thương mại hóa trên 10 sản phẩm sau khi hoàn thiện tiểu dự án "Nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể và vật liệu nano trong lĩnh vực lọc dầu sinh học, sản xuất năng lượng vì sự phát triển bền vững" thuộc Dự án FIRST. Theo đánh giá của GS.TS Vũ Thị Thu Hà – Giám đốc KEYLAP PRT, từ trước đến nay, nhiều tổ chức KH&CN đã được thụ hưởng sự hỗ trợ đến từ nhiều dự án đầu tư khác nhau, nhưng để đầu tư “đến ngưỡng”, sao cho các tổ chức KH&CN thực hiện chuyển đổi thành công theo mô hình tự chủ như chủ trương của Chính phủ thì mô hình đầu tư của Dự án FIRST là hợp lý, mang ý nghĩa lớn nhất, đảm bảo cho các tổ chức KH&CN vượt lên mọi rào cản để tự chủ.
Với sự hỗ trợ từ Dự án FIRST, Công ty CP Dịch vụ và Truyền thông Minh Việt đã làm chủ công nghệ tăng cường thực tế, nhận diện hình ảnh, machine learning,… trong lĩnh vực ứng dụng cho các sản phẩm giáo dục, quảng cáo và giải trí. Đồng thời, thiết kế thành công bộ phần mềm hỗ trợ giáo dục ứng dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo magicbook và đã được cấp 8 quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đồ chơi magicbook và phần mềm hỗ trợ giáo dục. Công ty đã thương mại hóa, bán được hơn 15.000 sản phẩm sau 1 năm, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Sản phẩm của Công ty đã đạt giải Ba lĩnh vực công nghệ thông tin Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2018. 
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM - đơn vị sự nghiệp công lập đã được Bộ KH&CN hỗ trợ thông qua Dự án FIRST thực hiện tiểu dự án “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc phục vụ điều trị một số bệnh trên người”. Cụ thể, được đầu tư đồng bộ các phòng thí nghiệm, các thiết bị quan trọng trong nghiên cứu như máy phân lập, đánh giá tế bào gốc, máy nuôi cấy tế bào gốc quy mô lớn; xây dựng Phòng thí nghiệm thử nghiệm các đặc tính sinh học theo chuẩn ISO 17025 và Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Sản xuất thực nghiệm. Viện đã tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và làm chủ công nghệ tế bào gốc để sản xuất thuốc tế bào gốc và hiện đã chuyển giao cho nhiều đơn vị trong và ngoài nước. Doanh thu sau 1 năm tăng gấp 5 lần. 
Nhóm hợp tác gồm 8 thành viên do Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông làm thành viên đứng đầu đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa vào sử dụng 8 loại đèn LED chuyên dụng chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ 6 lĩnh vực chiếu sáng khác nhau gồm nuôi cấy mô, trồng rau sạch, nuôi tảo, chiếu sáng ra hoa cây thanh long, chiếu sáng ra hoa cây hoa cúc và chiếu sáng chuyên dụng cho ngư nghiệp (đèn đánh bắt cá, đèn sinh hoạt, đèn cabin). 

Với việc hoàn thiện tiểu dự án “Hiện đại hóa công nghệ sản xuất cá biển quy mô công nghiệp ở Việt Nam nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm”, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã hoàn thiện và hiện đại hóa công nghệ sản xuất cá chim vây vàng Trachinotus spp theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, dinh dưỡng-thức ăn, di truyền-chọn giống, quản lý môi trường và bệnh tới thương mại hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ. Quy mô sản xuất cá giống đạt 1 triệu con giống/vụ, quy mô nuôi thương phẩm bằng lồng biển đạt 200 tấn/vụ, giá thành sản xuất đạt <70.000 đồng/1kg. Doanh thu của Viện đã tăng lên đáng kể, dự kiến theo kế hoạch có thể trở thành đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính vào năm 2023. 
 
Với sự đầu tư từ Dự án FIRST, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã hợp tác với các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình công nghệ chế tạo vật liệu tản nhiệt; thiết kế, chế tạo thành công các sản phẩm đèn Led sử dụng kem tản nhiệt chứa thành phần Graphene và Graphene/CNTs gồm: đèn pha LED công suất 500W; đèn đường LED công suất 100W; đèn đường LED công suất 100W; đèn đường LED công suất 150W; đèn đường LED công suất 200W. Công nghệ tản nhiệt nano gia cường Grapheme cho đèn Led do Viện nghiên cứu đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Công nghệ và Xúc tiến thương mại Haledco.
Tận dụng bã thải nấm men từ việc sản xuất bia, nhóm Hợp tác nghiên cứu FIRST - BCC do Công ty cổ phần Hóa sinh Việt Nam là thành viên đứng đầu đã ứng dụng công nghệ để sản xuất ra chế phẩm β-glucan và probiotic - đa enzyme sử dụng trong nuôi tôm công nghiệp thay thế kháng sinh và hoá chất diệt khuẩn độc hại. Các chế phẩm có tác dụng kích thích miễn dịch, kháng khuẩn, kháng virus, tăng cường sức đề kháng cho tôm, nâng cao giá trị tôm nuôi. Công ty đã thử nghiệm quy trình “Nuôi tôm sạch và bền vững - không sử dụng kháng sinh, hóa chất diệt khuẩn độc hại” sử dụng các sản phẩm của dự án tại cơ sở nuôi tôm ở Hoằng Hóa – Thanh Hóa và đã thương mại hóa thành công các sản phẩm của dự án. Đây là kết quả của mô hình hiệu quả từ sự kết hợp giữa các tổ chức KH&CN với các doanh nghiệp, đưa những kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế nhanh hơn, hiệu quả hơn. 

Hạnh Nguyên 
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner