Chính sách KH&CN Thứ năm, 28/03/2024 , 07:21 pm
Cập nhật : 08/06/2017 , 09:06(GMT +7)
Sản phẩm IP tiền tỷ, chờ người dùng chung
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến (thứ 2 từ trái qua) chứng kiến việc trao bản kết quả định gi
Ngày 7-6, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch TPHCM (ICDREC - ĐH Quốc gia TPHCM) đã công bố định giá 21 bộ sản phẩm vi mạch mà ICDREC đã xây dựng được.

Các sản phẩm này được phát triển dựa vào nguồn đầu tư của Bộ KH&CN cũng như từ Chương trình nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch thuộc Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 - 2020. 

Trên 290 tỷ đồng cho sản phẩm IP
 
Sản phẩm IP gồm các sản phẩm vi mạch và các sản phẩm được ứng dụng. Các sản phẩm vi mạch gồm: các chip vi xử lý 8 bit và 32 bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 8 bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 32 bit; các lõi IP xử lý tín hiệu số và xử lý ảnh; các lõi IP chip Analog và Mix-signal. Còn các sản phẩm được ứng dụng gồm: điện kế điện tử; thiết bị giám sát hành trình; sản phẩm ứng dụng RFID; hệ thống đèn chiếu sáng… 
 
Với Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 -2020, các sản phẩm vi mạch đã thành danh và trở thành sản phẩm thương mại như chip thương mại SG8V1. Đây là chip vi điều khiển thương mại đầu tiên của Việt Nam, được công bố vào năm 2014, đã sản xuất 150.000 chip thương mại. Chip vi điều khiển SG8V1 có nhiều tính năng có thể sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện, điện tử  và đặc biệt chip này có khả năng tùy biến và tích hợp các công nghệ bảo mật phục vụ an ninh quốc phòng, bảo mật thông tin quốc gia… Hay chip vi điều khiển 8 bit SigmaK3, công bố tháng 1-2008, là chip vi xử lý đầu tiên thiết kế thành công tại Việt Nam, đặt nền móng cho ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam. Chip vi điều khiển 32 bit VN16-32LP, công bố năm 2014 được cải tiến với nhiều tính năng vượt trội: công suất thấp, tiết kiệm năng lượng, tốc độ cao, là chip thương mại 32 bit tiếp theo, sau chip thương mại 8 bit SG8V1…
 
Các sản phẩm được ứng dụng như điện kế điện tử 1 pha/3 pha, sử dụng chip vi điều khiển SG8V1 (ICDREC). Theo đó, điện kế điện tử 1 pha/3 pha phù hợp tiêu chuẩn quốc tế IEC 62052-11, IEC 62053-21 và tiêu chuẩn ngành điện Việt Nam. Sản phẩm này còn cho phép lập trình nhiều biểu giá, đo đếm và trả dữ liệu theo thời gian thực; cảnh báo từ xa, chống gian lận điện… Sản phẩm là khởi đầu cho giai đoạn các sản phẩm do Việt Nam sản xuất và làm chủ công nghệ sẽ từng bước thay thế các sản phẩm nhập ngoại, đặc biệt trong ngành điện. Hay sản phẩm thẻ và đầu đọc RFID, sử dụng chip vi điều khiển SG8V1 và RFID HF, RFID UHF (ICDREC). Đây là hệ thống các loại đầu đọc RFID và thẻ RFID, sản phẩm của dự án KH-CN lớn nhất Việt Nam “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”.
 
Sản phẩm IP gồm các sản phẩm vi mạch và các sản phẩm được ứng dụng là một “kho tài sản” và Trung tâm ICDREC đã mời đơn vị định giá độc lập là Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH-CN) xác định giá trị công nghệ thiết kế các sản phẩm vi mạch và các sản phẩm ứng dụng nói trên với kết quả xác định giá trị các sản phẩm nói trên là 290,404 tỷ đồng. 

Xây dựng “kho” tập trung 

Trong định giá các giá trị các sản phẩm IP nói trên là 290,404 tỷ đồng thì ICDREC cũng đã chuyển giao (không độc quyền) một số công nghệ này. Trong giá trị các sản phẩm IP có thể thấy về hiệu quả đầu tư KH-CN được thể hiện cụ thể: Đầu tư từ nhà nước (từ  Bộ và Sở KH-CN TPHCM) là 213 tỷ đồng; giá trị công nghệ hiện đang sở hữu 290 tỷ đồng; doanh số chuyển giao công nghệ: 68 tỷ đồng; doanh số sản xuất rồi cung cấp thiết bị dựa vào công nghệ 31 tỷ đồng…
 
Trong hoạt động của ICDREC có hoạt động chuyển giao công nghệ không độc quyền nên nhà nước không mất công nghệ mà vẫn có thể tiếp tục chuyển giao. Mới đây, Công ty CP Công nghệ SENVI (Smart Electricity Network of Vietnam) vừa chính thức ra mắt tại Sở KH-CN TPHCM, là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực KH-CN. Đây là đơn vị thứ hai, sau Công ty CP Phần mềm hiệu năng cao Việt Nam (VHES), được ra mắt vào tháng 3-2017, là công ty khởi nghiệp từ Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. Trung tâm ICDREC đã chuyển giao công nghệ cho SENVI trị giá 6 tỷ đồng, còn chuyển giao cho VHES trị giá 3 tỷ đồng và đây cũng là chuyển giao không độc quyền, ICDREC vẫn có quyền chuyển giao cho đơn vị khác. 
 
Tuy nhiên, theo ICDREC, để nâng cao hiệu quả sử dụng giá trị IP, ICDREC kiến nghị nhà nước hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện các sản phẩm vi mạch và ứng dụng nhằm thúc đẩy quá trình kinh doanh và chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi một số IP đang có sẵn sang công nghệ mới SOTB (FD-SOI) nhằm tạo ra các IP có giá trị hơn và cần nguồn kinh phí xứng đáng cho việc đào tạo và hợp tác quốc tế nhằm nâng cao đội ngũ thiết kế. Song song đó, cần hình thành Trung tâm thiết kế vi mạch (Design House) giao cho một đơn vị quản lý để tập hợp các IP từ các trường đại học, các trung tâm R&D, các công ty thiết kế vào đây. Như thế, Design House sẽ là kho chứa các sản phẩm IP, được khai thác hiệu quả thư viện IP, rút ngắn thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm, giảm chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm (mua thư viện IP, mua license) .

 

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner