Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 06/11/2024 , 11:26 am
Cập nhật : 24/02/2014 , 08:02(GMT +7)
Sàn giao dịch công nghệ không chỉ là nơi mua và bán
Sàn giao dịch công nghệ là khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều người. Đây là một trong những yếu tố quyết định tới sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ (KHCN) nước nhà. Tuy nhiên, để sàn giao dịch công nghệ thực sự sôi động và hiệu quả cùng với việc thiết lập và bảo đảm nguồn cung - cầu… thì điều cần thiết và quan trọng là cần hoàn thiện hành lang pháp lý.

Thiếu hành lang pháp lý

Sàn giao dịch công nghệ (SGDCN) thực chất là một hình thức hoạt động của thị trường KHCN bên cạnh các phiên chợ công nghệ và thiết bị (Techmart). Đây là phương thức tuy mới hình thành nhưng có nhiều khởi sắc và hứa hẹn những tiềm năng to lớn. Số lượng các giao dịch công nghệ và thiết bị đang không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Cục Thông tin KHCN Quốc gia, chỉ tính 4 sàn giao dịch tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng và Hải Phòng trong 3 năm từ 2011 đến 2013, lượng giao dịch công nghệ lên tới 4.568 lượt với tổng giá trị là 5.693 tỷ đồng.

Mặc dù Luật KHCN 2013 và Quyết định 2075/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển thị trường KHCN đến năm 2020 đã đề ra định hướng thiết lập mạng lưới SGDCN trong phạm vi cả nước nhưng tới nay vẫn chưa có khái niệm hoàn chỉnh về hình thức hoạt động này. Thực tế ghi nhận nhiều tỉnh, thành phố thành lập SGDCN riêng nhưng vẫn đơn thuần là đơn vị trung gian kết nối cung cầu, thực chất mới chỉ là bước phát triển cao hơn của chợ công nghệ. Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, để được coi là SGDCN, bản thân không chỉ là nơi kết nối người bán với người mua mà còn phải hỗ trợ chủ sở hữu đăng ký quyền tác giả, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu từ ý tưởng đến công nghệ để ra đời sản phẩm cuối cùng là máy móc và thiết bị. Các sản phẩm từ sàn phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, minh bạch hơn so với chợ công nghệ, hướng đến việc tạo nguồn cung ổn định thông qua việc duy trì sự kết nối với các nhà khoa học, các trường đại học và các viện nghiên cứu, các công ty công nghệ trong và ngoài nước. Song, không phải SGDCN nào cũng thể hiện đầy đủ vai trò của mình. Điều đó xuất phát từ việc thiếu định nghĩa rõ ràng về SGDCN trong các văn bản pháp luật.

Mặt khác, yếu tố quyết định sự thành bại của SGDCN, thể hiện sự vượt bậc so với chợ công nghệ là chức năng tư vấn, bảo đảm lợi ích của các bên khi tham gia giao dịch vẫn chưa có quy định điều chỉnh. Thế nhưng, đến nay, các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp tư vấn còn khiêm tốn, đơn cử như trong các giải pháp kích cầu, doanh nghiệp tư vấn bị loại khỏi đối tượng được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, SGDCN rất đa dạng về hình thức có thể là sàn thực, sàn ảo hoặc kết hợp cả hai hình thức này. Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có quy chế hoạt động sàn giao dịch cũng như văn bản pháp lý hoàn chỉnh quy định về hoạt động của nó. Đây cũng là lý do khiến cho việc thành lập SGDCN còn mang tính tự phát, nội dung hoạt động ở các địa phương đã hình thành còn chồng chéo, trùng lặp về chức năng.

Khó đủ đường

Không chỉ thiếu hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển hệ thống SGDCN trên cả nước, hoạt động của SGDCN còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà trước hết là ở nguồn cung. Thực tế đã từng ghi nhận có trường hợp SGDCN sau một thời gian dài hoạt động nhưng không có doanh nghiệp nào giao thương, cuối cùng phải giải thể. Mặc dù thời gian gần đây, số lượng và giá trị giao dịch mua bán, chuyển giao thiết bị công nghệ, duy trì công nghệ đã thực hiện qua sàn có xu hướng tăng cao hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, con số này thực sự chưa cao bởi hiện nay, đa phần các doanh nghiệp chủ yếu thông qua quan hệ đối tác, giới thiệu cá nhân nên hoạt động giao dịch chưa thực sự bài bản. Nhiều chuyên gia cho biết, nguồn cung về công nghệ còn khá khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với các sàn giao dịch này do chưa thấy được lợi ích của mình khi tham gia.

Bên cạnh đó, người mua và người bán vẫn chưa có thói quen chuyển giao công nghệ, người bán công nghệ thường khó tiếp cận người mua vì hạn chế đầu mối hoặc kênh thông tin kết nối để đáp ứng công nghệ đúng nhu cầu mua bán. Mặt khác, những thiết bị, công nghệ được giới thiệu trên sàn còn hạn chế về số lượng và chủng loại; hàm lượng khoa học có trong các công trình nghiên cứu chưa nhiều, ít qua chọn lọc. Phần lớn các sàn đang gặp khó khăn trong việc nắm bắt, cập nhật nhu cầu đổi mới, tiếp thu công nghệ như tìm kiếm, bổ sung kịp thời thiết bị công nghệ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Thêm nữa, không phải sàn giao dịch nào cũng thực hiện tốt nhiệm vụ ưu tiên thương mại hóa công nghệ được tạo ra từ các trường, viện, nhà sáng chế trong nước.

Đối tượng giao dịch là sản phẩm trí tuệ nên không phải cá nhân, tổ chức nào đến với SGDCN cũng có thể hiểu và phát hiện nhữäng ưu điểm phục vụ sản xuất của các sản phẩm này, điều đó đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực lành nghề tham gia hoạt động tại sàn. Theo Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN Phạm Văn Diễn, các nhân lực làm việc ở sàn giao dịch đòi hỏi phải là những nhà khoa học, những người giỏi về công nghệ; phải biết được những kỹ năng, những phương pháp định giá, đánh giá, giới thiệu, phát hiện công nghệ, kết nối giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp, nhà sáng chế. Thiết nghĩ, đây là yêu cầu không dễ thực hiện trong bối cảnh thị trường KHCN nước ta chưa phát triển mạnh.

Thực tế đó đã cho thấy, cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao về thương mại kỹ thuật, đa dạng hóa các nguồn cung cầu công nghệ, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho SGDCN cũng là điều vô cùng cần thiết, bảo đảm cho hoạt động tổ chức, quản lý được thực hiện hiệu quả. Có như vậy, SGDCN mới mang đầy đủ ý nghĩa, không chỉ đơn thuần là nơi kết nối cung cầu, nơi mua và bán mà thực sự đóng vai trò chắp cánh giá trị cho các sản phẩm công nghệ trong nước.

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner