Tăng tỉ trọng “công nghệ” được chọn lọc và giới thiệu lên sàn giao dịch công nghệ (SGDCN); chủ động và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ “trọn gói” cho các bên có nhu cầu đặt hàng, chào hàng và thực hiện các giao dịch công nghệ thông qua SGDCN; ưu tiên thương mại hóa các công nghệ được tạo ra từ các trường, viện, nhà sáng chế trong nước; nâng cao năng lực tư vấn lựa chọn công nghệ;…
Đó là một số giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của các SGDCN được đưa ra tại tọa đàm “Kết nối sàn giao dịch công nghệ” do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN Nghệ An phối hợp tổ chức ngày 13/11, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Buổi tọa đàm được tổ chức với mục đích hỗ trợ xây dựng và phát triển mạng lưới xúc tiến GDCN và nhân dịp khai trương Sàn giao dịch công nghệ tại Nghệ An.
Tới dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền; Vụ trưởng – Trưởng Cơ quan đại diện của Bộ KH&CN tại TP. Hồ Chí Minh Bùi Văn Quyền; lãnh đạo và cán bộ một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng các doanh nghiệp có sản phẩm giao dịch ở SGDCN;…
Các tham luận tại tọa đàm đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực này như: Sự cần thiết liên kết hoạt động giữa các SGDCN; Thách thức và cơ hội cho việc phát triển SGDCN tại Việt Nam; Vai trò của công tác truyền thông trong hỗ trợ hoạt động SGDCN; Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất phương thức hợp tác giữa các SGDCN tại Việt Nam; Tiềm năng khai thác thương mại hóa kho thông tin sáng chế phục vụ hoạt động của các SGDCN; Pháp luật về định giá và những vấn đề thực tiễn trong định giá công nghệ và tài sản trí tuệ; Sự cần thiết hợp tác công tư trong phát triển SGDCN;…
Thời gian qua, các SGDCN tại địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định. Không chỉ thể hiện ở những con số về số lượng giao dịch, các yêu cầu tư vấn, chào hàng, đặt hàng công nghệ và thiết bị, các SGDCN đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, viện, trường, nhà nghiên cứu, nhà sáng chế, nhà đầu tư đối với yếu tố thị trường trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Một số SGDCN ảo đã trở thành địa chỉ tra cứu thường xuyên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu phát triển.
Tuy nhiên, các SGDCN hầu hết là mới thành lập, tuổi đời dưới 5 năm, cần có sự liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực hoạt động. Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để các tổ chức này thực sự đảm nhiệm được vai trò, chức năng của một SGDCN đúng nghĩa. Trong đó, có các vấn đề như: tăng tỉ trọng “công nghệ” được chọn lọc và giới thiệu lên SGDCN; chủ động và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ “trọn gói” cho các bên có nhu cầu đặt hàng, chào hàng và thực hiện các giao dịch công nghệ thông qua SGDCN; đa dạng hóa các nguồn cung và cầu công nghệ, trong đó ưu tiên thương mại hóa các công nghệ được tạo ra từ các trường, viện, nhà sáng chế trong nước, đồng thời kết nối nhiều nguồn cung công nghệ thuộc thế mạnh của các nước khác nhau; nâng cao năng lực tư vấn lựa chọn công nghệ, năng lực chuyên gia đánh giá, định giá công nghệ, dịch vụ pháp lý về chuyển giao công nghệ, li-xăng quyền sở hữu trí tuệ;…
Cũng theo Thứ trưởng, những vấn đề đó chỉ có thể giải quyết được bằng các giải pháp mang tính hệ thống. Trong đó, các cơ quan chức năng ở Trung ương phải sát cánh cùng các sở KH&CN địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho SGDCN. SGDCN chỉ có thể tồn tại và phát triển được nếu tạo được và duy trì hiệu quả mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các Sàn và giữa Sàn với hệ thống cơ quan chức năng, tổ chức chuyên môn, tổ chức truyền thông hỗ trợ hoạt động của các SGDCN.
Nguyễn Hạnh