Sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014” kế thừa và bổ sung những nội dung của cuốn sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2013”, tiếp tục hoàn chỉnh bức tranh khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam. Đây là nguồn thông tin quan trọng đóng góp cho việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
TS. Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã chia sẻ với độc giả xoay quanh vấn đề này.
PV: Là chủ biên của cuốn sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014”, xin ông cho biết, mục đích của việc biên soạn cuốn sách này?
TS. Lê Xuân Định: Thông thường, trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều xuất bản những ấn phẩm cung cấp thông tin tổng quan, toàn diện về kết quả hoạt động của ngành hoặc lĩnh vực đó cho các nhà lãnh đạo, quản lý và công chúng. Trong lĩnh vực KH&CN cũng như vậy, sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam được biên soạn nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhà quản lý KH&CN, nhà nghiên cứu và xã hội nói chung về hoạt động KH&CN của nước nhà.
Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cung cấp một bức tranh toàn cảnh với số liệu chính thống, cập nhật về hoạt động KH&CN Việt Nam, đặc biệt trong cuốn sách này có nội dung công bố số liệu điều tra chính thức, phân tích sâu về nhân lực, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đối với các nhà lãnh đạo, quản lý thì đây chính là cơ sở quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định dựa trên cứ liệu thực tế (evident base decision making).
Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cũng được Bộ KH&CN biên soạn với mục đích công khai và minh bạch hóa thông tin về các hoạt động KH&CN đối với xã hội, để công chúng thấy rõ hơn về các hoạt động KH&CN đang diễn ra trong nước, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các hoạt động KH&CN đúng theo tinh thần của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18.5.
PV: Đâu là điểm nhấn, điểm mới của sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014, thưa ông?
TS. Lê Xuân Định: Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 giới thiệu đến độc giả kết quả cuộc điều tra về nhận thức của công chúng về KH&CN (lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam) cho thấy những kết quả khá thú vị. Trên cơ sở đó, giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đưa ra những chính sách phù hợp để nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các hoạt động KH&CN.
PV: Được biết, đây là lần đầu tiên Bộ KH&CN có cuộc điều tra nhận thức của công chúng về KH&CN. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả cuộc điều tra này?
TS. Lê Xuân Định: Điều tra nhận thức công chúng về KH&CN nhằm mục đích thu thập và phân tích các dữ liệu về nhận thức của công chúng, mối quan tâm và sự hiểu biết của họ về KH&CN, cũng như quan điểm của công chúng đối với KH&CN.
Điều tra nhận thức công chúng về KH&CN được tiến hành theo phương pháp luận và chuẩn mực quốc tế, đối tượng là cá nhân trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên, trừ khu vực an ninh, quốc phòng) ở các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thuộc 3 nhóm: Người làm việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp; Người làm việc trong khu vực doanh nghiệp (phi nông nghiệp); Người làm việc trong khu vực nông nghiệp.
Kết quả điều tra cho thấy, chuyên mục KH&CN đứng thứ tư về mức độ rất được quan tâm của công chúng (26%) trong 6 chuyên mục được hỏi, sau chuyên mục thời sự, chính trị được quan tâm nhất với tỷ lệ người rất quan tâm đạt 32%, tiếp đến là chuyên mục y tế, sức khỏe (31%) và chuyên mục kinh tế, xã hội (29%), đứng trên 2 mục: giải trí và thể thao.
Về phương thức thu thập các thông tin KH&CN, phổ biến nhất là ti vi chiếm 19%; tiếp theo là thông qua internet chiếm tỷ lệ 17%; thu thập qua các kênh báo chí chiếm 15%.
Về mức độ tiếp cận những kiến thức về KH&CN, 81% số người được điều tra biết về hóa học trị liệu, 86% biết về công nghệ sinh học, 89% biết về năng lượng mặt trời, 77% biết về thương mại điện tử, 84% biết về hiệu ứng nhà kính, 95% biết về ô nhiễm không khí, 84% biết về lỗ thủng tầng ôzôn, 98% biết về cúm gia cầm (H5N1, H7N9), 75% biết về nhân bản vô tính, 45% biết về băng thông rộng, 61% biết về trạm vũ trụ quốc tế, 53% biết về điện toán đám mây, 92% biết về biến đổi khí hậu, 89% biết về nước biển dâng, 78% biết về sinh vật biến đổi gen và 59% biết về động đất kích thích. Điều này cho thấy, công chúng nhận thức rất tốt các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường sống, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Kết quả điều tra cũng cho thấy nhận thức về các kiến thức KH&CN của phần lớn những người được hỏi là chính xác.
Tuy nhiên, có một số lĩnh vực mà hơn nửa số người được hỏi còn mơ hồ, như các lĩnh vực liên quan đến băng thông rộng, điện toán đám mây, động đất kích thích.
Có tới 82% công chúng cho rằng, nghiên cứu khoa học có nhiều tác động tích cực hơn tác động tiêu cực. Đánh giá tác động về KH&CN lên các khía cạnh trong cuộc sống thu được kết quả là y tế công cộng được công chúng đánh giá cao nhất về tác động tích cực tới đời sống.
Đánh giá về nhận định cần tăng cường đầu tư cho KH&CN có tới 88% số người được hỏi cho rằng, cần tăng cường đầu tư cho KH&CN, chỉ có 2% số người cho rằng không cần tăng cường đầu tư cho KH&CN.
Theo kết quả điều tra, có tới 90% số người được hỏi đều đánh giá KH&CN có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống. Đồng thời, đa số những ý kiến này cũng cho rằng, chúng ta cần có kiến thức về khoa học để cuộc sống hàng ngày của chúng ta tốt đẹp hơn.
Như vậy, qua kết quả điều tra cho thấy, KH&CN là lĩnh vực bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, công chúng mới chỉ biết đến mà chưa biết sâu những kiến thức KH&CN, con đường tiếp cận thông tin về KH&CN của công chúng chủ yếu qua TV và Internet, công chúng đánh giá cao mức độ tác động, vai trò cải thiện cuộc sống của KH&CN.
Với kết quả điều tra ban đầu này, tôi hy vọng rằng, trong những cuộc điều tra tiếp theo sẽ có sự tham gia tích cực từ phía công chúng để chúng ta có một bức tranh toàn diện hơn về nhận thức của công chúng về KH&CN. Kết quả điều tra này sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách có những quyết sách hợp lý để thúc đẩy KH&CN Việt Nam phát triển.
PV: Trong cuốn sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cũng đã hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan đến KH&CN. Đây được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng để KH&CN phát triển. Với hệ thống văn bản pháp luật như vậy, liệu đã đủ điều chỉnh bao phủ lĩnh vực KH&CN để bảo đảm cho KH&CN phát triển theo yêu cầu hiện nay chưa, thưa ông?
TS. Lê Xuân Định: Năm 2014 được coi là năm hành động của ngành KH&CN với 8 nghị định và 52 quyết định của Thủ tướng và Thông tư hướng dẫn được ban hành, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật KH&CN. Hệ thống các văn bản này đã giải quyết những nút thắt, giải phóng sức sáng tạo của nhà khoa học với hàng loạt các cơ chế và chính sách đổi mới.
Những chính sách, cơ chế này tuy là mới ở Việt Nam nhưng đã là thông lệ trên thế giới trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Tôi tin rằng, với việc quán triệt tinh thần đổi mới của Nghị quyết 20-NQ/TƯ và việc triển khai triệt để Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan sẽ là luồng gió mới để KH&CN Việt Nam có một diện mạo mới.
Bài, ảnh: Bảo Chi (lược ghi)