Tiềm lực KH&CN Thứ năm, 28/03/2024 , 09:26 pm
Cập nhật : 04/09/2021 , 18:09(GMT +7)
R&D và phát triển kinh tế - Bài học từ Hàn Quốc
R&D có vai trò quan trọng trong đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế (Ảnh: Văn Nguyên)
Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tổ chức SIRO’s Data61 của Úc đã hợp tác tiến hành một nghiên cứu chung nhằm phân tích, đánh giá một cách khoa học các giai đoạn phát triển công nghệ hiện tại ở Việt Nam cũng như những đóng góp của các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) khác nhau đối với quá trình đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Đây là một công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các ngành của Việt Nam trong việc đưa ra các quyết định đầu tư cho giai đoạn phát triển tiếp theo trong thời đại phát triển nền công nghiệp 4.0.

Bài 1: R&D tại các nước đang phát triển và câu chuyện tại Việt Nam

Báo cáo đánh giá “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế” được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao ở phương pháp nghiên cứu khoa học, phân tích chuyên sâu, cũng như đưa ra được những khuyến nghị chính sách rất cụ thể và khả thi.

Xuyên suốt báo cáo là quan điểm nhấn mạnh tầm quan trong của đổi mới khoa học công nghệ, đặc biệt là tầm quan trọng của Nghiên cứu & Phát triển (R&D) trong đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế.

Báo cáo là một phân tích toàn diện đáng xem xét về R&D tại Việt Nam và làm thế nào để áp dụng những bài học kinh nghiệm từ các nước láng giếng thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… trong thúc đẩy và lấy R&D là động lực chính để đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI và tăng ưu thế cạnh tranh…

R&D để công nghệ chuyển giao ra thị trường và tạo giá trị

Theo báo cáo, R&D ở các nước đang phát triển chủ yếu tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm/quy trình mới đối với thị trường/quốc gia hoặc mới đối với ngành, thay vì việc tạo ra các sản phẩm/quy trình mới đối với thế giới.

Theo quan điểm kinh doanh, R&D là quá trình tích lũy và sáng tạo kiến thức và/hoặc công nghệ. Cụ thể, các doanh nghiệp sử dụng kho tri thức hiện có (trong nước hoặc nước ngoài) cùng với các yếu tố đầu vào khác (vốn, lao động) để tạo ra đầu ra là tri thức mới và các phát minh mới (sáng tạo công nghệ). Với trình độ phát triển ở các nước đang phát triển, các hoạt động R&D chủ yếu tập trung vào việc tạo ra kiến thức, phát minh mới đối với thị trường/quốc gia hoặc mới đối với ngành chứ không phải mới đối với thế giới.

Các hoạt động R&D có xu hướng dẫn đến những đổi mới căn bản, có thể đem đến những thay đổi đáng kể và đột phá đối với các sản phẩm và quy trình do doanh nghiệp cung cấp dựa trên kiến thức khoa học hoặc công nghệ mới, hoặc sự kết hợp mới từ những tri thức KH&CN hiện có. Các hoạt động này cũng làm tăng khả năng cho các doanh nghiệp hay khu vực đạt được tiêu chuẩn công nghệ cao hơn và dẫn đến gia tăng năng suất, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản xuất.

R&D có thể diễn ra trong tất cả các lĩnh vực KH&CN (khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn) và bao gồm ba hoạt động chính: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển thực nghiệm. Tuy nhiên, trong khu vực tư nhân, hầu hết các hoạt động R&D là hoạt động kỹ thuật và nghiên cứu ứng dụng.

Ở nhiều nước đang phát triển, khu vực doanh nghiệp có xu hướng thực hiện R&D ít hơn so với khu vực chính phủ và các khu vực đào tạo đại học công. Các hoạt động R&D trong khu vực doanh nghiệp thường được thực hiện bởi một số doanh nghiệp có quy mô lớn, có trình độ cao. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp này có thể tạo ra các viện R&D “độc lập” với ngân sách và nguồn nhân lực R&D đáng kể.

Cần  thương mại hóa để hiện thực hoá tác động của các công nghệ mới được tạo ra từ quá trình R&D

Sự hạn chế của khu vực doanh nghiệp trong triển khai R&D có thể phản ánh các vấn đề về cơ cấu của các nước đang phát triển. Ví dụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm ưu thế ở các nước đang phát triển, có thể hướng tới việc ưu tiên phục vụ thị trường địa phương nơi có ít áp lực cạnh tranh hơn. Do đó, các hoạt động R&D vẫn diễn ra một cách riêng lẻ mà chưa mang tính hệ thống. Các hoạt động R&D thường là các nhiệm vụ đột xuất để giải quyết các vấn đề phát sinh trong sản xuất. Mặc dù vậy, cũng có một số các doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp đã năng động, sáng tạo và tích cực tiến hành R&D để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp này đang gia tăng vai trò của mình trong việc tạo ra công nghệ ở các nước đang phát triển.

Để hiện thực hoá tác động của các công nghệ mới được tạo ra từ quá trình R&D cần có quá trình thương mại hóa. Rõ ràng, việc chỉ tạo ra các ý tưởng đổi mới là chưa đủ để triển khai công nghệ trên thực tế. Công nghệ cần phải được chuyển giao ra thị trường để thực sự tạo ra giá trị.

Tuy nhiên, thương mại hóa công nghệ là một quá trình phức tạp. Theo Lee et al. (2005), tại Hàn Quốc, tỷ lệ phát triển công nghệ thành công là 96% trong khi tỷ lệ thương mại hóa thành công chỉ là 47,2%.9 Các doanh nghiệp thực hiện thương mại hóa công nghệ mới cần vượt qua một hiện tượng được gọi là “thung lũng chết” đề cập đến sự ngăn cách giữa công nghệ được phát triển trong quá trình R&D với sản phẩm thương mại.

Đầu tư cho R&D tại Việt Nam

Theo báo cáo, mặc dù đã có sự cải thiện trong việc phân bổ nguồn lực cho R&D tại Việt Nam trong những năm gần đây nhưng so với mức đầu tư trung bình của các nước khu vực và quốc tế thì mức đầu tư cho R&D của Việt Nam còn khá thấp. Năm 2019, Ngân sách cho R&D tại Việt Nam bằng 0,53% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng (chỉ có Indonesia và Philippines là có cường độ R&D thấp hơn).

Việc hạn chế nguồn lực đầu tư cho R&D của Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và sức ép nhu cầu đầu tư ở các lĩnh vực khác thì hiển nhiên sẽ khó khăn khi cân nhắc phân bổ nguồn lực vào nghiên cứu phát triển các công nghệ mang tính mới so với thế giới.

Sự hạn chế của nguồn lực R&D thể hiện qua số lượng các nhà nghiên cứu tính trên một triệu dân. Theo so sánh, dù Việt Nam có số lượng nhân lực R&D trên một triệu dân đạt mức trung bình (896 trên một triệu dân năm 2018) nhưng số nhân lực R&D không hề tăng trong giai đoạn vừa qua. Giai đoạn 2014–2018, tốc độ tăng trưởng luỹ kế của lực lượng lao động trong lĩnh vực R&D là 1,2% so với 63% tại Thái Lan, 12% tại Trung Quốc và 15% tại Hàn Quốc. Nhìn chung, tỉ lệ nhân lực làm R&D trên dân số của Việt Nam tương đối thấp so với các quốc gia khác, tỉ lệ này chỉ tương đương 20% so với tỷ lệ trung bình của khu vực EU, tương đương 7,6% của Hàn Quốc, tương đương 29,8% của Malaysia, tương đương 58% của Thái Lan. Nguồn nhân lực R&D của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực nhà nước (84,13%), trong khi khu vực ngoài nhà nước chiếm 13,8%.

Từ năm 2014, Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế, tương đương 2.500 tỉ đồng đầu tư vào Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (Ảnh: Viện  Nghiêncứu và Phát triển Viettel)

Một số vướng mắc trong nguồn cung nhân lực được xác định là vấn đề then chốt của Việt Nam theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á. Những khó khăn vướng mắc bao gồm, nhưng không giới hạn, là sự tham gia thấp, không đồng đều và sự chênh lệch giữa giáo dục và thị trường lao động. Ví dụ, tỷ trọng dân số từ 18 đến 29 tuổi đang theo học các trường đại học là 28,3%, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Việt Nam có thể sẽ cần phải tiếp tục phấn đấu để phát triển nhân lực R&D.

Đáng chú ý là, dù giá trị tuyệt đối còn hạn chế nhưng các doanh nghiệp đã chiếm phần đáng kể trong đầu tư R&D. Các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 64% vào R&D quốc gia, tỉ lệ này có thể so sánh với Singapore (52%), Hàn Quốc (77%) và Trung Quốc (77%). Đây là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp chủ động tham gia R&D để nội địa hoá công nghệ nước ngoài và tăng cường đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo nhiệm vụ cấp nhà nước năm 2018 về “Nghiên cứu phân tích năng suất lao động của Việt Nam thông qua khảo sát đánh giá thực trạng năng suất lao động của doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế” cho thấy số lượng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động R&D còn ít ở Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong ngành sản xuất thiết bị điện là 17,0%; ngành sản xuất hóa chất là 15,0%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm là 9,0%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa là 7,0%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan là 6,0% và ngành dệt may là 5,0%.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây tại Việt Nam có nhiều hơn các doanh nghiệp mở rộng hoạt động R&D. Ví dụ, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thành lập viên nghiên cứu riêng vào năm 2010 theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Từ năm 2014, Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế, tương đương 2.500 tỉ đồng đầu tư vào Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Tập đoàn Dầu khí quốc gia cũng đã hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) chế tạo giàn khoan thế hệ mới phục vụ hoạt động khai thác dầu khí. Với nỗ lực của các nhà khoa học trong nước, doanh nghiệp này đã thiết kế và làm chủ được công nghệ sản xuất giàn khoan, đưa Việt Nam lên top 10 thế giới và Top 3 các nước châu Á có năng lực chế tạo giàn khoan tự nâng 90 mét và 120 mét vào năm 2009.

Một số thành công của R&D nội địa tại Việt Nam đến từ các hoạt động chuyển giao công nghệ quốc tế. Tuy nhiên, theo Coe và các cộng sự, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề R&D và tác động của R&D giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, mặc dù các quốc gia đang phát triển có thể hưởng lợi đáng kể từ các nỗ lực R&D của các đối tác thương mại, nhưng mức độ hưởng lợi lại phụ thuộc vào quy mô hoạt động R&D mà các nước này triển khai. Điều này cho thấy mối liên hệ tiềm năng giữa chuyển giao công nghệ quốc tế sâu rộng và các hoạt động R&D của chính các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nguồn lực quan trọng khác của R&D đến từ phía chính phủ. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã phát triển mạng lưới các viện nghiên cứu công lập, chiếm một phần lớn cả về ngân sách R&D công lập và nhân lực R&D. Năm 2020, có 652 tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam. Tuy nhiên, không giống như các đối tác của họ tại Đài Loan và Hàn Quốc từ những năm 1970 trở đi, các tổ chức nghiên cứu này ít liên kết/hợp tác với các doanh nghiệp và các trường đại học tư.

Phần lớn đầu tư R&D tại Việt Nam vào các ngành kỹ thuật và công nghệ. Điều này cũng được thể hiện qua phân tích về công bố khoa học quốc tế. Dữ liệu về các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy Việt Nam có trình độ chuyên môn cao hơn mức trung bình của thế giới về toán học, thống kê, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, và sinh học. Các lĩnh vực khác như khoa học môi trường, y học lâm sàng, môi trường xây dựng và thiết kế cũng là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Hơn nữa, nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam chiếm phần chủ đạo (69% tổng số nghiên cứu) cho thấy tiềm năng đẩy mạnh R&D để đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động trong các ngành công nghiệp.

Lê Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner