KH&CN địa phương Thứ sáu, 26/04/2024 , 03:46 pm
Cập nhật : 18/06/2015 , 23:06(GMT +7)
Phú Thọ: Hiệu quả triển khai Chương trình nông thôn miền núi đối với phát triển kinh tế xã hội
Chương trình NTMN đã khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế tiềm năng của tỉnh
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi ở phía Bắc đồng bằng sông Hồng, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn ít được quan tâm. Qua từng giai đoạn thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” (NTMN) đã thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa có hàm lượng KH&CN từ các giải pháp KH&CN.

Tính thiết thực từ Chương trình NTMN

Chương trình NTMN là một trong những chương trình KH&CN quan trọng, có tính thiết thực do Bộ KH&CN chủ trì. Sau 15 năm triển khai Chương trình đã có 845 dự án được triển khai thực hiện trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 2.745 tỷ đồng. Các dự án thành công đã góp phần không nhỏ vào mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản của các địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi.

Ông Nguyễn Thế Ích, Chánh văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cho biết mục đích của chương trình là xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN tiên tiến, phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại địa bàn nông thôn, miền núi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường; ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Các dự án được hình thành gắn với mục tiêu, sản phẩm cụ thể như: Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại nông sản quý (rau quả và hoa), phát triển các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao như cà phê, tiêu, chè, điều, cao su; nâng cao hiệu quả sản xuất các mặt hàng còn phải nhập khẩu như bông, cây dầu thực vật, bột giấy…

Qua từng giai đoạn Chương trình đã thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa có hàm lượng khoa học và công nghệ từ các giải pháp KH&CN.

Chuyển giao tiến bộ KH&CN

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã chủ động và tích cực tham gia Chương trình có hiệu quả, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&CN đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện 24 dự án với tổng kinh phí thực hiện là 147,186 tỷ đồng. Thông qua triển khai các dự án thuộc Chương trình NTMN, các dự án tập trung vào chuyển giao 30 công nghệ khác nhau với gần 200 quy trình công nghệ giải quyết các vấn đề khoa học về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và bảo vệ môi trường, công nghệ vi sinh, bảo quản chế biến, công nghệ thông tin; đào tạo được cho tỉnh 300 cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho gần 8.000 lượt nông dân nắm vững các quy trình, tiến bộ kỹ thuật.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành một số vùng chuyên canh, thâm canh có cây trồng có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại (mô hình rau an toàn trái vụ, nấm ăn và nấm dược liệu, chăn nuôi lợn rừng, lợn trang trại,…). Đồng thời đã khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế tiềm năng của tỉnh (cá Anh Vũ, cá Lăng chấm, hoa lan Hồ Điệp,…), tạo sản phẩm mới (gạch không nung, viên đốt), tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư vùng dự án.

Cùng với đó, Chương trình đã thúc đẩy phát triển các chương trình trọng điểm của tỉnh, đẩy mạnh việc gắn kết giữa KH&CN với kinh tế - xã hội, thúc đẩy có hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay một số dự án triển khai có hàm lượng công nghệ cao, tiên tiến, có tính mới, đa dạng về lĩnh vực và đối tượng phục vụ hơn, không chỉ thuần túy đáp ứng mục tiêu xóa đói giảm nghèo, còn có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn các giai đoạn trước phục vụ phát triển công nghiệp, công nghệ sinh học,…

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã tiếp nhận, chuyển giao 76 quy trình, tiến bộ kỹ thuật, đào tạo trên 100 cán bộ kỹ thuật, tập huấn trên 6.400 lượt nông dân, xây dựng 30 mô hình phát triển nông nghiệp. Một số công nghệ về canh tác được chuyển giao qua các dự án đã trở thành công nghệ ổn định trong phát huy tối đa khả năng canh tác để phát triển một số cây lương thực vùng gò đồi trung du tỉnh Phú Thọ. Các công nghệ về trồng, thâm canh và chế biến một số giống chè xanh chất lượng cao đã góp phần hình thành và mở rộng một số vùng chuyên canh, các giống mới được đưa vào đã và đang được người dân và doanh nghiệp duy trì và phát triển tốt.

Ví dụ như dự án “Xây dựng mô hình trồng thâm canh 02 giống bưởi đặc sản Đoan Hùng tại huyện Đoan Hùng” kết hợp với đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng của tỉnh đã góp phần tăng nhanh diện tích bưởi đặc sản của tỉnh từ 282 ha năm 2002 đến nay lên 1.450 ha, nâng cao giá trị kinh tế đối với cây bưởi đặc sản của tỉnh. Dự án đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng trồng bưởi từ 600 - 700 triệu đồng/ha đối với bưởi Chí Đám và từ 250 - 400 triệu đồng/ha đối với bưởi Bằng Luân. Dự án “Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè Ô long tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ” đã tạo được vùng nguyên liệu 50 ha theo tiêu chuẩn VietGap để cung cấp giống và nguyên liệu cho sản xuất chè Ô long, tạo việc làm cho hơn 200 lao động trong vùng dự án, cho thu nhập 85 triệu đồng/ha từ việc thu hái chè nguyên liệu,….. góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế đối với cây chè của tỉnh, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân...

Trong chăn nuôi, thủy sản, công nghệ lai tạo giống đã góp phần từng bước cải tạo đàn gia súc (đàn bò) có năng suất và chất lượng cao hơn được người dân tích cực hưởng ứng nhân rộng. Công nghệ trong chăn nuôi lợn quy mô trang trại kết hợp được một số công nghệ đã tích cực hỗ trợ phát triển chăn nuôi có hiệu quả cao trong việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh, vừa bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và quản lý của chủ trang trại...

Trong lĩnh vực vật liệu mới và bảo vệ môi trường, các dự án như: Chuyển giao ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất gạch không nung từ đất đồi, gạch ống không nung cốt liệu chất lượng cao và nguyên liệu sẵn có tại địa phương đã và đang tạo ra sản phẩm gạch xây mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và khu vực. Sản phẩm này có chất lượng cao và giá thành hợp lý hơn so với gạch nung. Công nghệ sản xuất và tạo sản phẩm viên đốt Biomass, công nghệ sấy hóa khí tiết kiệm năng lượng,… là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tạo việc làm ở khu vực nông thôn, đã góp phần tận dụng được các phế phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường ở tỉnh Phú Thọ.

Thực tiễn các kết quả mô hình ứng dụng các tiến bộ KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế so với cách thức sản xuất cũ, đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc cần thiết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ sản xuất và đời sống.

Bài, ảnh: Bảo Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner