Câu hỏi làm sao để tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam đang cần khoa học giải đáp.
Sáng 10/6, tại hội thảo "Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phân tích quá trình phát triển kinh tế của đất nước, chỉ ra điểm khuyết cần được nhà khoa học vào cuộc.
Phó thủ tướng bày tỏ lo ngại các căng thẳng địa - chính trị thế giới và trong khu vực đang diễn biến khó lường. Sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay vừa mang lại lợi ích vừa kèm theo thách thức to lớn. “Chúng ta phải hành xử như thế nào với cuộc cách mạng khoa học này khi chưa tạo được đột phá theo Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, bằng công nghệ thông tin?”, ông nói.
Chia sẻ với các nhà khoa học hiện nền kinh tế đang có độ mở rất lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 193% GDP (năm 2017), Phó thủ tướng cho rằng Việt Nam dễ chịu tác động của các bất ổn thế giới. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công Thương… xây dựng báo cáo đánh giá rõ rủi ro, thách thức Việt Nam phải đối mặt từ nay tới năm 2020 và những năm tiếp theo.
"Các bộ sắp hoàn thành báo cáo, phải chăng ổn định kinh tế vĩ mô phải là nhiệm vụ hàng đầu. Đây cũng là vấn đề cần các nhà khoa học tiếp tục cho ý kiến”, Phó thủ tướng đề nghị.
Phó thủ tướng muốn nhà khoa học chỉ rõ đâu là điểm cốt yếu của phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở Việt Nam, để làm sao vừa phát triển nhanh nhưng bền vững; làm thế nào để gia tăng tính gắn kết trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường dựa trên nguyên tắc “không đánh đổi phát triển kinh tế để hủy hoại môi trường”…? Chính phủ đang tái cơ cấu nền kinh tế để không còn phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, liệu nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn mới?
Với thị trường trong nước, ông cho rằng hai năm qua tăng trưởng trên 10%/năm nhưng cơ sở hạ tầng của thị trường nội địa còn yếu kém, cần được tập trung làm rõ, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường này.
“Ta nói nhiều đến nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng ít nói tới phát triển thị trường tài chính - vốn, lao động, khoa học công nghệ, hàng hóa - dịch vụ và bất động sản. Các quy chuẩn của thị trường phải được xây dựng như thế nào?”, Phó thủ tướng đặt câu hỏi.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng đặt hàng nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bà cho biết, Quốc hội sẵn sàng cung cấp cho Viện thẻ dự khán các kỳ họp để nghe những vấn đề thực tiễn phản ánh vào nghị trường. “Các đồng chí là nghiên cứu nên rất cần những thực tiễn do đại biểu Quốc hội phản ánh. Đây chính là hơi thở của cuộc sống, tâm nguyện của người dân…”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Theo bà, lâu nay tiếng nói của giới khoa học xã hội vẫn còn hạn chế. Các cơ quan hoạch định chính sách vẫn chưa nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
|