Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ tư, 15/01/2025 , 09:51 pm
Cập nhật : 01/05/2022 , 14:05(GMT +7)
Phát triển thương hiệu gắn với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ
Tài sản trí tuệ (TSTT) giúp gia tăng lợi nhuận, quảng bá thương hiệu cũng như quyết định tính cạnh tranh, phát triển bền vững của cá nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc nhận diện, xác lập, bảo vệ và phát triển TSTT có vai trò quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

TSTT được hiểu với nội hàm rộng, là tất cả các kết quả, sản phẩm sáng tạo từ trí tuệ con người trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. TSTT gồm: Quyền tác giả (quyền tác giả và quyền liên quan), Sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại), Giống cây trồng (Vật liệu nhân giống, Vật liệu thu hoạch). Một khi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có ý thức đầu tư xây dựng TSTT và xác lập quyền SHTT, quyền lợi mang lại là rất lớn.

Một câu chuyện tiêu biểu cách đây nhiều năm trước tại Cần Thơ, nghệ nhân Nguyễn Thị Xiềm (Mười Xiềm) sau khi tham dự một cuộc trình diễn đổ bánh xèo ở Mỹ về, đã tạo lập được thương hiệu “Bánh xèo Mười Xiềm”. Chỉ việc nhượng quyền sử dụng thương hiệu này cho một doanh nghiệp, bà Mười Xiềm đã thu về khoản thu nhập khá lớn vào thời điểm đó.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại TP Hồ Chí Minh, đơn cử thêm về trường hợp của ông Nguyễn Phú Tia, TP Cần Thơ), người sáng chế và phát triển thương hiệu “Rượu mận Sáu Tia” nổi tiếng. Ông Khuê phân tích: Ông Sáu Tia SHTT ở nhiều lĩnh vực, từ “nhãn hiệu Sáu Tia”, đến kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, tên thương mại “Sáu Tia”, quyền tác giả, giống cây trồng … “Chỉ bấy nhiêu thôi, chưa nói đến việc kinh doanh sản phẩm, ông Sáu Tia đã sở hữu khối tài sản rất lớn”, ông Khuê nói. Ông Sáu Tia thì chia sẻ rằng, bản thân ông khi nghĩ ra công thức làm rượu mận đã kỳ vọng cung cấp ra thị trường với số lượng lớn. Ðiều đó đòi hỏi ông phải xây dựng thương hiệu, xác lập quyền bảo hộ SHTT.
 
Tại Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ vừa được tổ chức tại Cần Thơ, bà Trần Thị Thanh Ðiệp, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Tính đến tháng 4-2022, có 6.649 đơn và 4.589 văn bằng bảo hộ SHTT tại TP Cần Thơ. Trong số văn bằng bảo hộ SHTT, có 23 văn bằng bảo hộ sáng chế, 10 văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích, 204 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và 4.352 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Nếu như giai đoạn 2011-2015, có 1.066 văn bằng bảo hộ được cấp thì giai đoạn 2016-2020, số văn bằng bảo hộ lên đến 1.434. Ðặc biệt chỉ trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tình hình đăng ký, xác lập quyền SHTT rất khả quan, với 442 văn bằng bảo hộ được cấp.
 
Theo thống kê của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) đến nay, Cần Thơ là một trong các địa phương rất quan tâm đến việc ban hành các cơ chế, chính sách phát triển TSTT dưới nhiều hình thức khác nhau. Ðiển hình tại Quyết định 3032/QÐ-UBND ngày 1-1-2021, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ban hành Chương trình Phát triển TSTT TP. Cần Thơ đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký quyền SHTT và hỗ trợ nhiệm vụ thuộc chương trình, nhằm thúc đẩy đăng ký bảo hộ TSTT ở trong và ngoài nước, thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT. Từ đó, hình thành và tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội.
 
Tháng 1-2022 vừa qua, UBND TP Cần Thơ cũng đã phê duyệt danh mục và dự toán kinh phí nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình Phát triển TSTT TP Cần Thơ, thực hiện năm 2022. Có 4 nhiệm vụ được phê duyệt, gồm: xây dựng, khai thác và phát triển giá trị TSTT đối với sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2022-2025 (kinh phí 2 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ chủ trì thực hiện); xác lập quyền SHTT các giống lúa OM của Viện Lúa ÐBSCL (kinh phí 1,5 tỉ đồng, do Viện Lúa ÐBSCL chủ trì thực hiện); tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT và phát triển thương hiệu (kinh phí 2 tỉ đồng, do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ thực hiện); tuyên truyền kiến thức pháp luật về quyền SHTT tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng (kinh phí 450 triệu đồng, do Trường Ðại học Cần Thơ thực hiện).
 
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, việc hỗ trợ phát triển TSTT thông qua các dự án phát huy hiệu quả rõ nét. Cụ thể, Dự án Hỗ trợ đăng ký quyền SHTT trong nước và nhãn hiệu ở nước ngoài (thực hiện giai đoạn 2019-2020), đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho 130 cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Các đối tượng được hỗ trợ gồm 109 nhãn hiệu, 12 nhãn hiệu tập thể, 7 sáng chế/giải pháp hữu ích, 4 quyền tác giả, 1 giống cây trồng, 1 nhãn hiệu nước ngoài, với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng. Hay một số dự án khác như Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên Ðài PT-TH TP Cần Thơ, Phát triển thương hiệu gạo sạch Thành Ðạt, Quản lý và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Tân Thới (huyện Phong Ðiền)…
 
Ông Trần Giang Khuê chia sẻ: Ðể xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo ra sự phát triển đột phá và bền vững, doanh nghiệp cần tạo nên sự khác biệt, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với chiến lược khai thác TSTT, song song với việc quảng bá, truyền thông.
 
PV
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner