Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 02/11/2024 , 02:22 pm
Cập nhật : 26/11/2018 , 05:11(GMT +7)
Phát triển nông nghiệp không thể thiếu sự đóng góp của KH&CN
KH&CN đã tạo ra nhiều giống cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao
Thành tựu phát triển nông nghiệp, cuộc sống nông dân, bộ mặt nông thôn không thể thiếu sự đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là các nhà khoa học trong các viện, trường... nông nghiệp luôn đồng hành cùng người nông dân. Nhờ có KH&CN đã tạo ra nhiều giống lúa mới, giống vật nuôi, đổi mới cải tiến quản lý, phát triển nông nghiệp.

PV: Thưa GS Trần Đức Viên, ông đánh giá như thế nào về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới?

- GS. Trần Đức Viên: - Từ khi thành lập đến nay Đảng luôn quan tâm đến giai cấp nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Điều đó thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng và được hiện thực hóa trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông).

Đại Hội X của Đảng đã ra Nghị quyết 26 tập trung về vấn đề tam nông. Nghị quyết 26 có 2 chương trình tập trung: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông  thôn mới và Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tách 2 chương trình này rất khó vì đó là tổng hòa chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, bộ mặt nông thôn thay đổi hoàn toàn, nông nghiệp bắt đầu chuyển mình từ truyền thống sang hiện đại, thông minh, cuộc sống của nông dân được cải thiện.

Về sản lượng lương thực, Việt Nam đã trở thành "cường quốc" về xuất khẩu nông sản, giá trị thặng dư xuất khẩu chiếm 1/4 tổng giá trị xuất khẩu nông sản.Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới về điện, đường, trường, trạm, bệnh viện... đi đâu cũng khởi sắc, cuộc sống nông dân được cải thiện. Thu nhập lao động bình quân đạt 35-36 triệu đồng/người/năm; thu nhập hộ gia đình bình quân đạt 135-136 triệu đồng/năm, tăng 3,5 lần so với trước khi Nghị quyết 26 ra đời.

Tỷ lệ các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đến tháng 11/2018 là 41% và chắc chắn vượt mục tiêu 50% vào năm 2020. An ninh lương thực đảm bảo, an ninh dinh dưỡng được cải thiện.

Những thành tựu đó rất quan trọng. Nhờ Nghị quyết 26 bộ mặt nông thôn đã thay đổi đáng kể, nông nghiệp truyền thống chuyển sang hiện đại, thông minh, nhiều mặt hàng nông sản cạnh tranh được với thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề bất cập, ví dụ đồng ruộng còn manh mún, do đó một trong những ưu tiên của ngành nông nghiệp là tích  tụ đất đai để sản xuất hàng hóa tập trung.

Lực lượng lao động nông thôn chất lượng có nguy cơ bị suy giảm vì người có trình độ đã rời bỏ nông thôn ra thành phố kiếm việc làm. Môi trường nông thôn bị xấu đi trông thấy, ô nhiễm đất, nước, không khí trở thành thành câu chuyện thường xuyên ở làng xã nông thôn, chưa kể văn hóa truyền thống bị mai một.

Giá trị gia tăng nông nghiệp, sức cạnh tranh chưa cao. Việt Nam mới chỉ có một số mặt hàng cạnh tranh được với thế giới như: tôm, cá basa, đồ gỗ, lúa gạo đã bắt đầu vượt Thái Lan về giá. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam hiện nay là tập trung cải thiện các mặt hàng chủ lực.

PV: Vậy KH&CN đóng góp gì để cải thiện nông nghiệp, nông thôn và nông dân? - - Rất tiếc cho đến nay chúng ta chưa có đề tài nào đánh giá về vấn đề này. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, thành tựu phát triển nông nghiệp, cuộc sống nông dân, bộ mặt nông thôn không thể thiếu sự đóng góp của KH&CN, đặc biệt là các nhà khoa học trong các viện, trường... nông nghiệp luôn đồng hành cùng người nông dân.

Chính họ đã tạo ra nhiều giống lúa mới, giống vật nuôi, đổi mới cải tiến quản lý, phát triển nông nghiệp. Phải ghi nhận nỗ lực của các nhà khoa học trong việc đồng hành cùng với nông dân. Người nông dân đơn lẻ hay bị thiệt thòi, do đó việc hình thành liên kết ngang (nông dân-nông dân) và liên kết dọc (nông dân- doanh nghiệp) theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa phải được ưu tiên.

Sau này, Nhà nước tiếp tục đầu tư hơn nghiên cứu KH&CN về nông nghiệp nhưng những nghiên cứu ấy phải là hơi thở của cuộc sống, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra cho nông nghiệp và nông thôn.

Khi nào mỗi người nông dân là 1 doanh nghiệp, biết ngày nay sản xuất cái gì, ngày mai bán cho ai, ở đâu, mẫu mã thế nào, giá bao nhiêu, chấm dứt cảnh giải cứu nông sản thì Nghị quyết 26 sẽ thành công.

PV: Xây dựng nông thôn mới luôn là những vấn đề được quan tâm ở tất cả các nước và tùy theo điều kiện của mỗi nước để có cách giải quyết. Ví dụ như, để phát triển nông nghiệp Nhật Bản coi phát triển khoa học - kỹ thuật nông nghiệp là biện pháp hàng đầu. Vậy trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, theo GS. Trần Đức Viên cần phải có những giải pháp gì để đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN trong xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam?

- Vấn đề  tam nông là vấn đề toàn cầu và được thế giới quan tâm từ lâu. Châu Âu có 28 quốc gia nhưng chỉ thực hiện 1 chính sách đối với nền nông nghiệp, trong đó đặt ra những tiêu chí phát triển nông nghiệp - nông thôn rất cụ thể.

Ngày nay, thế giới đều thừa nhận Nhật Bản là cường quốc nông nghiệp. Họ phát triển nông nghiệp bằng nhiều chính sách, trong đó nổi tiếng nhất là chính sách "Mỗi làng một sản phẩm" ra đời năm 1970 làm thay đổi bộ mặt nông thôn Nhật Bản. Nhờ đó, lao động nông nghiệp chiếm 3% dân số đất nước nhưng thừa sức nuôi 127 triệu người trong nước đồng thời xuất khẩu, họ tạo ra các sản phẩm nổi tiếng toàn cầu.

Đầu tiên, Nhật Bản thực hiện chính sách người nông dân được tự chủ trên ruộng đất của mình và chính sách này kéo dài 16 năm. Sau đó, Nhật Bản thực hiện chính sách phát triển giá trị nông nghiệp, nông sản, xây dựng hợp tác xã kéo dài 30 năm.

Đến những năm 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản ra đời chính sách Takebe, trong đó có chính sách về an toàn, an ninh thực phẩm.

Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản rất quan tâm đến việc xóa nhòa ranh giới giữa thành thị và nông thôn, trong đó có chính sách trợ giá nông sản. Nhật Bản trợ giá có định hướng, họ muốn phát triển ngành nào thì trợ giá ngành đó. Nhật Bản khuyến khích nông dân không rời nông thôn để không tạo sức ép cho thành phố bằng cách phát triển nông thôn để người nông dân thấy đó là nơi đáng sống.

Nhật Bản làm rất cẩn thận, đặc biệt quan tâm liên kết ngang, hình thành các nông hội, ở đó tập hợp những người nông dân liền bờ, liền thửa, cùng ham muốn sản xuất mặt hàng nào đó. Nhà nước trợ giá, hỗ trợ về KH&CN, máy móc, thiết bị để phát triển nông thôn.

Sự hỗ trợ ấy chia làm 3 mức: chính quyền Trung ương đầu tư gì, địa phương đầu tư gì và các nông hội đầu tư gì để phát huy nội lực của người nông dân.

Nông thôn Nhật Bản bây giờ cũng có nhà hát, thư viện, không thấy ranh giới giữa thành thị và nông thôn.

Thành công của Hàn Quốc cũng được thế giới ghi nhận. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, thu nhập bình quân của người dân Hàn Quốc chỉ chừng 85 USD/người/năm, 85% nông dân còn nghèo đói.

Khi đó, Tổng thống Park Chung Hee phát động phong trào tạm dịch là Làng mới, dựa vào nội lực của các cộng đồng làng xã là chính. Người nông dân tự chọn người giỏi nhất làm trưởng thôn, quyết định tổ chức làm cái gì, ở đâu, ra sao..., bản thân mỗi nông dân là một doanh nhân, gắn chặt chẽ với HTX; còn Nhà nước chỉ hỗ trợ một số lĩnh vực chủ yếu về vật tư thiết bị.

Nhờ đó, sau 8 năm bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã thay đổi. thu nhập tăng vọt, HTX liên kết nông dân rất mạnh, phát huy tính tự cường dân tộc của người Hàn Quốc, 78% vốn đổ vào xây dựng nông thôn mới là của người nông dân ở cộng đồng đóng góp.

Những bài học của Nhật Bản, Hàn Quốc sau này trở thành hình mẫu phát triển nông thôn mang tính thành cầu. Điều quan trọng nhất là họ dựa vào nội lực của nông dân, phát huy tiềm năng của họ, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò bà đỡ, mang tính định hướng.

Đối với Việt Nam, xây dựng nông thôn mới chỉ thành công thực sự khi xác định đó là việc của nông dân, Nhà nước tạo ra động lực, nguồn lực cho nông dân để họ phát huy sức mạnh tiềm năng.

PV: Thưa GS. Trần Đức Viên, hiện nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến liên kết trong nông nghiệp. Tuy nhiên, sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, viện, trường và nhà nước còn chưa thực sự gắn kết dẫn đến lãng phí và hiệu quả đạt được chưa cao. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp là chưa nhiều. Dưới góc độ của một Học viện trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông cần phải thực hiện những gì để giải quyết tình trạng này?

GS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Na giao lưu với độc giả

- Phải thừa nhận câu chuyện liên kết ở Việt Nam còn chưa chặt chẽ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: đề tài của nhà khoa học chưa được ứng dụng nhiều, trong khi sản xuất luôn phải theo thị trường. Chính vì thế, có cảm giác doanh nghiệp không cần đến các nhà khoa học trong nước và có tư tưởng sính ngoại. Đó là một cản trở.

Việc liên kết rất cần đến vai trò của các tổ chức trung gian. Ở nước ngoài thường có các tổ chức, công ty ươm tạo công nghệ, đóng vai trò trung gian gắn kết các nhà khoa học, các viện, trường, doanh nghiệp, địa phương với nhau.

Đối với Việt Nam, thực ra việc liên kết này trên thị trường đã tự phát từ lâu, nhưng Quyết định 2075 năm 2013 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 đã chính thức tạo ra hành lang pháp lý, giúp doanh nghiệp, nhà khoa học, viện, trường yên tâm, tự nguyện tham gia kết nối.

Chính Quyết định này đã tạo động lực và cả áp lực để nhà khoa học khi nghiên cứu xác định rằng công trình của mình phải áp dụng được vào thực tiễn và doanh nghiệp đặt hàng các viện, trường các vấn đề mình cần.

Nếu tổ chức thực hiện tốt, điều này sẽ trở thành động lực gắn kết các viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp và thực tiễn sản xuất vì đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Muốn thực hiện tốt Quyết định 2075, Bộ KH&CN phải đổi mới cách xét duyệt và nghiệm thu đề tài. Tôi biết, sau Quyết định này, nhiều trường đại học đã thành lập các trung tâm ươm tạo công nghệ.

PV: Để đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có những chủ trương, định hướng gì để sinh viên nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, thưa GS Trần Đức Viên?

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến KH&CN. Ngay từ năm 2007, Học viện đã bán bản quyền giống lúa lai 3 dòng được 10 tỷ đồng và sau đó có một loạt sản phẩm KH&CN ra đời.

Trước đó, Học viện đã thành lập công ty chuyển giao KH&CN và cách đây 5 năm thành lập công ty ươm tạo công nghệ hoạt động như một công ty đổi mới sáng tạo.

Học viện đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, tập hợp các nhà khoa học không biên giới có cùng đam mê, cùng chí hướng. Cho đến nay, Học viên Nông nghiệp đã thành lập được 49 nhóm như vậy, tất cả đều hoạt động nghiên cứu hướng đến thị trường, xác định sản phẩm bán cho ai, ai dùng, bán ở đâu... 

Các nhóm này đóng vai trò trung gian, đưa sản phẩm của nhà khoa học, viện, trường đến với các địa phương, doanh nghiệp, đồng thời đưa yêu cầu của địa phương, doanh nghiệp trở lại với nhà khoa học.

Nguyên tắc hoạt động của các nhóm nghiên cứu này là phải bám chặt, phục vụ thực tiễn cuộc sống, đồng thời phải hội nhập quốc tế sâu rộng càng nhanh càng tốt.

Trung tâm ươm tạo khuyến khích nhà khoa học cho ý tưởng nghiên cứu. Ban đầu nhiều người nghĩ đó là chuyện tầm phào nhưng sau đó đã phải thay đổi suy nghĩ và khẳng định đó là chuyện rất nghiêm túc.

Năm qua, Quỹ ươm tạo công nghệ của Học viện đã chọn được 120 ý tưởng để tài trợ, giúp các nhóm tác giả nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ. Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học trẻ từ nước ngoài trở về, "Việt Nam hóa" các công nghệ họ học tập được.

Từ 120 ý tưởng trên, Học viện chọn được 30 đề tài nghiên cứu có thể ra sản phẩm phục vụ sản xuất, trong đó có 20 sản phẩm KH&CN được thương mại hóa.

Với Quyết định 2075 và thực tiễn Việt Nam, trong tương lai, các nhà khoa học Việt Nam cần phải đưa các kết quả nghiên cứu KH&CN có thể ứng dụng vào thực tiễn lên sàn chứng khoán bởi với một nền kinh tế thị trường, mỗi sản phẩm KH&CN phải trả lời câu hỏi bán ở đâu, bán cho ai, bán như thế nào, giá bao nhiêu... Bây giờ nghe chuyện ấy có thể xa xôi nhưng đó là con đường đi tất yếu.

Bài, ảnh: PV 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner