KH&CN địa phương Thứ bảy, 20/04/2024 , 06:32 am
Cập nhật : 12/09/2021 , 17:09(GMT +7)
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Thu hoạch chôm chôm tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc)
Huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là một trong 4 địa phương được chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện chú trọng ứng dụng công nghệ cao và xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

Hình thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản lớn

Huyện Xuân Lộc được biết đến là một huyện thuần nông với diện tích đất canh tác gần 60.000ha. Nhờ ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến mà những năm gần đây khu vực này đã hình thành nên các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới sớm nhất cả nước, huyện đang phấn đấu xây dựng huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng "Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững" giai đoạn 2018-2025.

Theo đó, lãnh đạo huyện khuyến khích nông dân tham gia vào những dự án cánh đồng lớn và không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức, tổ hợp tác, câu lạc bộ. Hội nông dân huyện Xuân Lộc cũng tăng cường vận động nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và của huyện triển khai tập huấn cho bà con nông dân nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật cụ thể như: Lắp đặt các hệ thống phun tưới tự động theo công nghệ mới; áp dụng công nghệ sinh học, trồng cây trong nhà màng nhà lưới, sử dụng túi để bao trái và sản xuất theo hướng hữu cơ từ đó cho ra sản phẩm an toàn và hướng tới xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện tại, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP như: Xoài Suối Lớn; cam, quýt Xuân Hưng; sầu riêng Xuân Định; chôm chôm Bảo Hòa và sản phẩm rau củ quả của các hợp tác xã nông nghiệp.

Xuất phát từ một nông dân trồng xoài, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Xoài Suối Lớn, đã liên kết với nhiều nông dân xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao và liên kết với các đối tác xuất khẩu xoài. Ông Nguyễn Thế Bảo chia sẻ, trước đây nông dân làm ra sản phẩm tự bán, vụ đắt vụ rẻ; sau này, hợp tác xã ra đời mỗi năm giúp nông dân xuất khẩu khoảng 1 nghìn tấn xoài đi các quốc gia: Ukraine, Trung Quốc và bán cho các nhà máy chế biến trong nước khoảng 1 ngàn tấn. Thực hiện chủ trương sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững của huyện, nhiều xã trên địa bàn đã và đang hình thành các trung tâm sản xuất, chế biến nông sản lớn. Như xã Xuân Định, chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng chuyên canh cây sầu riêng sản xuất theo quy trình VietGAP quy mô 300ha; đồng thời hướng dẫn nông dân đang có vườn cây sầu riêng chuyển đổi quy trình chăm sóc để mở rộng vùng sầu riêng sạch ra khoảng 1 nghìn ha.

Kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp

Theo ông Viên Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy huyện Xuân Lộc, trong thời gian vừa qua, huyện đã tích cực mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi với nhà đầu tư, đối tác liên kết thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Huyện đã quy hoạch sẵn 4 tiểu vùng sản xuất tập trung để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và có giá trị kinh tế cao. Ông Viên Hồng Tiến cũng cho biết thêm, ngoài các vùng, tiểu vùng nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu, huyện tiếp tục rà soát quỹ đất công và thu hồi các dự án hết hạn, đưa vào quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo quỹ đất sạch, lớn cho doanh nghiệp.

Hiện tại, đã có một số nhà đầu tư lớn quan tâm đến các khu quy hoạch và lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Có thể kể đến là Tập đoàn VinGroup dự kiến đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao 200ha tại xã Xuân Trường và thị trấn Gia Ray; Công ty Việt Úc đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao gần 500ha tại xã Xuân Tâm… Bên cạnh đó, huyện Xuân Lộc tập trung ưu tiên hoàn thiện đường giao thông, hệ thống thủy lợi, đường điện vùng có quy hoạch dự án nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất và làm chứng nhận tiêu chuẩn: GAP, Organic, HACCP, ISO, OCOP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và mã số vùng để thuận lợi hơn khi xuất khẩu. Cùng với việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, huyện Xuân Lộc cũng chú trọng tạo dựng các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với người nông dân, giữa những người nông dân với nhau, tạo liên kết sản xuất các loại mặt hàng tuân thủ theo quy trình và tiêu chuẩn chung.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tạo sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của huyện Xuân Lộc, góp phần đưa nhiều chỉ tiêu chủ yếu của địa phương đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho rằng, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững vừa là mục tiêu, vừa là động lực để huyện Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án nông nghiệp công nghệ cao đang được triển khai trên địa bàn và khiến một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tuy nhiên, lãnh đạo huyện tin tưởng, khi dịch bệnh được kiểm soát, việc phát triển hàng hóa nông nghiệp bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao, sẽ đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người nông dân và doanh nghiệp; đồng thời giải quyết được bài toán đầu ra, tăng giá trị hàng nông sản.

 

Nguồn tin: Quân đội nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner