Là một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, vì vậy việc xác định phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với hi vọng trở thành lĩnh vực mũi nhọn đã được Đảng và Nhà nước đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ kỳ vọng đến triển khai còn là chặng đường khá dài với nhiều những vướng mắc, đặc biệt về cơ chế chính sách cần được giải quyết để đưa nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển.
Hình mẫu cho nông nghiệp tri thức của thế kỷ 21
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển có lợi thế phát triển nông nghiệp. Ngoài việc cung cấp đủ lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nông nghiệp còn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể từ xuất khẩu nông sản. Từ những năm giữa thế kỷ 20, các nước phát triển đã quan tâm đến việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ giúp cho kinh tế phát triển.
Đầu những năm 80 tại Mỹ đã có hơn 100 khu vườn khoa học công nghệ; ở Anh đến năm 1988 đã có 38 khu vườn khoa học công nghệ. Đến năm 2006, ở Trung Quốc đã hình thành hơn 405 khu nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ mà nền sản xuất tại các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Israel năng suất cà chua đạt 250- 300 tấn/ha, bưởi đạt 100- 150 tấn/ha, hoa cắt cành 1,5 triệu cành/ha… đã tạo ra giá trị sản lượng trung bình 120.000- 150.000 USD/ha/năm. Riêng ở Trung Quốc đạt giá trị sản lượng bình quân 40.000- 50.000 USD/ha/năm gấp 40- 50 lần so với các mô hình sản xuất trước đó. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và sự phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành hình mẫu cho nông nghiệp tri thức của thế kỷ 21.
Có thể thấy, nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện từ lâu và được định nghĩa là nền nông nghiệp được ứng dụng những công nghệ mới và sản xuất, bao gồm công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một diện tích, phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, phương thức sản xuất lạc hậu, kỹ thuật áp dụng không đồng đều dẫn đến năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng sản phẩm không ổn định. Không những vậy, sản phẩm lại chưa được chế biến nên ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản thế giới. Vì thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được Nhà nước quan tâm thể hiện qua các chủ trương chính sách lớn như Đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 hình thành và phát triển gần 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và 3 - 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm.
Cần có nhiều chính sách đồng bộ
Tại Hội nghị “Hợp tác các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, vừa diễn ra tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, thông tin cho biết cả nước hiện có 29 khu nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện các khu đều gặp khó khăn do thiếu kinh phí và nhà đầu tư.
Theo Luật Công nghệ cao, các doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về lãi suất, ưu tiên vốn vay. Song trên thực tế, các chính sách này chưa được cụ thể hoá do chưa có hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ. Thậm chí, Luật quy định doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ lãi suất ngân hàng nhưng Chính phủ chưa bố trí nguồn kinh phí để “trả” cho các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, hiện tại chúng ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Điều này khiến nhiều tỉnh, thành lúng túng trong việc xây dựng chính sách, lập đề án phát triển. Khi chính quyền địa phương còn lúng túng thì làm sao triển khai cho doanh nghiệp thực hiện.
Ngoài vấn đề về cơ chế chính sách thì vấn đề thiếu nhân lực trình độ về công nghiệp hoá nông nghiệp, đặc biệt là nhân lực có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn cao trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại. Vì theo tính toán để khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển theo đúng nghĩa của nó, thì bình quân mỗi tỉnh phải cần ít nhất 20 thạc sĩ, tiến sĩ về nông nghiệp mà thực tế thì không biết lấy từ nguồn nào cho đủ số lượng phục vụ cho nhu cầu này.
Chính vì vậy, theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thì vai trò của nhà nước trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất quan trọng. Trước tiên đó là Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực.... để doanh nghiệp quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà tính theo mùa vụ sản xuất. Khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có nhiều chính sách đồng bộ, đặc biệt là vấn đề cơ chế chính sách.
Với quy mô nông hộ như hiện nay, để tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp có tính công nghiệp công nghệ cao, cần định hướng tổ chức phát triển sản xuất, tiếp thị liên kiết dưới các hình thức Hợp tác xã, Công ty liên doanh… để có quy mô tài chính và điều kiện sản xuất đủ lớn cho đầu tư công nghệ cao. Như vậy, trình độ quản lý cũng cần được nâng cao và cũng cần được coi là một yếu tố công nghệ.
TS. Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: một vấn đề quan trọng là phải giải quyết được đầu ra của sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Thực trạng cho thấy nhiều loại nông sản an toàn hiện đang không có chỗ đứng trên thị trường dù giá bán không cao hơn sản phẩm bình thường khiến nông dân thờ ơ với quy trình canh tác an toàn. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng vậy, phải đầu tư lớn về trang thiết bị, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn nhiều nhưng nếu không có giải pháp phân biệt loại nông sản này trên thị trường để có giá bán cao hơn thì sẽ không khuyến khích các đơn vị, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, cần sớm chuẩn hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng và phương pháp giám định đối với nông sản công nghệ cao. Nông sản công nghệ cao phải đạt được ưu thế nổi trội về phẩm chất (hương vị, mẫu mã, độ đồng đều, thành phần dinh dưỡng…). Một số sản phẩm mang tính độc đáo cao, giàu lợi thế so sánh trong cạnh tranh nhờ những yếu tố giới hạn về phạm vi và quy mô phát triển như điều kiện sinh thái, kỹ thuật thâm canh, phẩm chất giống… Sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Đây là những yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt khi xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Bài, ảnh: Minh Châu