Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ năm, 23/01/2025 , 06:29 am
Cập nhật : 07/05/2022 , 14:05(GMT +7)
Phát triển nhãn hiệu tập thể: Cách làm thương hiệu hiệu quả
Tương Bần Hưng Yen (Ảnh Chính phủ)
Bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, đặc sản địa phương đã và đang mang lại hiệu quả tích cực như: hạn chế rủi ro về biến động giá, mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Hưng Yên – một trong những địa phương thực hiện tốt việc phát triển nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực đặc thù của tỉnh.

Cách làm hiệu quả

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất tương bần của gia đình ông Ngô Xuân Triệu ở thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Gia đình ông Triệu làm nghề tương bần đến nay đã 5 đời. Để có được những mẻ tương ngon, ông Triệu cho biết mỗi nhà đều có bí quyết riêng. 
 
Theo ông Ngô Xuân Triệu, Chủ tịch Hội làng nghề tương Bần, Hưng Yên: Muốn có tương ngon phải chọn vật liệu, ví dụ như đỗ phải chọn đỗ quên, ruột vàng vỏ mỏng thì nó mới bùi, ngậy, thơm. Gạo phải chọn nếp tám thơm, nếp ngày xưa cổ truyền chuyên nấu xôi để đi cúng cái đấy mới có đủ chất đạm, béo. Ngược lại khi ăn tương này rất mềm, thơm. Ăn nó có mùi sâu, thơm thơm man mát mà và hơi chua nhè nhẹ.
 
Nguyên liệu chính của tương Bần là gạo nếp, đậu tương, muối và nước. Quy trình làm tương cũng lắm công phu, từ việc đồ cơm, rang đỗ, ủ mốc, ngả tương đều đòi hỏi sự kỳ công. Phải mất từ hai đến ba tháng mới cho ra được một mẻ tương, thời gian lâu hay nhanh lại phụ  thuộc vào mùa và thời tiết. Để tương Bần khẳng định chỗ đứng trên thương trường, ngoài việc giữ nghề, giữ nét văn hóa truyền thống, những người làm tương đang nỗ lực tìm cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 
 
Nếu như hàng trăm năm nay người dân làng Bần vẫn làm tương như một nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, thì nay, nhất là từ khi tương Bần được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2011 đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. 
 
“ Từ khi có xuất sứ địa lý, bảo hộ thương hiệu các hộ dân đều thấy được trách nhiệm với thương hiệu được cấp. Từ làm thủ công, mạnh mún, chất lượng kém giờ đây đã tương đối đồng đều. Tất cả đều bảo ban nhau làm cùng giữ gìn thương hiệu, không để bị mai một, ngày càng phát triển hơn”, ông Ngô Xuân Triệu chia sẻ.
 
Ngoài Tương bần, hiện Hưng Yên đã xây dựng thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho hơn 15 sản phẩm đặc thù, nổi tiếng khác như: Nhãn lồng, Gà Đông tảo, Cam Văn Giang, chuối tiêu hồng Khoái Châu.v.v.những sản phẩm này đều được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, sản phẩm đặc thù của địa phương là Nhãn lồng đã lọt vào tốp 50 đặc sản Việt Nam. Có được thành công này phần lớn là nhờ được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
 
Khu vườn trồng nhãn có diện tích hơn 7.000m2 của gia đình ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc điều hành hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, Hưng Yên. Ông Tám cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ trong việc điều khiển nhãn ra hoa, đậu quả sớm nên mùa nhãn này nhiều vườn nhãn ở Hưng Yên nói riêng và tại HTX do ông phụ trách đã cho thu hoạch và được bán với giá cao, dao động từ 60-70 nghìn đồng/kg.
 
Gia đình ông Tám bắt đầu trồng nhãn từ năm 1987, hiện gia đình ông đang sở hữu nhiều loại giống nhãn quý hiếm. Nhờ thu nhập từ nhãn, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch đạt sản lượng từ 12-14 tấn/năm. Đem lại thu nhập trong gia đình khoảng trên dưới 300 - 400 triệu đồng. 
 
Không chỉ riêng gia đình ông Tám mà nhiều hộ gia đình trồng nhãn khác tại Hưng Yên cũng cảm thấy phấn khởi vì hiệu quả kinh tế do cây nhãn đem lại. Nhất là từ khi nhãn lồng Hưng Yên được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và được công nhận chỉ dẫn địa lý. Kể từ khi được bảo hộ, nhãn lồng Hưng Yên ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến bởi không chỉ giữ được hương vị truyền thống mà còn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm.
 
Nhằm quản lý và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực đạt hiệu quả, Sở KH&CN Hưng Yên cũng tổ chức nhiều hội nghị về quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ; làm rõ vai trò của ứng dụng công nghệ trong quản lý phát triển nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Hưng Yên.
 
Đại diện Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao giá trị của sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh được tỉnh quan tâm thông qua việc thực hiện các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, việc tiếp thu và chuyển giao các công nghệ sản xuất, kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi tiên tiến đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất. Tỉnh đã tích cực với các đơn vị, các viện nghiên cứu trường đại học để chuyển giao quy trình kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất qua đó nâng cao được chất lượng của sản phẩm và hiệu quả của sản xuất lên.
 
Đại diện Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, đối với lĩnh vực nông nghiệp Hưng Yên, có khá nhiều sản phẩm nông sản chủ lực mang tầm quốc gia. Hiện ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để những sản phẩm được ứng dụng tốt nhất khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả và chất lượng.
 
Quản lý bằng giải pháp công nghệ
 
Để quản lý và phát triển nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại địa phương, Hưng Yên đã đưa vào sử dụng nhiều giải pháp công nghệ, một trong số đó là Hệ thống truy xuất nguồn gốc CheckVN của nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE).
 
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển chi biết, Giải pháp Check Vn là hệ thống giúp chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những nhà sản xuất chân chính. Đến nay, hệ thống đã lưu giữ bộ mã truy xuất nguồn gốc của 8.977 sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm; 2.882 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh cung cấp nông sản an toàn cho Hà Nội. 
 
Có thể thấy việc phát triển nhãn hiệu tập thể, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý phát triển nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ là một trong những cách làm thương hiệu hiệu quả. Câu chuyện về phát triển nhãn hiệu tập thể như Nhãn lồng hay Tương bần của Hưng Yên đã phần nào chứng minh điều đó. Tuy nhiên, thực tế thì không phải địa phương nào cũng làm được như vậy. 
 
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN: Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đã chú tâm đến việc gìn giữ và đăng kí để bảo vệ cho các tài sản của địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác, đưa các sản phảm trí tuệ đặc biệt là các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý vào thực tiễn đem lại thế mạnh cho sản phẩm thì chưa được mạnh. 
 
Theo các chuyên gia, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt thì việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể  có vai trò rất quan trọng giúp đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm, dịch vụ, đồng thời giúp người tiêu dùng phân biệt được đặc điểm, chất lượng của từng sản phẩm. Đặc biệt, hiện nay những đòi hỏi về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ, phát triển nhãn hiệu tập thể  giữ vai trò sống còn đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, sau khi được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, cần đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý, tiếp tục đầu tư công nghệ mở rộng quy mô sản xuất để phát triển giá trị của các nhãn hiệu tập thể. Có như vậy, các nhãn hiệu tập thể nói riêng và các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương nói chung mới tăng sức cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu.
 
PV
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

  Loại  Mua  Bán
English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner
 
Loading...