Tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề hàng đầu đối với mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Kinh tế tăng trưởng tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đất nước về mọi mặt, như: Tăng vốn tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; nâng cao đời sống người dân; cải thiện các vấn đề về phúc lợi công cộng: văn hóa, giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo…
Nền kinh tế các nước đi lên phát triển một cách bền vững là phải dựa vào việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ (KH&CN). Coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực cho tăng trưởng kinh tế nước cũng là quan điểm xuyên suốt trong dòng chảy lịch sự phát triển kinh tế.
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển trên thế giới và trong khu vực như: Hàn Quốc, Singapo, Nhật Bản và các nước phát triển như Mỹ, Đức,… chỉ ra cho chúng ta thấy, biện pháp để đưa nền kinh tế các nước đi lên phát triển một cách bền vững là phải dựa vào việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ (KH&CN).
Với Việt Nam, coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực cho tăng trưởng kinh tế cũng là quan điểm xuyên suốt trong dòng chảy lịch sự phát triển của kinh tế nước nhà.
Tại Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nền khoa học – kỹ thuật Việt Nam mới được hình thành và từng bước phát triển theo hướng hiện đại hoá nhằm đáp ứng yêu cầu của Cách mạng, phấn đấu đạt đến mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phát triển KH&CN, phục vụ đắc lực cuộc cách mạng kỹ thuật thời chiến, giành thắng lợi trong chiến tranh và xây dựng tiềm lực sẵn sàng tiến hành cuộc cách mạng khoa học trên quy mô lớn với trình độ cao sau khi chiến tranh kết thúc.
Song do xuất phát điểm từ nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, trình độ khoa học – công nghệ - kỹ thuật tuy có phát triển nhưng vẫn chậm chạp và thua kém so với trình độ chung của các nước trong khu vực.
Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Kinh tế từng bước phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, GDP của nước ta tăng trưởng liên tục từ năm 1990 đến 2000 với mức tăng trưởng bình quân 7,35%. Trong vòng 10 năm, quy mô GDP tăng từ 6,5 tỷ USD lên 33,64 tỷ USD (gấp 5,18 lần). Đỉnh điểm, năm 2007, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,5%, mức cao nhất kể từ năm 1997.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng ta đã sớm có các định hướng và chỉ đạo đúng đắn về vị trí, vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để KH&CN phát triển. Quan điểm coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới.
Trước Đại hội VI, Đảng ta đã xác định cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt trong ba cuộc cách mạng của thời kỳ khôi phục và kiến thiết đất nước sau thống nhất. Đại hội VI (1986) coi KH&CN là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội VII (1991) khẳng định KHCN là nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội Đảng VIII (1996) và Đại hội IX (2001) coi KHCN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội X (2006) nhấn mạnh vai trò động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế tri thức. Đại hội XI (2011) đề ra đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và KH&CN giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.
KH&CN đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của kinh tế xã hội
Từ sự quan tâm của nhà nước về phát triển KH&CN, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực khoa học - xã hội – nhân văn, khoa học tự nhiên, xây dựng, công nghệ thông tin, truyền thông, y học. Những thành tựu này đã đóng góp không nhỏ ngăn chặn tình trạng suy giảm kinh tế nước nhà khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái.
Không chỉ vậy, sự phát triển như vũ bão của KH&CN, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất. Từ đó, làm cho chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện theo hướng bền vững và ổn định.
Kết quả là, GDP từ mức 66,37 tỷ USD vào năm 2006 đến năm 2018 đã đạt 244,98 tỷ USD, năng suất tổng hợp tăng dần từ giai đoạn 2006 – 2010 đạt 17,2%; đến giai đoạn 2011 – 2015 đạt 33,58%; đến giai đoạn 2016-2018 đạt 43,29%.
Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn ba năm 2016 - 2018; giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 43,5%. Tính chung 10 năm 2011 - 2020 vượt mục tiêu chiến lược đề ra (35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2018 đã tăng lên 5,8%/năm.
Theo số liệu từ Học viện KH,CN và ĐMST cho thấy chất lượng tăng trưởng được cải thiện thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6 % bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 43,3% giai đoạn 2016-2018.
Nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam cũng cho thấy, những doanh nghiệp có năng lực công nghệ được đánh giá cao hơn so với trung bình của Việt Nam có mức lao động cao hơn 1,66 - 1,83 lần. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2016 tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc).
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong kế hoạch hành động quốc gia, vai trò của KH,CN và ĐMST được khẳng định là động lực chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững với môi trường; là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.
Điều này một lần nữa khẳng định, tăng trưởng cao và tăng trưởng bao trùm vừa qua của kinh tế Việt Nam có đóng góp rất quan trọng của nhân tố KH&CN.
Bài, ảnh: Diệu Huyền