Phát triển khoa học công nghệ cần đam mê và cống hiến
Luật KH&CN sửa đổi đã đưa ra những cơ chế chính sách mới...
GS. TS Nguyễn Hữu Đức, Phó GĐ trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ như trên tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5: KH- CN với cuộc sống” do báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Trung tâm Truyền thông KH&CN- Bộ KH&CN tổ chức mới đây.
Đưa chính sách, pháp luật KH&CN vào cuộc sống
Nói về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, đối với một số ngành khoa học cơ bản Nhà nước cần đầu tư như vật lý và năng lượng hạt nhân, nếu chỉ quan tâm đến chế độ, chính sách cho giai đoạn học đại học, mà không chỉ cho người học thấy khả năng và tương lai của những giai đoạn phát triển tiếp theo như việc làm, tiếp tục học lên....thì chưa đủ sức thu hút thế hệ trẻ. Nhìn rộng ra cho các ngành khoa học cơ bản thì chỉ riêng chính sách hỗ trợ cho việc đào tạo đại học là chưa đủ, mà cần phải xây dựng lộ trình đào tạo toàn diện và đầy đủ, bảo đảm đầu tư đào tạo được các nhà khoa hoc cơ bản trình độ cao, kèm theo đó là các chính sách sử dụng, đãi ngộ, thì thế hệ trẻ mới yên tâm dồn tâm huyết của mình đến đích cuối cùng.
Thứ hai, để các nhà khoa học yên tâm và cống hiến tốt, phải xây dựng môi trường học thuật và nghiên cứu thuận lợi. Nhà nước cần quan tâm đầu tư để Việt Nam có nhiều trung tâm nghiên cứu và đào tạo hiện đại và đồng bộ. Đồng thời có kinh phí nghiên cứu khoa học đủ để các nhà khoa học đáp ứng nhu cầu sáng tạo.
Thứ ba, gần đây Nhà nước đã có chủ trương kéo dài thời gian làm việc của giáo sư đến 70 tuổi, phó giáo sư đến 67 tuổi và tiến sỹ đến 65 tuổi. Đồng thời tiếp tục triển khai những chính sách về lương tương ứng với các nhà khoa học đó. Đó là những khích lệ lớn.Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng, hiện nay vẫn còn thiếu nhóm các nhà khoa học trình độ cao, có trình độ tương đương với các nước tiên tiến, có khả năng nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ mang tầm thời đại và vấn đề khoa học công nghệ trọng điểm của đất nước. Nhà nước cần quan tâm để có giải pháp phát triển đội ngũ này. Ngoài việc thu hút phát triển các nhà khoa học trong nước, cũng cần quan tâm đến khả năng thu hút các nhà khoa học xuất sắc ở nước ngoài đến dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm nhằm triển khai những chương trình nghiên cứu trọng điểm.
Tại buổi giao lưu, PGS.TS Phạm Thành Huy (Viện Tiên tiến KH&CN) cũng cho rằng, bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học chính là nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, tạo động lực cho nền kinh tế, hỗ trợ an ninh, quốc phòng. Mặc dù trong suốt thời kỳ phát triển vừa qua, Đảng và Nhà nước đã luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, nhưng vẫn thiếu những chính sách và hành động cụ thể để đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, để các nhà khoa học có đóng góp tích cực hơn vào các vấn đề hệ trọng của đất nước thì cần có những chính sách và quy định cụ thể để các hoạt động nghiên cứu, đánh giá và bản thân các nhà khoa học có thể tham gia, có ý kiến trước và trong quá trình thực hiện các dự án kinh tế-xã hội trọng điểm của đất nước. Đặc biệt, việc rút ngắn khoảng cách hay nâng cao tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có thể áp dụng trong thực tế luôn là một vấn đề được đặt ra của cả cộng đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên thế giới. Việc rút ngắn khoảng cách này không chỉ cần trí tuệ và sức lao động của các nhà nghiên cứu, đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Nhà nước, mà còn cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và cả các tổ chức, cá nhân sử dụng công nghệ và sản phẩm công nghệ.
Đồng tình với các khách mời tham dự giao lưu, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải cũng khẳng định, bên cạnh việc ban hành những cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KH&CN được cụ thể hóa trong Luật KH&CN sửa đổi, cần phải đẩy mạnh hơn nữa những cơ chế này để trọng dụng các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tài năng. Vì thế hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai Chương trình KH&CN tiềm năng dành cho các nhà khoa học trẻ. Chương trình này đã thu hút được các nhà khoa học trẻ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Chủ trương thu hút đã xác định trong các văn bản lớn về chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi, ban hành còn rất chậm do còn nhiều vướng mắc. Bộ KH&CN đang nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ soạn thảo một số nghị định, thông tư quy định cụ thể về các cơ chế đột phá hỗ trợ tài chính, thu nhập, môi trường nghiên cứu, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Tôi hi vọng, các văn bản này sẽ sớm được ban hành”, ông Khải nói.
Đẩy mạnh truyền thông KH&CN
Bên cạnh việc đưa chính sách khoa học vào cuộc sống, GS Nguyễn Thành Huy cũng chia sẻ những băn khoăn khi hiện nay đa phần công chúng chưa quan tâm đến phát triển KH&CN. Đặc biệt, các nhà khoa học cũng chưa có cách tiếp cận phù hợp để đưa những thông tin khoa học, những kết quả nghiên cứu và thành tựu công nghệ Việt Nam đến với công chúng. Nhận thức đúng của công chúng về vai trò của khoa học, cùng những chính sách và định hướng cụ thể của Nhà nước sẽ là chìa khoá giúp KH&CN đến gần hơn với cuộc sống. Vì vậy, với việc tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam lần đầu tiên, vào ngày 18/5 tới, Giáo sư Huy hy vọng công chúng sẽ có thêm nhiều thông tin, hiểu hơn về công việc của những người làm nghiên cứu cũng như hoạt động nghiên cứu KH&CN trong nước, qua đó cùng chung sức phát triển KH&CN nước nhà.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải cho biết ngay trong Luật KH&CN 2013 cũng đã quy định về nội dung này tại Điều 48 và một số điều, khoản khác về Truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Tuy nhiên “Trong công tác truyền thông, một mặt cần tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp cho đất nước; nhưng quan trọng hơn, là việc nâng cao trách nhiệm của họ đối với sự nghiệp phát triển KH&CN phục vụ phát triển đất nước, đi tiên phong trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN”, ông Khải bày tỏ.
Còn theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức bên cạnh việc chú trọng truyền thông KH&CN tới toàn xã hội, rất cần đầu tư cho khoa học cơ bản nói riêng và đầu tư cho khoa học công nghệ nói chung. Đặc biệt cần đẩy mạnh truyền thông trong các trường đại học. Để có một nền khoa học công nghệ phát triển, một trường đại học như Đại học Quốc gia Singapore mỗi năm có chi phí nghiên cứu hơn 500 triệu USD, gấp hơn 500 lần so với đầu tư cho nghiên cứu tại các trường đại học trọng điểm ở nước ta. Nói như vậy có nghĩa là muốn khoa học cơ bản phát triển tốt cần phải đầu tư đạt ngưỡng, cần có nhiều đầu bài hay và phải có cán bộ khoa học giỏi.
PGS.TS Phạm Thành Huy khẳng định, truyền thông phải thực sự hiệu quả để có thể thu hút giới trẻ tham gia học các ngành khoa học cơ bản và tham gia nghiên cứu sáng tạo, trước hết cần truyền thông nhiều hơn các thông tin về hoạt động khoa học đến công chúng, nhất là các bạn trẻ giúp các em nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, nhất là các ngành khoa học cơ bản đối với sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, cần tập trung quan tâm đến thế hệ trẻ ngay từ những năm cuối bậc phổ thông, lấy nâng cao chất lượng đầu ra, phát triển phẩm chất năng lực của học sinh làm quan điểm chủ đạo cho phát triển, cho đổi mới giáo dục. Quá trình học tập không nên chỉ tập trung vào trang bị kiến thức mà còn cần giúp các em phát huy được năng lực tư duy, khả năng tự học, kỹ năng tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề, tự nghiên cứu, đây chính là những kỹ năng và yếu tố cần thiết thúc đẩy các em đến gần với hoạt đông nghiên cứu khoa học một cách tự nhiên, cũng như chủ động hơn trong nghiên cứu sáng tạo sau này.