Nghiên cứu tạo ra những công nghệ bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch là một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp làm thế nào để lĩnh vực nàyđạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa, Phóng viên đã có cuộc traođổi vớiPGS.TS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN Trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ sau thu hoạch” mã số KC.07/11-15 về vấn đề này.
Thị trường KH&CN chưa hình thành và phát triển
Ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ sau thu hoạch trong sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam? Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong ứng dụng, triển khai công nghệ này?
PGS.TS. Lê Đức Mạnh:Có thể nói Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp nên các sản phẩm nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Việc ứng dụng Công nghệ sau thu hoạch sẽ làm giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản nông sản, đa dạng hóa các sản phẩm của ngành nông nghiệp, làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và thế giới.
Ở Việt Nam, khó khăn trong việc ứng dụng, triển khai công nghệ sau thu hoạch cũng giống như các lĩnh vực khoa học khác, đó là thị trường khoa học và công nghệ chưa hình thành và phát triển.
Thứ hai, việc định giá công nghệ chưa được thực hiện, sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ để ổn định, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm còn ít…
Bên cạnh những khó khăng chung như đã nêu thì lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch còn có những khó khăn riêng, đó là chưa có nguồn nguyên liệu tập trung để bảo quản và chế biến ở quy mô công nghiệp, sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, bảo quản và chế biến nói riêng còn ít.
Phải chăng năng lực nghiên cứu cứu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế?
PGS.TS. Lê Đức Mạnh:Tôi cho rằng các cán bộ khoa học của Việt Nam có trình độ khá tốt, rất nhiều người đã được đào tạo và thực tập tại các nước có trình độ khoa học và công nghệ cao. Tuy nhiên về điều kiện cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó sự thiếu đồng bộ trong cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là cơ chế tài chính, chính sách đãi ngộ đối với các nhà khoa học chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng không ít đến hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Có ý kiến cho rằng, một số nước đã trích 1% từ tổng giá trị xuất khẩu nông sản để đầu tư cho công tác nghiên cứu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS. Lê Đức Mạnh:Tôi cho rằng đây là một việc làm rất tốt, Việt Nam cần rút kinh nghiệm để thực hiện. Hiện nay, hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu được tài trợ từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho khoa học còn rất ít.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đối với sự sống còn của doanh nghiệp thì khi đó khoa học và công nghệ mới có đất để phát triển.
Nhiều kết quả nổi bật
Được biết, ông là Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu “Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ sau thu hoạch”. Ông có thể tóm tắt một số kết quả nối bật của Chương trình trong giai đoạn 2011 – 2015?
PGS.TS. Lê Đức Mạnh:Mục tiêu ứng dụng và phát triển thành công một số công nghệ bảo quản tiên tiến và giải pháp phù hợp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch một số sản phẩm Nông- Lâm- Thủy sản và dược liệu chính của Việt Nam có giá trị gia tăng, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.Chương trình được thực hiện với 32 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có: 18 để tài nghiên cứu khoa học; 08 dự án sản xuất thử nghiệm và 06 nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng.
Phát triển công nghệ sau thu hoạch góp phần quan trọng trong nâng cao giá trị nông sản
Trong quá trình thực hiện, các nhà khoa học đã nỗ lực hết mình hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều đề tài, dự án có kết quả tốt ứng dụng ngay vào sản xuất, ví dụ như: Dự án “Hoàn thiện quy trình bảo quản sau thu hoạch cá tạp và công nghệ sản xuất surimi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm surimi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản”; mã số: KC07.DA01/11-15. Ngay sau năm thứ 2 thực hiện dự án, đã sản xuất được 200 tấn surimi đạt yêu cầu của Nhật Bản và xuất sang Nhật Bản ngay trong năm 2013 là 152 tấn. Dự án đã liên tục phát triển mở rộng sản xuất surimi đáp ứng yêu cầu của Nhât Bản và các thị trường khác.
Đề tài : “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử sụng bơm nhiệt”, Mã số: KC07.04/11-15. Kết quả đề tài đã nghiên cứu được công nghệ, thiết kế, chế tạo và lắp đặt xong hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt quy mô 64 tấn, ứng dụng lắp đặt tại Công ty TNHH chè Á Châu- Phú Thọ. Đây là một đề tài có giá trị thực tiễn cao, góp phần giúp các doanh nghiệp chế biến chè nâng cao và ổn định chất lượng chè CTC phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra còn có một số đề tài, dự án đạt kết quả nổi bật như “ Nghiên cứu công nghệ và thiết bị xử lý gỗ Tống quá sủ để sản xuất cấu kiện xây dựng nhà nông thôn”; Dự án “Hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất rượu gạo truyền thống, sản lượng 800.000l/năm”; Đề tài : “Nghiên cứu sản xuất chủng khởi động và ứng dụng trong sản xuất sữa chua, phomat; Đề tài: “Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ củ khoai lang tím Nhât Bản,...
Tuy nhiên để ứng dụng và triển khai công nghệ sau thu hoạch, Chính phủ đã có chủ chương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Cùng với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực bảo quản và chế biến Nông- Lâm- Thủy sản. Làm được việc này chắc chắn việc ứng dụng và triển khai công nghệ sau thu hoạch sẽ được đẩy mạnh.
Bài, ảnh: H.A