Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 09:45 am
Cập nhật : 05/08/2014 , 08:08(GMT +7)
Phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN trường đại học
Toàn cảnh Hội thảo
Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động chính của các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ở các trường đại học của nước ta hiện nay hoạt động này vẫn chưa được chú trọng. Chính vì vậy việc phát triển cơ sở ươm tạo được coi là giải pháp hữu hiệu để hình thành và phát triển bền vững doanh nghiệp KH&CN tại trường Đại học.

Cần chính sách hỗ trợ thiết thực

Có thể nói, hoạt động khoa học công nghệ của trường đại học được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đạt được nhiều thành tựu nổi bật, kết quả của nhiều đề tài, dự án đã được ứng dụng vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vẫn chưa xứng với tiềm năng của các trường nên mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vẫn thấp. Trong đó, nổi lên vấn đề đa phần các nghiên cứu xuất phát từ trường đại học là các nghiên cứu lý thuyết, thiếu các nghiên cứu ứng dụng và càng ít các nghiên cứu, đề tài được thương mại hóa. Hiện nay, trên cả nước đã có khá nhiều vườn ươm công nghệ của các trường đại học. Trong đó, một số vườn ươm đã đạt được kết quả thành công nhất định, cho ra đời các doanh nghiệp có doanh thu tốt. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ, kể cả trong giai đoạn ươm tạo và sau ươm tạo, nhìn chung còn hạn chế.

Tại Hội thảo quốc tế “Chính sách phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trường đại học: Bài học kinh nghiệm quốc tế.” do Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Văn phòng Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia tổ chức mới đây, TS. Mai Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Công nghệ cao - Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay việc ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ đang có những khó khăn nhất định từ các yếu tố như chính sách, vốn, cơ chế đầu tư...

Theo TS. Mai Thanh Phong, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mang tính hệ thống cho các doanh nghiệp ươm tạo và các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Để doanh nghiệp phát triển cần phải có nguồn tài trợ lâu dài và ổn định cho doanh nghiệp đó; các doanh nghiệp cũng cần có nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện ươm tạo và hoàn thiện sản phẩm và sản xuất thử nghiệm.Đồng thời, một số trung tâm ươm tạo quan trọng cần được đầu tư thích đáng, tránh đầu tư dàn trải, thiếu tập trung; bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa các Trung tâm ươm tạo trên từng địa bàn, vùng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc hình thành các tổ chức đầu mối, đơn vị trung gian, đào tạo cán bộ về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, giúp cán bộ nghiên cứu bảo hộ sáng chế; đồng thời hỗ trợ thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu là việc làm cần thiết, phải được triển khai mạnh mẽ và có tổ chức thực hiện trong các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ KH&CN ủng hộ chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu trong trường đại học đồng thời sẽ ban hành các chính sách về kinh phí và biên chế cho nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Đồng thời, Bộ cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho tất cả các hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu của các trường đại học ra ngoài xã hội cũng chú trọng hơn nữa đến quyền lợi của các nhà nghiên cứu.

Những bài học kinh nghiệm

Cũng tại Hội thảo trên, TS.Su-Chuan Liu – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Đổi mới – Đại học công nghệ Triều Dương, Đài Loan đã chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng và phát triển trung tâm ươm tạo từ chính mô hình bà đang đảm nhận. Theo TS. Su-Chuan Liu, hầu hết các quốc gia đều gặp phải những thách thức giống nhau như: tỷ lệ thất nghiệp cao đặc biệt trong giới trẻ, bất cân bằng giữa cung và cầu đối với thị trường việc làm, các công việc có mức lương thấp ngày càng gia tăng, mức tăng trưởng lương thấp, sự thay đổi công nghệ diễn ra nhanh chóng,…Vấn đề là làm thế nào để vượt qua được những thách thức đó, và làm thế nào để “ấp quả trứng thành con gà” đó là nhiệm vụ của các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó vai trò của Nhà nước là rất quan trọng.

Theo TS. Su-Chuan Liu, sự đầu tư mạnh dạn với ý thức không ngại chia sẻ rủi ro từ phía Nhà nước cho các doanh nghiệp công nghệ được ươm tạo là hết sức cần thiết. Vai trò của Chính phủ tạo ra mạng lưới để kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp - những doanh nghiệp chưa ai biết đến, Nhà nước giúp họ tạo thương hiệu trên thị trường bằng cách đứng ra tổ chức các cuộc thi, trao các giải thưởng cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp có các dịch vụ mới, các sản phẩm mới, công nghệ mới hay mô hình kinh doanh mới,… và với những doanh nghiệp chiến thắng trong cuộc thi đó sẽ được nhận một số vốn nhất định gọi là vốn mồi.

Ở Đài Loan, 8 lĩnh vực được ưu tiên đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đó là: Ứng dụng CNTT, Văn hóa, Công nghệ sinh học, công nghệ xanh, dịch vụ khoa học, cơ khí chính xác, nhà thông minh, y tế và giải trí. Theo đó những doanh nghiệp khởi nghiệp trong 8 lĩnh vực này sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi nhận sự hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng giúp đỡ họ kết nối với các nhà tư vấn, đó là những doanh nhân có kinh nghiệm, những nhà lãnh đạo của các công ty lớn, họ sẽ tư vấn về công nghệ, quản lý, tài chính, marketting, SHTT,…

TS. Su-Chuan Liu chia sẻ tại Hội thảo

Một trong những kinh nghiệm khác được TS. Su-Chuan Liu chia sẻ và đưa ra gợi ý đối với Việt Nam đó là việc thiết lập mạng lưới thúc đẩy doanh nghiệp (Born Global). Ở Đài Loan, Born Global có nghĩa là nền tảng hợp tác ươm tạo quốc tế cho các tổ chức ươm tạo. Bằng việc kết nối với các mạng lưới ươm tạo ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản các tổ chức ươm tạo này sẽ thúc đẩy nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức ươm tạo khác thông qua các chuyến thăm, tọa đàm, giao lưu và các hoạt động đan xen khác. Born Global giúp các tổ chức ươm tạo kết nối với các viện nghiên cứu hoặc kết nối với mạng lưới các tổ chức ươm tạo quốc tế để hình thành một kênh hỗ trợ các doanh nghiệp Đài Loan tiếp cận với thế giới hoặc để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài có thể đến kinh doanh một cách thuận lợi ở Đài Loan hoặc xây dựng hình thức hợp tác khác.

Cũng nói về vai trò của Chính phủ đối với các cơ sở ươm tạo, ông Lee Dong Kon- Cố vấn cao cấp Cục Phát triển doanh nghiệp- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyên Phó Chủ tịch Cơ quan hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc cũng cho biết, ở Hàn Quốc hiện có 277 cơ sở ươm tạo trực thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan nhà nước khác. Đến nay đã ươm tạo được gần 5300 doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc tiền khởi nghiệp (dưới 2 năm tuổi) có công nghệ và ý tưởng mới nhưng thiếu kinh nghiệm và khó khăn trong việc thương mại hóa sản phẩm. Nhà nước hỗ trợ việc thương mại hóa công nghệ mới bao gồm hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn về mặt quản lý doanh nghiệp, kế toán, thuế, luật pháp và thị trường; với rất nhiều gói hỗ trợ như: Chi phí, cơ sở các thiết bị cần thiết cho ươm tạo doanh nghiệp, dịch vụ tư vấn, dịch vụ hỗ trợ (hỗ trợ chuyên gia, chi phí nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ về mặt thị trường,…) dịch vụ thông tin.

Các kinh nghiệm được chia sẻ, giới thiệu tại Hội nghị sẽ là những gợi ý hữu ích cho các nhà quản lý Việt Nam trong phát triển các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và hình thành những doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp nhất là trong bối cảnh trình độ công nghệ và thực trạng đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.

Bài, ảnh: Diệu Huyền

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner